Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Viếng Ðàng Thánh Giá

Trong mùa chay, nhiều người có thói quen viếng đàng thánh giá. Hoặc làm chung, hoặc làm riêng. Hoặc làm trong nhà thờ, hoặc làm nơi thích hợp. Hoặc làm cách này, hoặc làm cách khác.

Ðó là việc đạo đức. Bởi vì việc đó có thể sinh được nhiều kết quả tốt lành. Một trong những kết quả tốt lành đáng nói nhất là giúp chúng ta biết cộng tác vào ơn cứu độ của Chúa. Trước là cứu độ chính bản thân mình và cộng đoàn mình. Sau là cứu độ xã hội của mình, nhân loại của mình.

Ðể việc viếng đàng thánh giá sinh được kết quả cứu độ như vậy, chúng ta cần thực hiện việc đó với tinh thần cầu nguyện và suy niệm.

Một cách cầu nguyện và suy niệm đơn sơ, khi viếng đàng thánh giá, là hiệp thông với tâm tình của Ðức Mẹ.

Trong suốt cuộc thương khó của Chúa Giêsu, không ai đã đụng tới Ðức Mẹ. Thân thể Ðức Mẹ vẫn được toàn vẹn. Nhưng Ðức Mẹ đã đau khổ tột độ. Trung tâm đau khổ nơi Ðức Mẹ là trái tim. Từ nơi đó, cơn đau khổ đã tràn ngập tất cả con người Ðức Mẹ.

 Giao tranh giữa sự thiện và sự ác

Tấm lòng Ðức Mẹ đã rất đau đớn, khi phải chứng kiến cuộc giao tranh ác nghiệt giữa sự thiện và sự ác. Sự thiện là chân lý và tình yêu khiêm nhường hy sinh nơi Chúa Giêsu. Sự ác là những sai lầm và ghen ghét ác độc nơi những người kết án Chúa Giêsu.

Trong cuộc giao tranh giữa sự thiện và sự ác, Ðức Mẹ cảm nghiệm được những thực tế quá phũ phàng.

Ðúng lý ra, việc lành thánh phải luôn sinh ra kết quả lành thánh. Thế nhưng, thực tế cho thấy việc lành thánh nhiều khi lại là cớ sinh ra ghen ghét chống đối hận thù. Chúa Giêsu luôn nói lời lành thánh, luôn làm các việc lành thánh. Chính bản thân Ngài là Ðấng thánh, là đường, là sự thực và là sự sống. Ấy thế mà, người ta đã chống đối, đã ghen ghét, đã kết án Ngài. Như lời tiên tri Isaia đã nói xưa: “Người là một thánh điện, và một tảng đá... Nhiều người vì đó mà sẩy chân, té ngã, nát tan” (Isaia 8,14-15).

Ðúng lý ra, lòng con người phải luôn nuôi dưỡng những tư tưởng lành mạnh, nhưng thực tế cho thấy lòng người cũng nuôi dưỡng những tư tưởng hắc ám, từ đó sẽ hình thành những lời nói và việc làm tội lỗi phạm đến Chúa và gây đau khổ, thiệt hại cho người khác. Như lời Chúa Giêsu đã nói: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những tư tưởng xấu, tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người trở nên dơ bẩn” (Mc 7,21-23).

Ðúng lý ra, những người có đạo, được sống gần Chúa Giêsu, phải hiểu Ngài hơn, phải thương Ngài hơn, phải bênh vực Ngài hơn. Nhưng thực tế cho thấy ngược lại, như Phúc Âm kể:

Nhiều người đồng hương với Chúa Giêsu ở Nagiarét đã được Chúa Giêsu kính trọng, thương mến, nhưng khi nghe thấy Ngài muốn đổi mới cách sống đạo của họ, họ liền đổi thái độ. Họ tức giận Ngài, muốn loại trừ Ngài (Lc 4,28-29).

Nhiều người trong số bà con dòng tộc Chúa Giêsu, tuy thương Ngài, nhưng trước dư luận chống đối, họ cũng đã hiểu lầm Ngài, đến nỗi đã tưởng Ngài là người tâm thần, mất trí (Mc 3,20-21).

Các tông đồ là những người được Chúa Giêsu đào tạo rất kỹ, nhưng khi bị thử thách, kẻ thì nộp Ngài, kẻ thì bỏ trốn, thậm chí vị đứng đầu các tông đồ còn chối bỏ Ngài (Mc 14,50.70).

Dân chúng đã nghe Ngài giảng bác ái, đã thấy Ngài làm việc bác ái, thế mà khi bị khích động, họ đã dám chọn tên trộm cướp Baraba chứ không chọn Ngài (Mt 27,20-26).

