Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Nhân Lễ Ðức Mẹ Maria Lên Trời,
Suy Gẫm Về Sự Khiêm Nhường Của Ðức Mẹ

Ðức Mẹ Maria là một phụ nữ rất đẹp. Ðẹp vì được đầy ơn Chúa. Ðẹp vì ơn vô nhiễm nguyên tội. Ðẹp về chức làm mẹ Ðấng Cứu thế. Ðẹp vì niềm tin đơn sơ và tuyệt đối. Ðẹp vì cuộc đời phục vụ tận tình với tất cả lương tâm người mẹ. Nhưng nét đẹp trùm phủ mọi nét đẹp nơi Ðức Mẹ chính là đức khiêm nhường.

Khiêm nhường là hương thơm thấm sâu và thấm đều vào mọi vẻ đẹp hồn xác nơi Ðức Mẹ, tạo nên sức hấp dẫn phi thường.

Khiêm nhường là thứ thuốc linh thiêng bảo vệ hữu hiệu mọi vẻ đẹp thể xác, tâm linh và siêu nhiên nơi Ðức Mẹ, tạo nên một thánh lễ sống động, và sinh động đẹp lòng Thiên Chúa.

Khiêm nhường là thứ ánh sáng dịu mát toả ra từ mọi lời nói, từ mỗi bước đi, từ mỗi thái độ của Ðức Mẹ, soi sáng dẫn đưa tâm hồn con người một cách nhẹ nhàng tế nhị.

Khiêm nhường là bài ca Tin Mừng của Ðức Mẹ, vừa dịu êm, vừa sâu sắc, gieo trồng tin yêu vào con người, tới tận những tầng lớp rất sâu của tâm linh.

Gặp gỡ Ðức Mẹ và dựa vào kinh nghiệm tu đức, chúng ta có thể nói chung chung như thế về vẻ đẹp khiêm nhường nơi Ðức Mẹ. Bây giờ chúng ta thử đi vào một vài phương diện đạo đức nơi Ðức Mẹ, để lắng nghe Ðức Mẹ dạy dỗ về nhân đức nền tảng này.

 1/ Khiêm nhường đón nhận ơn Chúa và chính Chúa

Ðiều quan trọng nhất về đạo đức là biết đón nhận các ơn Chúa. Biết đón nhận đòi hỏi một thái độ khó nghèo, mềm mại, khao khát và tỉnh thức.

Khó nghèo là như đứa nhỏ biết mình thiếu thốn, yếu hèn, rất cần được nâng đỡ về mọi mặt.

Mềm mại là như mảnh đất đã cày bừa, để hạt giống gieo vào dễ nảy nở và ăn rễ.

Khao khát là như người đau bệnh mong gặp được thầy thuốc giỏi, thứ thuốc tốt, cứu mình khỏi bệnh, giúp mình bình phục.

Tỉnh thức là như trái tim yêu thương biết đọc được những tín hiệu, những dấu chỉ của người mình thương.

Với những thái độ khiêm tốn tương tự như trên, Ðức Mẹ đã đón nhận các ơn Chúa. Càng đón nhận, Ðức Mẹ càng xác tín rằng: Tất cả đều do Chúa ban cho nhưng không, nhờ lòng thương xót Chúa. Chứ bản thân mình không chút gì xứng đáng, không có công phúc gì để mà tự cao.

Ðức Mẹ rất hiểu những chân lý đạo đức này trong Phúc Âm: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con” (Ga 15,16).

Có sự gì con có mà đã không lãnh nhận. Nếu con đã lãnh nhận tất cả, thì tại sao con có thể kiêu căng, như thể con đã không lãnh nhận?” (1Cor 4,7).

Tấm lòng khiêm tốn là bàn thờ Ðức Mẹ dâng mình làm lễ tế, với những tâm tình cung kính tạ ơn: “Linh hồn con ngợi khen Thiên Chúa, thần trí con hớn hở vui mừng. Vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ con, đã đoái thương nhìn đến phận hèn người nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,46-48).

Có những ơn Ðức Mẹ nhận được và Ðức Mẹ đã hiểu. Nhưng có những ơn Ðức Mẹ nhận được mà Ðức Mẹ không hiểu (Lc 2,50). Ðức Mẹ chỉ ghi nhớ và suy niệm trong lòng (Lc 2,51) với đức tin khiêm nhường phó thác.

Ấy là nói về các ơn Chúa mà Ðức Mẹ đã đón nhận. Còn khi đón nhận chính Chúa, thì Ðức Mẹ cũng đã gặp những điều quá bất ngờ, không thể nào hiểu nổi. Một Chúa uy quyền cao sang, mà lại sống trong thân phận kẻ nghèo, giữa đám dân nghèo, bị phản đối, bị bắt bớ, bị kết án và bị giết. Ðón nhận Chúa là đồng thời cũng đón nhận con đường Chúa chọn. Ðó là con đường hẹp, con đường đi qua khổ nạn và thập giá để tới vinh quang phục sinh và cứu độ. “Ai muốn là môn đệ của Thầy hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày, mà đi theo Thầy” (Lc 9,23). Chỉ với đức tin khiêm nhường, mới đón nhận được Chúa cứu thế và con đường Ngài chọn.

