Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Bay Theo Thánh Linh Chúa

Con người không là loài chim, nhưng vẫn bay đi. Trí khôn bay đi bằng các tư tưởng. Ý chí bay đi bằng những ước muốn. Trí vẽ bay đi bằng các hình ảnh. Tình cảm bay đi bằng các rung động. Mọi người đều thế. Nhưng khác nhau ở chỗ bay về đâu.

Riêng môn đệ Chúa sẽ bay theo Chúa Thánh Linh. Ngài đã tỏ hiện dưới hình chim Bồ Câu. Như nói lên đặc điểm của Ngài là bay.

Sức bay mà Ngài cho họ không phải chỉ là một hệ thống thần học đúng đắn, mà chủ yếu là sức sống phát ra từ chính Ngài. Sức sống ấy chắp cánh cho họ. Ðôi cánh Ngài cho họ là sự khiêm tốn biết mình và lòng đơn sơ phó thác. Với đôi cánh này, họ bay theo Ngài. Bầu trời mà Ngài dẫn họ vào là vũ trụ của những kỳ công thiêng liêng mà chỉ những linh hồn đơn sơ bé mọn mới được Ngài mạc khải cho.

Họ yếu đuối, nhưng bay không mệt mỏi, để loan truyền Thiên Chúa là Tình Yêu. Họ nói về Chúa không phải chỉ bằng các ngôn từ, trích từ các sách, các kinh, mà nhất là bằng sự ứng nghiệm của Lời Chúa trong đời họ, qua các kinh nghiệm sống của họ.

Thiên Chúa của họ là Ðấng họ đã gặp rồi, chứ không phải là Ðấng mà họ đã được học qua các trường lớp.

Họ kể lại cách Chúa đi vào đời họ. Họ tả lại dung mạo của Chúa. Họ là những chứng nhân.

Họ làm chứng về sự cứu độ của Ðức Kitô. Chỉ có Ðức Kitô là Ðấng cứu chuộc loài người. Ngài là trung tâm điểm lòng họ. Chính nhờ đi theo Ngài qua con đường thánh giá mà họ được tái sinh và phục sinh.

Họ làm chứng về sự đổi mới đích thực, đó là sự các tâm hồn được Kitô hoá nhờ Thánh Linh. Họ cho thấy lễ Chúa Thánh Linh hiện xuống là chính hôm nay tại nơi họ đang sống.

Như các tông đồ xưa sau khi được Chúa Thánh Linh đổi mới, đã ra đi, như bay qua mọi biên giới, thì nay họ cũng ra đi. Họ là các tông đồ không biên giới.

Họ làm chứng về sự cầu nguyện. Họ là những người cầu nguyện, luôn luôn dựa vào Lời Chúa và qui hướng về thánh ý Chúa. Chính Thánh Linh cầu nguyện với họ và trong họ. Lời cầu của họ là lời nguyện tiên tri. Họ nói với Chúa và nghe Chúa nói về các công trình tương lai của Chúa. Các công trình ấy là sự Hội Thánh nơi này nơi nọ đang chuyển mình đổi mới, là sự nhân loại đó đây đang bước vào con đường trở về, là sự Nước Trời đang đến với các tâm hồn thiện chí không phân biệt ranh giới.

Họ làm chứng về sự tự do tâm hồn. Tâm hồn họ tự do trong các lựa chọn. Cho dù họ bị đóng đinh chân tay vào thánh giá như Chúa Giêsu, họ vẫn giữ được tâm hồn tự do: Tự do mến Chúa, tự do yêu người, tự do hiến tế mình, tự do vâng phục và phó thác mình cho Chúa.

Các môn đệ Chúa phải là những con chim đầu đàn trong một địa phương. Họ cần nhận thức điều đó. Họ phải bay đi, và phải bay đúng hướng, theo đường bay Chúa Thánh Linh.

Bay theo Chúa Thánh Linh là bay về hướng Nước Trời.

Nước Trời là tình yêu Chúa Ba Ngôi vô cùng bao la và sâu thẳm. Ðể vào đó, người ta phải bước theo Ðức Kitô, cùng với Ngài sống, nói và làm mọi sự theo ý Chúa Cha dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Nước Trời là trung tâm đời sống tâm linh của họ. Họ khát khao Nước Trời. Họ tìm kiếm Nước Trời. Họ đón nhận Nước Trời vào lòng họ. Họ rao giảng về Nước Trời.

Khi việc tìm kiếm Nước Trời khởi đi bằng sự bước theo Ðức Kitô trên con đường vâng phục, để cùng với Ngài, tham gia vào sự sống Thiên Chúa, thì việc tìm kiếm như vậy tất nhiên đòi hỏi rất nhiều phấn đấu. “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Thầy” (Mt 1,24).

Khi Nước Trời cũng được hiểu như là nơi, mà Thánh Linh đào tạo, thanh luyện, hướng dẫn, chữa trị, đổi mới, thì tất nhiên nơi đó cũng đòi hỏi một tinh thần kỷ luật gắt gao, nhất là kỷ luật về thinh lặng cầu nguyện. “Khi cầu nguyện, con hãy vào phòng, đóng cửa lại và cầu nguyện với Cha của con. Ngài hiện diện nơi kín đáo. Cha của con, Ðấng thấu suốt mọi sự những gì kín đáo, sẽ trả công cho con” (Mt 6,6).

Những phấn đấu ấy, những kỷ luật ấy là những cố gắng dứt lìa những gì lôi kéo con người xa đàng tà, để đưa họ quay trở về đàng thiện.

Phải nói đó là những việc rất khó. Phải có ơn Chúa Thánh Thần. Trên thực tế Chúa Thánh Thần luôn ban ơn nâng đỡ cho những ai khiêm tốn thực sự muốn đón nhận Chúa. Ngài sẽ giúp cho sự tự do của họ biết hiểu ý Chúa và những gì Chúa muốn.

Mấy ngày qua, dịp Vu Lan, tôi thấy địa phương tôi như bao phủ một bầu khí Nước Trời. Khắp nơi, từ cá nhân đến gia đình, mọi người mọi nhà đều cầu nguyện, giữ chay, lo làm việc từ thiện, nhớ về những người quá cố. Những đồng bào thân mến của tôi đây là những người không phải là công giáo. Sự kiện này khiến tôi suy nghĩ nhiều về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong lịch sử đất nước và nơi bao người thiện chí ngoài Hội Thánh Công giáo.

Lúc này hơn bao giờ hết, người môn đệ Chúa cần thực hiện sự tỉnh thức, mà Chúa nhắc bảo nhiều lần trong Phúc Âm “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36). Chính bản thân mình dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh, hãy biết làm gương “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” một cách thực sự ưu tiên, chân thành (Mt 6,33).

Nếu không, những hậu quả của sự sa sút đạo đức sẽ xảy đến, như Chúa và Ðức Mẹ đã cảnh báo.

Long Xuyên, ngày 10 tháng 9 năm 2001