Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Tương Lai Các Cộng Ðoàn Công Giáo

Tôi hay suy nghĩ về tương lai các cộng đoàn công giáo tại quê hương Việt Nam. Thao thức này là một trách nhiệm.

Trong quá trình suy nghĩ, tôi không dám quả quyết tất cả mọi cộng đoàn sẽ phát triển. Thậm chí tôi cũng không dám nói: Mọi cộng đoàn sẽ mãi mãi tồn tại.

Tất nhiên Chúa Giêsu đã hứa: Hội Thánh sẽ chắc chắn bền vững (Mt 16,18). Nhưng tôi hiểu lời hứa đó dành cho Hội Thánh phổ quát, Hội Thánh toàn cầu. Chứ cảnh suy tàn sụp đổ đã thực sự xảy ra đó đây cho Hội Thánh địa phương kia, cộng đoàn nọ. Ðã có những giáo phận, họ đạo, xóm đạo, nhóm đạo, gia đình đạo biến mất.

Sự kiện buồn thảm như thế đã xảy ra. Không những ở những nơi những thời cấm cách, mà cũng xảy ra ở những nơi những thời có tự do về đủ mặt.

Cũng may là khi đó, lại thấy mọc lên đó đây những cộng đoàn nhỏ bé, nhưng đầy sức sống.

Nhìn người, rồi lại nghĩ đến ta. Những biến chuyển như thế có thể cũng sẽ xảy ra tại Việt Nam hay không? Biết đâu đã bắt đầu rồi?

Suy nghĩ của tôi trên đây một phần dựa trên cái nhìn của Ðức Hồng Y Ratzinger, Bộ trưởng Bộ Ðức tin.

Trong cuốn “Ðây là Thiên Chúa chúng tôi” mới xuất bản trong tháng 9 năm vừa qua, Ðức Hồng Y nói lại cái nhìn của ngài về tương lai Hội Thánh. Ðại khái ngài nói: Cách đây ít năm, ngài tiên báo là Hội Thánh sẽ nhỏ bé lại. Hồi đó, từ khắp nơi, người ta đã trách ngài là bi quan. Nhưng nay đã rõ. Ðây không phải là một bi quan, mà là một thực tế không chối cãi được. Tại nhiều nước công giáo lâu đời phồn thịnh, số người nay bỏ lễ Chúa nhật đang tăng, số chịu phép rửa tội cũng đã giảm xuống ghê gớm. Chúng ta phải chấp nhận những mất mát. Hội Thánh trở thành bé nhỏ, nhưng với những thiểu số tươi xinh.

Tình hình trên đây đã được Ðức Hồng Y tiên đoán trong cuốn “Muối của đất” xuất bản cách đây vài năm. Nay tình hình còn đang diễn tiến phức tạp. Có nơi theo chiều hướng vui mừng và hy vọng. Có nơi theo chiều hướng hy vọng và lo âu.

Cho dù biến chuyển này là do những nhân tố trần thế, thì suy nghĩ của chúng ta về nó cũng không nên hời hợt. Phương chi nếu biến chuyển lại do thánh ý Chúa, thì suy nghĩ của chúng ta cần đi sâu. Tôi nghĩ nguyên nhân sau cùng vẫn là thánh ý Chúa.

Xin chỉ nêu lên ở đây vài đoạn Kinh Thánh có tính cách gợi ý:

Trong sách tiên tri Giêrêmia, Chúa phán:

"Hỡi nhà Ít-ra-en, đối với các ngươi, Ta lại không thể làm được như người thợ gốm hay sao?... Ðất sét ở trong tay người thợ gốm thế nào, các ngươi ở trong tay Ta cũng như vậy.

“Có khi Ta bày tỏ ý định sẽ nhổ, sẽ lật, sẽ diệt một dân tộc hay một vương quốc, nhưng nếu dân tộc ấy vương quốc ấy trở lại, bỏ sự dữ đã khiến Ta quyết định trừng phạt nó, thì Ta sẽ hối tiếc về tai hoạ Ta định giáng cho nó.

“Có khi Ta bày tỏ ý định sẽ xây, sẽ trồng một dân tộc hay một vương quốc, nhưng nếu dân tộc ấy vương quốc ấy làm điều dữ trái mắt Ta, không chịu nghe theo tiếng Ta, Ta sẽ hối tiếc về phúc lành Ta định ban cho nó.

