Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Chúa Giêsu Mở Lòng Trí Các Môn Ðệ

Khi Chúa Giêsu sắp về trời, các tông đồ xem ra vẫn còn non yếu trong lãnh vực hiểu biết mầu nhiệm con đường cứu độ. Chắc là các ngài cũng có hiểu phần nào. Nhưng hiểu chưa sâu, chưa thấu triệt. Vì thế thánh sử Luca, trong phần cuối Phúc Âm, đã thuật lại sự việc cuối cùng của Chúa Giêsu như sau:

Bấy giờ Người mở lòng trí cho các môn đệ hiểu Kinh Thánh, và bảo có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Lc 24, 45-46).

 Cần được mở lòng trí ra

Sự việc Chúa Giêsu làm trên đây cho thấy: Ðể hiểu con đường cứu độ của Chúa, và để chấp nhận đi theo con đường đó, chúng ta không những cần phải đọc Lời Chúa, học hỏi suy gẫm Lời Chúa, mà còn phải được Chúa mở lòng trí chúng ta ra.

Ðược Chúa mở lòng trí ra, đó là điều tôi cho là rất cần thiết, khi chúng ta muốn tìm hiểu Lời Chúa, đặc biệt là muốn tìm hiểu con đường cứu độ của Chúa.

Ðiều khó hiểu nhất và khó chấp nhận nhất, đó là: Ðể cứu độ nhân loại, Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, và chúng ta đi theo Ngài, cũng phải chia sẻ khổ hình của Ngài, kế hoạch cứu độ của Ngài.

Ðể cứu độ nhân loại, Ðức Kitô phải chịu khổ hình, đây là một mầu nhiệm lớn lao sâu thẳm. Nhưng, trước khi được Chúa mở lòng trí để đưa ta vào mầu nhiệm đó, chúng ta thử mon men đi tới với những cái nhìn khiêm tốn. Tôi cố nhìn xem đầu mối của sự Ðức Kitô phải chịu khổ hình. Tôi thấy đầu mối chính là tình yêu của Ngài.

 Tình yêu bị khổ hình

Ngài là tình yêu, cam chịu mọi đớn đau gây nên do những người chối từ tình yêu của Ngài. Tôi như nghe Ngài nói: “Cha vẫn thương yêu mọi người, Cha không ngừng yêu thương mọi người. Nếu có người bị hư đi, thì chính vì họ đã đóng đinh tình yêu Cha vào thập giá và cố chấp chối từ tình yêu Cha”.

Ngài là tình yêu, dù chịu đóng đinh, vẫn một mực tuân phục Chúa Cha, và vẫn một mực xót thương mọi người. Ngài xin Chúa Cha tha thứ cho những ai xúc phạm đến tình yêu Ngài, nhất là những người, kết án, loại trừ tình yêu của Ngài.

Ðứng trước Chúa chịu đóng đinh, chúng ta thấy Chúa không phải như một Ðấng ban bố lề luật, cũng không phải như một Ðấng phán xét, nhưng như một Ðấng là tình yêu ban tặng chính mình để cứu độ ta.

Ngài là tình yêu cứu độ, muốn đi vào cuộc sống ta, để cuộc sống ta được đổi mới. Nên Ngài đành chấp nhận chịu mọi khổ hình thánh giá. Ngài coi thập giá như con đường hy vọng. Mong một lúc nào đó, chúng ta nhìn vào thánh giá, sẽ hiểu được một chút tình yêu của Ngài.

Riêng tôi, tôi luôn nhìn Ngài là tình yêu cứu độ vô cùng tha thiết. Bởi vì Ngài muốn ở giữa những người hèn mọn. Ngài muốn đồng hành với những người yếu đuối. Ngài đến để tìm những người thất vọng. Ngài muốn chia sẻ thân phận những kẻ khốn cùng. Ngài tự ý để mình chịu đau khổ và bị đóng đinh. Ðể những người đó như tôi khi nhìn vào Ngài, sẽ tìm được tình yêu cứu độ đầy an ủi.