Ðiều khó nhất đối với chúng ta không phải là đón nhận Chúa, mà là đón nhận con đường Ngài chọn và Ngài dạy ta cũng phải đi theo Ngài trên con đường đó. Về lý thuyết, chúng ta thấy dễ chấp nhận. Nhưng trên thực tế, chúng ta hẳn sẽ thấy không dễ chút nào. Nếu không có ơn Chúa thương giúp cách riêng, trong nhiều trường hợp, chúng ta sẽ tự lừa dối mình bằng lý do nọ lý do kia để tìm cách trốn tránh thánh giá. Cũng như, nếu không có ơn Chúa thương cách riêng, trong nhiều trường hợp, chúng ta cũng sẽ tự lừa dối mình bằng nhiều lý do này nọ, để biện minh cho con đường dễ dãi đi tìm vinh quang độc hại, uy tín phù du, chứ không qua con đường Chúa đã đi và dạy ta đi theo, để góp phần vào việc cứu độ mình và những người, những nơi, mà Chúa sai chúng ta phục vụ.

Hãy xem gương Ðức Mẹ, hãy lắng nghe Ðức Mẹ dạy dỗ ta về sự đón nhận các ơn Chúa và đón nhận chính Chúa. Ðiều kiện căn bản để đón nhận là khiêm nhường, rất khiêm nhường, hết sức khiêm nhường.

 2/ Khiêm nhường để Chúa Thánh Thần hướng dẫn trên đường phục vụ

Hạ mình xuống, nếu chỉ là việc làm, lúc có lúc không, thì không phải là việc đã làm cho Ðức Mẹ nên người khiêm nhường. Người khiêm nhường là người khiêm nhường thường xuyên, trong mọi lúc, ở mọi nơi. Khiêm nhường như một tình trạng luôn luôn hằng ngày. Ðức Mẹ được như vậy là nhờ Chúa Thánh Thần. “Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà” (Lc 1,35). Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Ðức Mẹ và ở lại với Ðức Mẹ thường xuyên. Người hướng dẫn Ðức Mẹ luôn sống lời “xin vâng”. Trong mọi hành vi lớn nhỏ, từ tư tưởng, đến việc làm và lời nói, Ðức Mẹ luôn thực thi thánh ý Chúa. Chính ở điểm đó, mà Ðức Mẹ gắn bó với Chúa, có thực chất người mẹ Ðấng cứu thế mà Chúa muốn. Như lời Chúa Giêsu quả quyết: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em Thầy, là mẹ Thầy” (Mt 12,50).

Một bổn phận quan trọng trong sứ mạng của Ðức Mẹ là bổn phận phục vụ. Ðức Mẹ đã thực hiện bổn phận phục vụ đúng thánh ý Chúa. Phục vụ đúng thánh ý Chúa là phục vụ với sự thông minh tế nhị. Bằng những việc làm đáp ứng đúng nhu cầu, vào đúng lúc, với đúng cách. Chẳng hạn việc Ðức Mẹ đi thăm bà thánh Isave, và việc Ðức Mẹ xin Chúa Giêsu làm phép lạ trong tiệc cưới Cana. Ðó là phục vụ đúng nhu cầu, đúng lúc, đúng cách, hợp ý Chúa. Rồi chẳng hạn sự Ðức Mẹ sống thầm lặng trong suốt cuộc đời, để đồng hành với Chúa Giêsu, và giúp đỡ các tông đồ. Ðó cũng chính là phục vụ đúng nhu cầu, đúng lúc, đúng cách, hợp ý Chúa.

Ði theo Ðức Mẹ, những ai thường xuyên khiêm nhường dưới sự dẫn đưa của Chúa Thánh Linh, sẽ cảm nghiệm được sự thực thi ý Chúa là một lương thực cần thiết cho tu đức, mục vụ và truyền giáo.

Chúa Thánh Thần sẽ đổi mới con người của ta một cách sâu sắc, âm thầm theo kế hoạch cứu độ của Ngài. Ðể tâm hồn ta trở thành suối nguồn cầu nguyện, ca tụng, tạ ơn Chúa trong bình an và tin tưởng. Cho dù giữa khổ đau chồng chất và gian nan tới tấp. Trường hợp như thế, ta có thể nói như thánh Phaolô xưa: “Chúng tôi mang kho tàng này trong những chiếc bình bằng đất, để tỏ rõ sức mạnh đến từ Thiên Chúa, chứ không từ chúng tôi” ( 2 Cor 4,7). Ðó là một nhận thức đúng sự thực. Và nhận thức đúng sự thực như thế về mình và về Chúa chính là khiêm nhường.

