Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Ðôi Chút Tâm Tư Về Một Giải Pháp Cứu Ðộ

Từ mấy ngày nay, tôi đã dành một ít thời giờ để tĩnh tâm riêng. Mục đích là để thông công vào những cuộc họp mặt bồi dưỡng tu đức đang và sẽ được tổ chức nơi các cộng đoàn tại địa phương này.

Trong những giờ hồi tâm, tôi nhận thấy nơi bản thân mình có nhiều điểm đáng phải lo ngại. Ðặc biệt là những điểm sau đây:

1/ Chúa đã trao cho mình một số ơn thánh như những nén bạc để sinh lời (Mt 25). Nhưng xem ra mình chưa trình nạp cho Chúa đủ những món lời mà Chúa muốn.

2/ Chúa đã gieo vào lòng mình nhiều hạt giống tốt (Mt 13). Nhưng xem ra một số hạt giống đó chỉ thành những cây èo uột, hoặc bị nghẹt không nở ra cây được.

3/ Chúa đã truyền cho mình xây dựng một số công trình thiêng liêng (Mt 7). Nhưng xem ra một vài công trình đã không được xây trên nền tảng vững chắc.

Với những lo ngại như trên, tôi thấy: Ðời mình tuy có một vài thành công, nhưng rất mong manh. Ðời mình đã có những thua kém, nhưng đâu dám quyết là sẽ dễ dàng khắc phục. Ðời mình đã có những thiếu hụt, mà có gì bảo đảm là sẽ bù đắp lại được.

Những bóng mờ trên đây là ở trong đời tôi. Khi tôi nói ra, thì nhiều cá nhân, nhiều cộng đoàn cũng nhận ra rằng: Chính họ cũng có những bóng mờ tương tự như vậy. Thế là tất cả chúng tôi đều cùng chung một nhận thức: Mình yếu hèn, tội lỗi, nhiều vướng mắc, nhiều giới hạn. Lỗi của mình, lỗi tại mình, thì đừng đổ cho ai. Ðó là nhận thức hợp lý.

Trước những thực tế như vậy, tôi xin Chúa thương cho tôi một giải pháp.

Tự nhiên, trí khôn tôi nhớ lại một lời thánh tông đồ Phaolô đã nói về Chúa Giêsu: “Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá” (Pl 2,8).

Với lời đó, Chúa cho tôi hiểu giải pháp phải dùng, đó là khiêm nhường.

Nếu khiêm nhường là một giải pháp mà Chúa chọn để cứu độ ta, thì ta cần tìm áp dụng giải pháp đó bằng những việc cụ thể. Tôi xin phép đưa ra vài gợi ý.

Khiêm nhường là hết lòng cảm tạ Chúa đã thương cho ta nhìn thấy những sự thực về mình. Mình chẳng là gì. Mình chẳng đáng gì. Mình chẳng ra gì. Sự nhìn nhận những thực tế đó sẽ dắt ta đi vào một chỗ đứng xứng với sự thấp hèn của ta. Và lòng ta sẽ được bình an. Cố chấp không nhận biết mình có tội lỗi, đó là chìa khoá mở cửa vào hoả ngục.

Khiêm nhường là thực tình ăn năn sám hối về mọi lỗi lầm. Sám hối một cách đơn sơ nhưng với tấm lòng tan nát. Như người thu thuế mà Chúa Giêsu mô tả dưới hình một người đứng cuối nhà thờ, cúi mặt xuống, đấm ngực nài van lòng thương xót Chúa. “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.

Khiêm nhường là tìm một lối thoát âm thầm. Chắc chắn là mình không thể thay đổi được tình hình bên ngoài. Vậy thì mình thay đổi chính mình, để giữa tình hình đó, mình sẽ chỉ là một mầm non chứa đựng bác ái, chứa đựng hy vọng, chứa đựng hy sinh và nguyện cầu. Nếu thực hiện được các việc âm thầm như vậy, thì đời ta cũng sẽ có một ý nghĩa Tin Mừng rồi. Âm thầm kiểu đó là lựa chọn của Thánh gia xưa.

Khiêm nhường là tuân phục ý Chúa. Trên lý thuyết Phúc Âm, ý Chúa về chúng ta là rất rõ: “Ai muốn làm môn đệ Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Thầy” (Mt 16,24). Ý Chúa là như thế. Không được phép đổi khác.