“Và bây giờ, ngươi hãy nói với người Giu-đa và Giê-ru-sa-lem rằng: Ðức Chúa phán như sau: Này chính Ta đang tạo ra tai hoạ nhằm trừng phạt các ngươi, đang tính kế chống các ngươi. Vậy hãy mau trở lại. Hãy bỏ con đường gian ác. Hãy làm cho cách sống của mình nên tốt hơn. Nhưng chúng sẽ nói: "Vô ích! Chúng tôi sẽ theo ý định của chúng tôi. Và mỗi người cứ cố chấp theo lòng dạ xấu xa của mình." (Gr 18,6-12)

Lời Chúa trên đây cho tôi thấy mấy điều quan trọng:

- Chúng ta, dù là cộng đoàn dù là cá nhân, đều thuộc về Chúa. Còn hay mất, thịnh hay suy, đều trong tay Chúa. Nhưng cũng do sự tự do của chúng ta có cộng tác với ý Chúa hay không.

- Nếu chúng ta dùng sự tự do của mình, để sám hối, thực thi ý Chúa, thì Chúa sẽ làm cho chúng ta nên tốt đẹp, cho dù trước đó chúng ta xấu xa và khốn khổ.

- Nếu chúng ta dùng sự tự do của mình, để không thực thi ý Chúa, mà chỉ theo ý mình, thì chúng ta sẽ bị Chúa ruồng bỏ, cho dù trước đó chúng ta được bình an phát triển.

Ðiều mà Chúa nói qua tiên tri Giêrêmia, cũng đã được chính Chúa Giêsu nói lại nhiều lần nhiều cách. Như có lần Chúa quả quyết với các vị thượng tế và kỳ lão rằng: “Tôi bảo các ông:Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông, để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái” (Mt 21,43).

Vậy, nếu sự tồn tại và phát triển của chúng ta tuỳ thuộc vào sự chúng ta có ra sức sống theo thánh ý Chúa hay không, thì chúng ta có thể tự thấy trách nhiệm của mình. Ðó là

Tỉnh thức lắng nghe ý Chúa trong mọi lãnh vực.

Thao thức tìm tòi và chọn lựa giải pháp đáp lại thánh ý Chúa.

Gắng sức thực thi giải pháp đã chọn.

Như vậy, chắc chắn Chúa muốn cộng đoàn chúng ta đổi mới. Tôi xin gợi ý về sự đổi mới này:

1/ Sâu về nội tâm. Chúng ta luôn trở về nguồn Thiên Chúa tình yêu qua con đường Chúa Giêsu, để đón nhận ơn biến đổi của Chúa Thánh Thần. Luôn tỉnh thức và tiết độ, chúng ta phấn đấu với chính mình, để thói quen “yêu Chúa đến quên mình” trở thành nếp sống.

2/ Nhẹ về tổ chức. Cộng đoàn chúng ta như quán trọ, thân thương cởi mở, mà Chúa Giêsu nói trong dụ ngôn người Samari tốt lành (Lc 10,29-37). Với lòng cảm thương, chúng ta đón nhận mọi người Chúa Giêsu cứu độ gởi đến. Chúa nhờ chúng ta chăm nom săn sóc họ.

3/ Mở ra rất rộng. Chúng ta mở về phía mọi lãnh vực của con người và xã hội. Với ý thức mình được sai đi, chúng ta ra sức góp phần tốt nhất vào việc phát triển con người và xã hội. Nhờ đó chúng ta làm chứng cho Tin Mừng. Bất cứ ở đâu, chúng ta vẫn là những người xây dựng nền văn minh của tình yêu rộng khắp, bởi vì chúng ta là con cái của Thiên Chúa tình yêu.

ù

Khi phải đi xa, không ai muốn lên một chiếc xe cũ kỹ cứ đậu mãi một chỗ. Cũng vậy, phúc cho những ai được ở trong những cộng đoàn luôn tiến về phía trước. Họ đi với Lời Chúa được đọc, được nghe, được suy gẫm, trong cầu nguyện và dấn thân rao giảng Tin Mừng. Họ mang theo nhiệt tình mới, phương pháp mới, ngôn ngữ mới. Tất cả phát xuất từ lửa tình yêu.

Sau 20 thế kỷ, tại Á châu nói chung và tại Việt Nam nói riêng, đạo công giáo vẫn là một thiểu số rất bé nhỏ. Việc truyền giáo được chứng minh là công việc rất khó, rất phức tạp. Quá khứ truyền giáo còn nhiều vướng mắc nặng nề. Nhưng nay, nếu cộng đoàn chúng ta khiêm nhường đổi mới, giàu sự thực và giàu tình thương, tuyệt đối dựa vào ơn Chúa, thì tương lai chúng ta sẽ thực sự có hy vọng và sẽ đem hy vọng đến cho đông đảo đồng bào chúng ta.

Long Xuyên, ngày 4 tháng 3 năm 2002