Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Tâm Tình Lữ Khách

Cuộc đời là một chuyến đi. Tôi là một lữ khách.

Khi chưa tới đích điểm, thì chỗ nào cũng là nơi tạm trú.

Trên đường về nhà Cha, người con của Chúa sống trong những liên đới trập trùng. Liên đới với nhiều người khác nhau. Liên đới với nhiều tình hình khác nhau. Nhất là liên đới với Thiên Chúa, Ðấng yêu thương tôi, Ðấng đã gọi tôi, Ðấng đã sai tôi đi.

Thực tế những chặng đường đã qua cho tôi nhiều kinh nghiệm quí giá. Ðối với tôi, có một kinh nghiệm rất quí giá, đó là kinh nghiệm về sự cầu nguyện.

Sự cầu nguyện là một nhu cầu. Như hơi thở, như lương thực hằng ngày.

Tôi cầu nguyện đơn giản theo kinh Lạy Cha. Từ đó nảy sinh ra những ý hướng thức thời về cuộc sống, được dâng lên Chúa khi cầu nguyện.

 Ý hướng thứ nhất là xin ơn được khám phá ra sự hiện diện của Chúa trong đời mình

Với ơn Chúa, tôi khám phá thấy sự hiện diện của Chúa trong nhiều con người mình gặp, trong nhiều tình hình mình sống, trong nhiều biến cố xảy đến cho mình.

Chúa hiện diện và hoạt động ở những thực tại đó một cách kín đáo. Rất kín đáo và cũng rất thường. Nhưng một lúc bất ngờ, Chúa mở lòng trí tôi, và tôi nhận ra Ngài.

Xưa, hai môn đệ Chúa trên đường Emmau đã rất lo âu. Có lúc họ rơi vào thất vọng. Chúa Giêsu đến với họ. Ngài xin họ cho Ngài quá giang. Ngài ngồi bên họ trên chiếc xe ngựa cũ kỹ. Ngài như một người thường. Nhưng có một cái gì không thường. Bởi vì từ Ngài toả ra một phong cách khác thường. Phong cách tình người đằm thắm chân thành. Phong cách thấm nhuần Lời Chúa sâu xa. Phong cách am hiểu và tôn trọng người đối thoại. Phong cách đốt nóng tâm hồn người nghe bằng lửa thiêng liêng tế nhị nồng nàn. Sau cùng, hai môn đệ đã nhận ra sự Chúa đến với mình, sự Chúa hiện diện giữa chuyến đi của mình, sự Chúa đồng hành và chia sẻ với mình, để mình từ nay vững tin vào Chúa, cho dù chuyến đi của mình còn gặp nhiều gian nan, tăm tối.

Nay, tôi cũng nhận ra Chúa đến với mình một cách tương tự như thế. Nhưng phải nói ngay rằng: Chúa đến qua nhiều người, qua nhiều biến cố, qua nhiều chặng đường lịch sử, bằng nhiều cách khác nhau. Thường rất bất ngờ, như Phúc Âm vẫn nhắc nhở.

Ngài đến như một người gieo giống. Ngài đến như một người gõ cửa. Ngài đến như một người bị nạn. Ngài đến như một người xin nước uống. Ngài đến như một tấm bánh thánh bé nhỏ. Ngài đến như một người bạn. Ngài đến như một ông chủ muốn tính sổ về vốn và lời. Ngài đến như một người Cha vác thánh giá để hiến tế mình vì đàn con.

Nói chung, tôi tin và tôi cảm nghiệm thấy điều này: Chúa chủ động trong cách Ngài đến, trong thời gian Ngài đến, trong nơi Ngài đến. Vì thế, nhận ra được sự hiện diện của Ngài, sự đến của Ngài, là một ơn trọng đại. Ơn đó được ban cho mỗi người, tuỳ lòng thương xót của Chúa. Nhưng mỗi người phải cộng tác vào một cách tích cực bằng sự khiêm nhường cầu nguyện và khiêm nhường tỉnh thức.

 Ý hướng thứ hai là xin ơn được biết lãnh nhận và biết cho đi

Một em nhỏ cũng có khả năng lãnh nhận và khả năng cho đi. Cách nó lãnh nhận và cách nó cho đi nhiều khi làm cho nó trở nên dễ thương, dễ nhớ.