Nhìn lên Chúa là tình yêu chịu đóng đinh trên thánh giá, tôi thấy: Nếu chúng ta mến Ngài, thì trước tiên chúng ta hãy biết bảo vệ Ngài khỏi những vô tâm, ác tâm, dã tâm của con người, của chính chúng ta. Ðừng quên điều này: Khi chúng ta vô tâm, ác tâm, dã tâm đối với bất cứ ai, thì Chúa cũng kể như chúng ta đối xử như vậy đối với chính Ngài.

Cái nhìn chân thành này sẽ cho chúng ta thấy: Những người đóng đinh Chúa tình yêu không ở xa đâu. Rất có thể là chính chúng ta. Ðó là điều chúng ta thường lẩn trốn, không muốn nhìn nhận. Nguyên do chính là sự nguội lạnh tình yêu và tính kiêu căng.

 Những người được Chúa thương mở lòng trí

Ðã có vô số người được Chúa thương mở lòng trí, để họ hiểu mầu nhiệm con đường cứu độ. Họ thuộc loại khiêm nhường.

Họ khiêm nhường tin rằng: Chúa tình yêu có thể rút sự lành ra từ sự dữ.

Họ khiêm nhường tin rằng: Chúa tình yêu có thể vượt qua sự dữ để tiến đến sự tốt lành.

Họ khiêm nhường tin rằng: Chúa tình yêu có thể dùng sự lành để thắng đuổi sự dữ.

Họ khiêm nhường tin rằng: Chúa tình yêu có thể biến đổi kẻ tội lỗi thành người thánh.

Con đường cứu độ đầy gian khổ của Chúa Giêsu đã chứng minh những điều đó. Ðặc biệt là những ngày Chúa chịu khổ hình đớn đau nhục nhã.

Thành công của con đường này hệ tại ở tình yêu trung thành của Chúa Giêsu. Trung thành phó thác tuyệt đối vào Chúa Cha, mặc dù thánh ý Chúa Cha là chén đắng. Trung thành yêu thương con người. Trung thành trong các liên đới với mọi người, cho dù đầy cay đắng.

Tình yêu kết bởi các dây liên đới. Liên đới với Chúa Cha. Liên đới với mọi người. Chúa duy trì mọi liên đới. Nhưng khi ai tự cắt liên đới với Ngài, chối từ và loại trừ liên đới với Ngài, thì tình yêu Ngài kể như bị đóng đinh. Lúc đó, không ai sẽ kết án họ, ngoài chính họ mà thôi.

Tóm lại mến Chúa hết lòng và trên hết mọi sự, cũng như yêu người như Chúa yêu ta, tóm tắt đạo tình yêu chỉ là những liên đới đó. Khiêm tốn đón nhận đạo tình yêu đơn sơ đó là đón nhận Nước Trời. Nhưng nên nhớ rằng: Tình yêu không hy sinh là tình yêu giả, và hy sinh không tình yêu là hy sinh thừa. Ðể hiểu đúng và hiểu rõ, chúng ta rất cần ơn Chúa mở lòng trí chúng ta. Muốn được Chúa mở lòng trí, để hiểu con đường cứu độ, chúng ta hãy thực sự khiêm nhường.

Bởi vì “Chúa chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Giacôbê 4,6). Khiêm nhường như ông bạn trộm lành bị đóng đinh bên hữu Chúa. Khiêm nhường như tông đồ Phêrô khi trót chối Chúa. Cả hai người khiêm nhường này đã được Chúa mở lòng mở trí. Chỉ do một cái nhìn thương xót của Chúa. Cái nhìn đó đã mở lòng trí các ngài. Các ngài đã hiểu được con đường cứu độ. Con đường đó là con đường tình yêu.

Lạy Chúa Giêsu, xin đoái nhìn con. Can khát khao cái nhìn xót thương của Chúa. Ðể cái nhìn của Chúa mở lòng trí con, cho con nhận ra con đường cứu độ nhiệm mầu của Chúa.

Long Xuyên, ngày 11 tháng 5 năm 2001