Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Vai Trò Của Ðặc Sủng

Ðức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã thuộc về quá khứ. Nhưng Ngài đang là đề tài cho nhiều suy nghĩ khác nhau.

Riêng tôi, tôi nghĩ Ngài có một số đặc sủng. Qua suy nghĩ như thế về Ngài, tôi suy nghĩ về vai trò của đặc sủng nơi những người Chúa chọn. Thiết tưởng suy nghĩ này sẽ giúp cho chúng ta biết nhìn tình hình Hội Thánh hiện nay, nhất là tại Việt Nam, một cách tỉnh thức hơn.

Ở đây, tôi không dám trình bày ý kiến của tôi như một bài thần học. Chia sẻ của tôi chỉ là một vài suy nghĩ rút ra từ kinh nghiệm, từ Phúc Âm và từ Công đồng.

Tôi tạm gọi đặc sủng là những ân sủng đặc biệt Chúa ban cho những người Chúa chọn.

Có những đặc sủng khác nhau. Những người được đặc sủng cũng khác nhau. Các cách Chúa ban đặc sủng cũng khác nhau. Người này thì được ơn này. Người kia thì được ơn khác. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy: Ngay trong một giáo xứ, một giáo phận, có người được ơn lôi kéo thành công nhiều người trở về đàng lành, có người được ơn hoà giải khéo léo các vụ xích mích khó khăn, có người được ơn thu hút các tâm hồn đến Lời Chúa, có người được ơn gieo rắc Tin Mừng một cách khôn ngoan khắp mọi nơi mình làm việc.

Thánh Phaolô viết: “Tôi ước muốn mọi người được như tôi. Nhưng mỗi người Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác” (1 Cor 7,7).

Mọi đặc sủng đều do Chúa ban. Chúa ban cho ai, thế nào và lúc nào, thì tuỳ thánh ý Ngài. Thánh Phaolô quả quyết: “Chính Thần Linh duy nhất làm ra tất cả những điều đó và phân chia ra cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Ngài” (1 Cor 12,11). Chính vì vấn đề đặc sủng là chuyện Chúa trực tiếp can thiệp, nên chúng ta cần khiêm nhường và sáng suốt. Thấy ai được đặc sủng, thì chúng ta tạ ơn Chúa và mừng cho họ. Thấy mình không có đặc sủng, thì chúng ta vẫn giữ lòng mình bình an. Ðồng thời hãy nhìn lại mình một cách kỹ càng: Hoặc ta đã được trao ban đặc sủng, nhưng nay đã mất, hoặc ta đang có một đặc sủng nào đó, mà ta không nhận ra.

Có một số dấu chỉ để nhận ra những người được đặc sủng. Thiết tưởng nên dựa vào mấy dấu chỉ này:

 1/ Sự thích hợp sống động

Hội Thánh luôn cần đổi mới và phát triển. Mục đích đó sẽ chỉ đạt được qua nhiều trách vụ khác nhau. Các trách vụ khác nhau sẽ được trao cho nhiều người. Mỗi người đảm đang một trách vụ.

Người được trao trách vụ nào phải có sẵn những đức tính tốt và khả năng thích hợp. Thường thường họ cũng sẽ được ơn thánh hộ giúp vốn đi liền với trách vụ.

Tuy nhiên, không thiếu trường hợp, Chúa ban cách riêng ơn đặc biệt cho những người Chúa muốn, để họ trở nên sẵn sàng hơn với trách vụ, thích hợp hơn với trách vụ, thuận lợi hơn với trách vụ. Họ là người được sai đi, thích hợp với nhu cầu đúng lúc đúng nơi. Ơn đặc biệt như thế gọi là đặc sủng.

Nhờ đặc sủng này, họ cảm được hứng thú hơn khi thi hành ý Chúa trong trách vụ, họ dễ có sáng kiến hơn, để trách vụ mỗi ngày mỗi thêm kết quả đẹp ý Chúa, họ thích thú hy sinh hơn vì Chúa khi trách vụ đòi hỏi.