Một người bệnh tật, nghèo túng, ít học, cũng có vô số điều tốt để cho đi, đang khi họ rất cần lãnh nhận những gì họ thiếu thốn.

Ðiều tôi sợ cho mình là mất khả năng lãnh nhận. Do hẹp hòi, do tự đắc, do thiên kiến, do dửng dưng bất cần.

Ðiều tôi sợ cho mình là suy yếu về khả năng cho đi. Có thể vẫn cho đi, nhưng không cho đi đúng sự Chúa muốn, đúng cách Chúa muốn, đúng lúc Chúa muốn.

Ðiều tôi sợ cho mình là không nhận ra thánh ý Chúa, là không lãnh nhận thánh ý Ngài, là không lãnh nhận kế hoạch cứu độ của Ngài.

Lịch sử cho thấy, đã có nhiều người chức cao quyền lớn đưa ra những quyết định này biện pháp kia về cuộc đời, kể cả về tôn giáo, với quả quyết là thánh ý Chúa muốn như vậy. Nhưng sau này mới thấy những quyết định đó không phải đã lãnh nhận từ Chúa. Trường hợp các thượng tế xưa kết án Chúa Giêsu là một ví dụ.

Lịch sử cũng cho thấy, đã có nhiều người mang danh đạo đức đã cho đi những lối sống đạo này nọ, với phô trương là những cách cho đi như vậy sẽ làm chứng cho Chúa. Nhưng sau này đã thấy những phô trương đó đều là phản chứng. Trường hợp các người Pharisêu xưa là một điển hình.

Biết lãnh nhận tiếng gọi của Chúa bất cứ từ đâu tới, biết cho đi những hạt giống Tin Mừng bất cứ ở thời buổi nào. Ðó là một sự khôn ngoan Phúc Âm rất cần cho tôi. Sự khôn ngoan này là chính Thần Linh của Ðức Kitô. Tôi sẽ được chia sẻ sự khôn ngoan, nếu tôi biết khát khao Ngài, biết đón nhận Ngài, biết lắng nghe Ngài, biết để Ngài chiếm ngự toàn thể con người của tôi, trong suốt cuộc đời của tôi.

Tôi cũng đã từng kinh nghiệm:

Cách cho quí hơn nội dung mình cho.

Cách phục vụ quí hơn việc mình phục vụ.

Cách nói quí hơn lời mình nói.

Những phong cách, thái độ phản ánh tấm lòng hiền hoà, khiêm tốn, yêu thương, tế nhị vốn được Chúa dùng để chuyên chở những tín hiệu Tin Mừng.

ù

Khi con người tôi càng tới tuổi già, càng nếm được sự mệt mỏi, càng chạm đến những giới hạn, tôi càng thấy sự đi sâu vào những chân lý cuộc đời là cực kỳ quan trọng.

Tôi cảm nhận mỗi giây phút hiện tại đang trôi nhanh vào quá khứ. Hiện tại trở thành quá khứ một cách mau lẹ và dứt khoát.

Tôi cảm nhận tâm tư người lữ khách về cuối đời là tìm những sự hiện diện mới xung quanh mình. Họ cũng sẽ tìm thấy những cách mới để mình hiện diện với thực tế phức tạp của mình. Hiện diện như một vượt qua, như một phục vụ nhỏ bé, như một hy vọng bước sang một đời sống mới loé sáng từ Nhà Cha. Nhất là như một đời sống cầu nguyện.

Cầu nguyện để nhận ra Chúa đang đến gọi mình. Cầu nguyện để nhận ra những ơn Chúa muốn mình lãnh nhận trong tình hình đau bệnh. Cầu nguyện để biết cho đi tinh thần vâng phục thánh ý Chúa trong mọi trường hợp, nhất là trong những thử thách cam go. Cầu nguyện để mỗi giây phút mình còn sống mang được một giá trị đời đời, có sức cứu độ các linh hồn. Cầu nguyện để biết phó thác những ngày còn lại của mình cho tình thương của Chúa. Một Thiên Chúa là tất cả cho tôi.

Long Xuyên, ngày 11 tháng 11 năm 2002