Ðêm vừa qua, tôi trải qua một chiêm bao. Tôi cầm một cuốn sách khá dày. Cuốn sách nói về đời sống người môn đệ Chúa. Sách có nhiều đoạn. Ðoạn nào cũng dài. Nhưng có một đoạn rất vắn. Chỉ vỏn vẹn một trang. Tôi thấy trong đó không viết chữ nào. Chỉ thấy in hình Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Tôi ngạc nhiên.

Nhưng tôi dần dần hiểu ra điều Chúa nhắn gởi: Ðầy tớ không trọng hơn Thầy. Thầy đã chịu đóng đinh vào thánh giá. Thì đầy tớ Chúa cũng đừng lấy làm lạ, nếu có ngày phải cùng chung số phận đó.

Chúa đòi ta: Không những phải khiêm nhường vác thánh giá, mà còn phải chịu khiêm nhường đóng đinh vào thánh giá nữa. Bởi vì đó là con đường sẽ phá tan quyền lực kiêu căng tội lỗi, mở cửa Phục sinh.

Ðóng đinh vào thánh giá, đó là ý Chúa gởi cho ta hôm nay.

Ðóng đinh vào thánh giá Chúa sẽ không phải là một cầm giữ, nhưng là một giải thoát. Bởi vì đây là sự đóng đinh cái tôi tự ái, cái tôi nô lệ quyền lực tội lỗi, cái tôi tham vọng, cái tôi ích kỷ, cái tôi nông nổi, cái tôi nhu nhược chiều theo những khuynh hướng xấu thù địch với Phúc Âm.

Thú thực là: Làm dấu thánh giá thì đã quá quen. Ðeo thánh giá trên mình thì cũng dễ thôi. Tôn sùng thánh giá trên bàn thờ cũng chẳng khó gì. Nhưng vác thánh giá, mà là thánh giá nào, thì cũng đã là vấn đề không đơn giản. Phương chi sẵn sàng chịu đóng đinh vào thánh giá như Chúa Giêsu xưa, thì đó là việc hết sức khó chấp nhận. Dù sự ta chịu đóng đinh vào thánh giá mới chỉ là một chút khởi đầu. Thí dụ khi, vì bổn phận, ta chịu một phần nào nhục nhã, chịu một phần nào oan khổ. Hay thí dụ khi, vì phục vụ, ta chịu thử thách nặng nề, chịu thiếu thốn cùng cực, chịu âm thầm hy sinh. Ðó chỉ là những khởi đầu rất nhỏ, rất nhẹ.

Nhưng phải hiểu rõ những thực tế đó, và phải có một cảm nghiệm bản thân về những thực tế đó, thì chúng ta sẽ thấy được việc sống khiêm nhường thánh giá là không dễ gì. Nhưng nhất định phải có cách sống đó, vì nó là khí giới rất mạnh để thắng ma quỉ.

Không có Thầy, các con không làm gì được” (Ga 15,5). Lời đó đúng cho mọi việc lành. Riêng đối với việc khiêm nhường, nhất là khiêm nhường đón nhận thánh giá và sẵn sàng chịu đóng đinh vào thánh giá, thì ơn bình thường xem ra chưa đủ, mà cần phải có ơn khác thường, mới đủ sức. Tự hào mình là người đủ sức khiêm nhường, đó là dấu chắc nhất của sự kiêu căng phá hoại Nước Chúa.

Tôi nghĩ rằng: Hội Thánh địa phương ta sẽ được đổi mới mau lẹ và sâu sa về căn bản, nếu có được nhiều chứng nhân sống động của Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá, rất mực khiêm nhường và xót thương.

Chúa rất muốn và đang chờ chúng ta trở thành những chứng nhân sống động như thế, để chuyển ơn cứu độ vào thế gian hôm nay, một thế gian đang có những báo động đáng phải suy nghĩ.

Nên nhớ rằng: Chúng ta được Chúa sai đi, với trọng trách cộng tác vào kế hoạch cứu độ bằng con đường khiêm nhường thánh giá. Trọng trách cao thượng, nhưng đầy khó khăn. Phải nói là rất khó khăn, nhưng chúng ta tin tưởng nơi Ðấng gọi ta và sai ta đi.

Long Xuyên, ngày 15 tháng 8 năm 2002