Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Chiến Ðấu Bằng Cầu Nguyện Sám Hối

Trong đời sống đạo, người tín hữu phải chiến đấu rất nhiều để luôn giữ được lòng trung thành với Chúa. Nhưng không phải chiến đấu nào cũng tốt. Bởi vì có những chiến đấu sai và có những chiến đấu đúng.

Xin phép nêu lên một ví dụ. Ðó là trường hợp thánh Phêrô.

Chúa Giêsu, trước giờ bước vào cuộc tử nạn, đã nói với các môn đệ: “Ðêm nay tất cả các con sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép: ‘Họ sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác’... Ông Phêrô liền thưa: ‘Dầu tất cả sẽ vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26,31-33).

Phêrô nói như thế một cách cương quyết với niềm kiêu hãnh. Ngài tự phụ sẽ chiến thắng được mọi trở ngại bất cứ từ đâu tới, để trung thành với Chúa.

Với lòng tự phụ đó, khi thấy quân quốc kéo tới bắt Thầy mình, Phêrô đã tuốt gươm ra chém đứt tai người đầy tớ thầy cả thượng phẩm (Mt 26,51).

Thế nhưng, chỉ sau đó vài giờ, khi thấy Chúa Giêsu bị bắt, bị đánh đập, bị nhục mạ, bị kết án. Và khi thấy mình có thể bị liên can, Phêrô đã chối Thầy: “Tôi không biết người đó” (Mt 26,69-76). Ngài nói câu đó đến ba lần.

Sự kiện chối thầy một cách mạnh mẽ ngon lành như thế chứng tỏ sự trung tín của ngài đã sụp đổ.

Trước đây niềm tin trung thành nơi ngài được coi như toà nhà vững chắc, kiên cố, cao đẹp, hùng vĩ. Nhưng chỉ đụng vào một thử thách nhỏ, toà nhà đó đã phơi bày sự mong manh của mình. Lý do là sự chiến đấu của Phêrô đã dựa vào lòng kiêu hãnh và ý riêng của chính mình, chứ không khiêm tốn dựa vào ơn Chúa và thánh ý Chúa. Chiến đấu này là chiến đấu sai.

Cũng may, đó chỉ là một bài học. Chúa Giêsu vẫn còn thương Phêrô. Khi bị điệu đi qua sân, Chúa Giêsu đã ngoảnh mặt lại nhìn Phêrô. Cái nhìn âu yếm đầy tình xót thương của Chúa đã đánh thức lương tâm Phêrô. Phêrô trở nên khiêm tốn, nhận biết mình quá yếu đuối. Ngài đón nhận ơn Chúa để thống hối ăn năn và cầu nguyện. Ngài chiến đấu bỏ ý riêng mình và lòng kiêu ngạo. Chiến đấu này là chiến đấu đúng.

Từ đó, Phêrô không những tin mà còn cảm nghiệm được một cách sâu sắc lời Chúa phán: “Không có Thầy, chúng con không thể làm gì được” (Ga 15,5).

Niềm tin này và sự cảm nghiệm này đã là một động lực thường xuyên thúc đẩy Phêrô năng cầu nguyện sám hối. Và càng cầu nguyện sám hối, Phêrô càng thấy ứng nghiệm lời Chúa hứa: “Thầy sẽ ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Từ những kinh nghiệm thường xuyên đó, người tông đồ xác định: Trong mọi chiến đấu cho đức tin và đức ái, thì phấn đấu bằng cầu nguyện sám hối là quan trọng nhất. “Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: Ðối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày. Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn sám hối. Nhưng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu huỷ” (2Pr 3,8-10).

Những gì đã xảy ra cho thánh Phêrô và những gì thánh Phêrô khuyên dạy chúng ta trên đây đáng được chúng ta quan tâm suy nghĩ. Nhất là trong một tình hình phức tạp, làm cho nhiều người lạc hướng.

Mong rằng mọi người chúng ta đều có thể là ông Ê-páp-ra mà thánh Phaolô khen ngợi trong thư gởi giáo đoàn Cô-lê-xê: “Ông là người không ngừng chiến đấu cho anh em bằng lời cầu nguyện, để một khi đã trưởng thành và hoàn toàn vâng theo ý Chúa trong mọi sự, anh em được đứng vững” (Cl 4,12).

Ðứng vững trong đức tin, nhất là đứng vững trong đức bác ái là điều không dễ chút nào.

Hãy cầu nguyện rất nhiều và hãy cầu nguyện theo thánh ý Chúa. Hãy sám hối rất nhiều và hãy sám hối với tinh thần tiết độ.

Tất nhiên cầu nguyện và sám hối sẽ không phải là giải pháp duy nhất để giải quyết mọi khó khăn trong cuộc sống, nhưng dứt khoát, đó là những khí giới tuyệt đối cần thiết trong cuộc chiến đấu cho đức tin và đức ái: “Tôi xin anh em cùng chiến đấu với tôi, bằng cách cầu xin Thiên Chúa cho tôi” (Rm 15,30).

Kinh nghiệm cho thấy: Tại Việt Nam hôm nay, nhiều người vẫn thường xuyên cầu nguyện xin ơn vâng phục thánh ý Chúa, và thường xuyên sống tinh thần tiết độ tỉnh thức như một cách sám hối. Họ được Chúa thu hút vào sự dấn thân làm chứng cho Chúa bằng nhiều cách. Cách dễ thấy nhất và cũng hấp dẫn nhất là thực thi ba bài học Ðức Kitô đã dạy trong những giờ sau hết:

Một là bài học rửa chân cho các môn đệ. Nghĩa là phục vụ lẫn nhau một cách khiêm nhường (Ga 13,12-17).

Hai là bài học về điều răn mới: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12). Nghĩa là yêu thương đến hy sinh chính mình một cách vị tha.

Ba là bài học về tha thứ: “Lạy Cha, xin tha tội cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Nghĩa là sống nhân hậu một cách quảng đại. “Không lấy ác báo ác. Không dùng lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa. Nhưng trái lại hãy chúc phúc” (1Pr 3,8).

Họ thực thi ba bài học trên đây không do sức riêng mình, nhưng do sức Chúa. Vì Chúa Thánh Thần ngự trị trong họ.

Nhờ những người biết chiến đấu như thế, mà Nước Trời đang được biết bao đồng bào Việt Nam nhận ra, mến yêu và đón nhận.

Long Xuyên, ngày 21 tháng 9 năm 2001