Sự khiêm nhường như thế rất cần trong việc phấn đấu vượt qua những thử thách.

 3/ Khiêm nhường cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Chúa nặng nhiều thử thách

Ðức Mẹ đã được danh dự cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa. Chương trình này không đơn giản dễ dàng.

Tại sao không cứu độ chỉ bằng yêu mến, mà còn phải bằng khổ đau?

Tại sao không cứu độ chỉ bằng những việc từ thiện bác ái, nâng cao đời sống và nhân phẩm con người lên, mà còn phải bằng con đường khổ nhục dẫn tới thập giá?

Tại sao không cứu độ chỉ bằng việc rao giảng Lời Chúa, ban phát các bí tích, mà còn phải bằng cách chấp nhận thân phận hạt lúa: Phải chôn vùi vào đất, phải chịu thối đi?

Tại sao không cứu độ chỉ bằng những phép lạ, uy tín chính trị, kinh tế, xã hội, trí thức, tôn giáo, mà còn phải bằng sự từ bỏ mình, vác thập giá mình và bước theo Chúa Giêsu đi qua cửa hẹp?

Ðức Mẹ đã không ảo tưởng với những câu hỏi như thế. Bởi vì Ðức Mẹ đã được báo trước: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà” (Lc 2,35). Lời tiên tri đó đã ứng nghiệm nơi Ðức Mẹ bằng nhiều cách, trong nhiều giai đoạn. Ðó là những thử thách, lúc công khai, lúc kín đáo âm thầm. Trong mọi trường hợp chịu lưỡi gươm đâm như thế, Ðức Mẹ đã rất khiêm nhường. Khiêm nhường là thinh lặng. Khiêm nhường là tin cậy ơn Chúa trong thức tỉnh và cầu nguyện. Khiêm nhường là tha thứ cho những kẻ làm khổ và xúc phạm con mình. Khiêm nhường là kiên trì kính trọng những bước đi tuần tự của kế hoạch cứu độ. Thời gian đó là một hành trình dài. Nếu Ðức Mẹ đã khiêm tốn đi vào con đường thử thách đớn đau, thì các con cái Mẹ cũng phải đi theo Mẹ mình. Chúng ta phải cộng tác vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu.

Cũng nên nhớ điều này. Chính những thất bại của ta, những yếu đuối của ta, ngay cả những vấp ngã của ta, tất cả đều nằm trong số những thử thách. Rất nhiều khi, Chúa dùng chúng để cứu ta ra khỏi tín kiêu căng và thói quen coi thường ơn thánh.

Như vậy, điều quan trọng trong khi chịu thử thách, không hẳn chỉ là chịu đựng được những thử thách một cách can đảm, mà là chịu đựng với tâm hồn khiêm tốn. Thiếu khiêm tốn, thì sự chịu đựng những thử thách sẽ chẳng có giá gì. Việc chia sẻ sự đau khổ của Chúa cứu thế, và việc chia sẻ sự đớn đau của Hội Thánh, và của nhân loại đòi rất nhiều khiêm tốn.

Thánh Bênađô nói: “Chúa chọn người tội lỗi ăn năn hơn người trinh nữ kiêu ngạo”. Theo hướng đó, chúng ta cũng có thể nói: Chúng ta bằng lòng với những thất bại đưa ta tới khiêm nhường hơn là với những thành công làm ta kiêu căng, tự phụ tự đắc.

ù

Hiện nay, Ðức Mẹ đã được lên trời. Tại đây, Ðức Mẹ đã thấy ứng nghiệm những lời Chúa phán xưa: “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Mt 23,12). Và ngược lại, như lời Chúa nói với Capharnaum: “Và mi, hỡi Capharnaum, mi tưởng mi sẽ được nâng lên đến tận trời. Nhưng mi sẽ bị hạ xuống tới hoả ngục” (Lc 20,21).

Khi còn sống ở trần gian, Ðức Mẹ đã tin những chân lý đó. Ðức Mẹ đã tin và đã thực hiện những chân lý đó. Những chân lý đó thuộc loại chân lý cứu độ. Ðức Mẹ như cây xanh tươi, vươn thực cao, nhờ ăn rễ sâu vào đức khiêm nhường.

Chúng ta hãy đến với Ðức Mẹ, xin Ðức Mẹ cầu bầu cho chúng ta. Xin Ðức Mẹ giúp đỡ chúng ta trong ơn gọi sống khiêm nhường. Ðể chúng ta được dần dần trở thành tạo vật mới, nên giống hình ảnh Chúa Giêsu, “Ðấng hiền lành và khiêm nhường” (Mt 12,29) cũng như nên giống Ðức Mẹ là “nữ tỳ hèn mọn của Chúa” (Lc 1,38).

Long Xuyên, ngày 15 tháng 7 năm 2002