Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Ơn Phục Sinh

Khi mừng kỷ niệm Chúa Phục sinh, chúng ta dâng lên Chúa Phục sinh nhiều ước nguyện. Một trong những ước nguyện tha thiết nhất, là ước nguyện được Chúa thương ban ơn phục sinh cho mọi người, đầu tiên là cho chính bản thân ta.

Bản thân ta rất cần được phục sinh. Ðược phục sinh có nghĩa là được tham dự vào sự sống mới. Sự sống mới này là sự sống của chính Chúa Giêsu.

Ðể biết chúng ta có nhận được sự sống của Chúa Giêsu không, nhận được nhiều hay nhận được ít, chúng ta có thể căn cứ vào mấy đặc điểm sau đây. Mấy đặc điểm này đã được Chúa Giêsu rất đề cao trong suốt đời Ngài, nhất là trong cuộc thương khó của Ngài.

Ðặc điểm căn bản nhất là sự vâng phục thánh ý Chúa Cha. Vâng phục tuyệt đối. Vâng phục vô điều kiện. Vâng phục đến cùng.

Ðặc điểm thứ hai là yêu thương. Yêu thương chấp nhận những tính tình khác biệt. Yêu thương phấn đấu phục vụ lợi ích chung. Yêu thương gánh tội thay. Yêu thương đền tội thay. Yêu thương chết thay. Yêu thương tha thứ. Yêu thương đến cùng.

Ðặc điểm thứ ba là khiêm nhường. Khiêm nhường che giấu sự cao sang của mình. Khiêm nhường sống ẩn dật trong thân phận người nghèo khó. Khiêm nhường nhịn nhục khi bị oan ức, nhục nhã. Khiêm nhường im lặng. Khiêm nhường đến tận cùng.

Cứ tìm ba đức tính trên đây trong bản thân chúng ta, chúng ta sẽ thấy sự sống Chúa Giêsu trong chúng ta có thực dồi dào hay không, ơn phục sinh trong chúng ta có thực mạnh mẽ hay không.

Nếu ơn phục sinh của Chúa, sự sống của Chúa còn non yếu mờ nhạt trong ta, thì vấn đề cần phải suy nghĩ sẽ là: Không phải Chúa không sẵn sàng ban ơn cho chúng ta, nhưng chính chúng ta không sẵn sàng đón nhận ơn Chúa. Thậm chí chính chúng ta cũng không tha thiết tìm Chúa. Nhất là chính chúng ta cũng chỉ muốn Chúa làm theo ý ta, chứ không thực sự muốn tuân phục ý Chúa. Ðó là điều đáng ngại, đáng lo, đáng sợ, đáng buồn.

Nhưng chính khi chúng ta nhìn nhận những lỗi lầm thiếu sót của chúng ta trong việc đón nhận ơn phục sinh, thì Chúa phục sinh sẽ lại đến với chúng ta. Ngài đến như Ðấng cứu độ. Ngài đến như người cha thương xót. Ngài đến cho ta niềm hy vọng.

Hy vọng Ngài ban cho ta sẽ là: Thế nào chúng ta cũng sẽ được phục sinh, nhưng phục sinh bằng từng phút, từng giờ, từng ngày với những việc lành bé mọn. Phút nào, giờ nào, ngày nào cũng hãy ráng làm việc lành, dù là những việc lành bé mọn.

Ðó là hằng ngày tập sống với những tư tưởng khiêm nhường,yêu thương, vâng phục ý Chúa. Ðó là hằng ngày tập nói những lời khiêm nhường, yêu thương và tuân phục ý Chúa. Ðó là hằng ngày tập làm những việc khiêm nhường, yêu thương, vâng phục ý Chúa. Ðó là hằng ngày tập tham gia vào những dấn thân phục vụ con người, đất nước và Hội Thánh. Tham gia với thái độ từ bỏ mình với thái độ yêu thương, với thái độ vâng phục thánh ý Chúa.

Tôi nhấn mạnh đến từ tập. Tập tành, tập luyện, tập huấn. Trong hành trình đi tới phục sinh, chúng ta cần phải phấn đấu với chính mình, cần phải tự đào tạo chính mình. Làm thế là chúng ta góp phần mình vào ơn phục sinh của Chúa. Và là để ơn phục sinh được chúng ta đón nhận với tinh thần trách nhiệm và biết ơn. Và là để dọn đường cho chúng ta được bước vào cõi phục sinh đời đời sau khi chết.

Chúng ta không sống mãi được đâu. Sớm muộn ai rồi cũng phải chết. Nhưng chúng ta hy vọng: Chết rồi sẽ được Chúa dẫn vào cõi phục sinh vĩnh cửu. Hy vọng đó là chính đáng, là cần thiết, là rất quan trọng. Nhưng để hy vọng đó biến thành hiện thực, thì chúng ta phải biết đón nhận ơn phục sinh, từng ngày, từng giờ, từng phút. Ðón nhận với trách nhiệm cộng tác tối đa vào ơn phục sinh.

Với chia sẻ vắn tắt trên đây, tôi xin thân ái cầu chúc anh chị em một lễ Phục sinh tốt đẹp nhất.

Bài giảng thánh lễ đêm Phục Sinh tại nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên,
ngày 30 tháng 3 năm 2002