Vì khả năng của họ thích hợp với trách vụ, nên nhờ những hoạt động của họ, nhiều người được hiểu biết về Chúa, nhiều người được khích lệ đi vào con đường nhân đức, nhiều người được an ủi và được mạnh mẽ khi gặp gian nan thử thách, nhiều người được bình an trong đức tin vững vàng. Ðặc biệt là, trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, họ vâng lời Chúa, dám ra khơi thả lưới, và kết quả thu được là rất đáng ngạc nhiên. Ðược như thế là nhờ đặc sủng.

Tới đây, tôi nghĩ đến vài hiện tượng tố cáo rõ ràng sự thiếu vắng đặc sủng nơi nhiều người mang trách vụ. Thí dụ: sự thiếu quân bình tâm lý, thiếu kỷ luật trong lối sống, thiếu tôn trọng sự thực và thiếu phán đoán lành mạnh.

 2/ Sự mưu tìm ích chung rõ rệt

Thánh Phaolô dạy: “Thần Linh tỏ mình ra nơi mỗi người mỗi cách, là vì ích chung” (1 Cor 12,7).

Ích chung có thể hiểu là sự đổi mới và phát triển Hội Thánh, để “danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Một người có tâm hồn quy hướng về ích chung hay không, nhiều hay ít, thường tuỳ thuộc vào sự họ có được sai đi bởi Chúa Thánh Thần hay không, họ có thường xuyên cầu nguyện và có tâm hồn được Chúa ngự trị hay không.

Một việc làm có thể cho là chắc chắn hướng về ích chung, đó là việc truyền giáo. Ði tìm chiên lạc một cách nhiệt thành, yêu thương dẫn nó về đàn một cách hân hoan, như Phúc Âm tả (Lc 15,4-6). Vội vã chạy ra đón con hoang đàng trở về, và mặc cho nó áo đẹp nhất, như Phúc Âm nói (Lc 15,20-23). Làm những việc như thế, chính là lo cho ích chung một cách vô vị lợi dưới sự thúc đẩy của đức ái.

 3/ Sự thao thức đức ái chân thật

Ðặc sủng nào cũng phải hoạt động trên bác ái. Ðây là nền tảng cần thiết. Về điểm này, thánh Phaolô đã viết dứt khoát và rõ ràng. Trong thư thứ nhất gởi giáo đoàn Côrintô, Ngài viết: “Giá như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức ái, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la kêu ồn ào. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và biết được mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao sâu, hay có được đức tin mạnh đến chuyển núi dời non, mà không có đức ái, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức ái thì cũng chẳng ích gì cho tôi.

Ðức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu,
không ghen tương, không khoe khoang, không tự đắc,
không làm điều bất chính, không tìm tư lợi,
không nóng giận, không nuôi hận thù,
không mừng khi thấy sự gian ác,
nhưng vui khi thấy điều chân thật
” (1 Cor 13,1-6).

Những lời trên đây của thánh tông đồ cho chúng ta thấy đặc sủng, mà Chúa ban, luôn phải được vun trồng trên nền tảng đức ái. Mà phải là đức ái chân thật, mạnh mẽ, sâu rộng như thánh Phaolô diễn tả. Chứ không phải chỉ là một thứ đức ái nông cạn, khép kín và hình thức bề ngoài.

Qua vài suy nghĩ vừa chia sẻ, tôi hiểu đặc sủng một cách hoàn chỉnh hơn. Có thể diễn tả thế này: Ðặc sủng là ân sủng đặc biệt, Chúa ban riêng cho những người Chúa chọn, để họ trở thành thích hợp và thuận lợi cho trách vụ được trao, hầu góp phần một cách hữu hiệu vào ích chung. Ích chung đó là đổi mới và phát triển Hội Thánh trên nền tảng bác ái.

Những người được đặc sủng hiện diện nhiều cách trên thế gian này. Họ thuộc mọi thành phần Hội Thánh. Mỗi người sống đặc sủng một cách khác nhau, nhưng vẫn khiêm nhường và trung tín. Họ sẽ luôn là một bài ca mới, ngợi khen Thiên Chúa, trong bản hoà ca bất tuyệt của các tạo vật tìm về với Chúa, đến muôn thuở muôn đời.

Long Xuyên, ngày 20 tháng 9 năm 2002