Những thực tế phũ phàng đó là những lưỡi gươm đâm vào trái tim Ðức Mẹ. Nhưng chính những thực tế đó đã cho Ðức Mẹ thấy quyền lực sự ác mạnh đến độ nào, sự yếu đuối con người sâu đến mức nào, con người dùng tự do để chọn lựa sự dữ một cách dễ dàng thế nào. Do vậy cuộc chiến của sự thiện chống lại sự ác đòi phải dựa vào sức thiêng của Chúa.

Nhất là có những sai lầm đã biến thành ác độc. Như trường hợp những thượng tế, luật sĩ, kỳ lão đối với Chúa Giêsu. Như thể họ bị ác quỉ Satan sai khiến. Họ nhân danh đức tin để kết án loại trừ Ðức Kitô. Mà Ngài chính là Thiên Chúa làm người, đến trần gian để cứu độ trần gian.

Thực tế đó càng cho Ðức Mẹ cảm nghiệm việc cứu độ con người không đơn giản chút nào. Muốn thắng được tinh thần ác quỉ Satan đang thống trị nhiều người, người cứu độ phải khiêm tốn cậy nhờ ơn Chúa.

 Những việc phục vụ cứu độ

Vì thế, để đổi mới lòng người, đổi mới tôn giáo, đổi mới xã hội, Chúa Giêsu đã dùng lời giảng, đã dùng phép lạ, đã dùng cầu nguyện. Nhưng sau cùng Ngài đã thinh lặng dâng mình chịu khổ nạn và chết trên cây thánh giá làm giá cứu độ. Ðức Mẹ cũng đã hiệp thông những đau đớn đó một cách thinh lặng.

Khi thinh lặng chịu đau khổ, làm của lễ cứu chuộc, Ðức Mẹ cũng như Chúa Giêsu đã làm chứng 3 điều này:

Một là làm chứng cho tình yêu cứu độ. Tình yêu có sức cứu độ phải là tình yêu rất khiêm nhường và chấp nhận mọi hy sinh. Ðau khổ tự nó không có sức cứu độ, nếu không đi kèm sự thức tỉnh lương tâm và trở về tình yêu phục vụ khiêm tốn hy sinh.

Hai là làm chứng cho đức tin. Phải tin vững vàng vào lời Chúa hứa. Ðó là phải qua con đường khổ nạn mới tới được phục sinh. “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sự loại bỏ, bị giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại” (Lc 9,22).

Ba là làm chứng cho sự khiêm nhường tuân phục thánh ý Chúa Cha. “Khi vào trần gian, Ðức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Chúa như Kinh Thánh đã chép về con” (Dt 10,4-7).

Tất cả những sáng kiến đạo đức trên đây của Chúa Giêsu và Ðức Mẹ đều là những phục vụ rất lành thánh, rất anh hùng, đầy ơn cứu độ, nhưng lại rất thinh lặng.

 Trong thinh lặng

Suốt cuộc đời cứu độ, các Ngài nói rất ít, nhưng thinh lặng rất nhiều. Một sự thinh lặng như mặt trời lặng lẽ chiếu toả ánh sáng nuôi dưỡng muôn loài.

Chúa Giêsu là Ðấng cực thánh, chịu khổ nạn trên thánh giá, nhưng thinh lặng như một tình yêu phục vụ khiêm nhường, hy sinh, bao dung, tuân phục thánh ý Chúa Cha. Chính vì thế mà Ngài trở nên Ðấng cứu độ nhân loại, có quyền năng cứu độ vô cùng mạnh.

Ðức Mẹ là Ðấng rất thánh, chịu đau khổ dưới chân thánh giá, nhưng thinh lặng như một của lễ hiến dâng phục vụ hết mình và khiêm tốn. Chính vì thế mà Người trở nên Ðấng đồng công cứu độ, có quyền năng cầu bầu rất mạnh ơn cứu độ cho chúng ta.

Với những chất lượng của thinh lặng đạo đức như trên, thinh lặng của thánh giá có thể được coi là quê hương của những người mạnh.

Khi viếng đàng thánh giá, chúng ta nên suy gẫm những gương sáng trên đây của Chúa Giêsu và Ðức Mẹ. Và cũng hãy cầu nguyện để biết phục vụ ân cần khiêm tốn, góp phần vào công trình cứu độ của Chúa. Nhất là hãy cầu xin cho chính mình được ơn sám hối trở về với Chúa là tình yêu.

ù

Chắc chắn là chúng ta sẽ còn vô vàn sai lỗi. Nhưng với thiện chí cầu nguyện, suy niệm và tập luyện trên chặng đường thánh giá, chúng ta có quyền hy vọng: Ít ra tình yêu phục vụ khiêm nhường và hy sinh cũng sẽ dần dần trở thành tâm thức đạo đức trong con người chúng ta, làm nền tảng cho việc đào tạo bản thân mình và những người thuộc về chúng ta.

Long Xuyên, ngày 06 tháng 03 năm 2001