Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Gặp Gỡ Chúa Giêsu

Trong tuần thánh, nhất là ngày lễ Phục sinh, các người công giáo đến nhà thờ rất đông. Ðến, để tham dự các nghi thức thánh, để nghe Lời Chúa, để hồi tâm, để hoà giải, để cầu nguyện, để đón nhận ơn phục sinh.

Ðây là thói quen tốt. Thói quen tốt này nên được nâng lên cao hơn. Một cách để nâng cao lên là hãy sống tuần thánh như một cuộc đi tìm gặp gỡ Chúa Giêsu, Ðấng cứu độ chúng ta.

 Những gì chưa phải là gặp gỡ thực sự

Thời Chúa Giêsu còn tại thế, biết bao người đã gặp gỡ Ngài. Chính mắt họ đã nhìn thấy Ngài. Chính tai họ đã nghe tiếng Ngài. Chính tay họ đã chạm đến Ngài. Chính nhà họ đã đón Ngài vào dùng bữa.

Những gặp gỡ như thế rất là quí giá. Nhưng không thiếu trường hợp vẫn gây nên những hiểu lầm vốn có từ ngàn xưa. Họ nghĩ Chúa Giêsu đến là để cứu độ, và chủ yếu cứu độ là cứu khỏi những khốn khổ về cuộc sống, trong các lĩnh vực sức khoẻ, kinh tế, xã hội, chính trị.

Họ đi tìm Chúa Giêsu do những động lực như thế thôi. Chúa Giêsu, khi biết sự thực đó, đã không ngại nói rõ cho họ hiểu: Ngài đến để đem lại một thứ hạnh phúc khác mà đời này không có, đó là hạnh phúc trường sinh, Ngài phán: “Thật, Thầy bảo thật anh chị em. Anh chị em đi tìm Thầy, không phải vì anh chị em đã thấy dấu lạ, nhưng vì anh chị em đã được ăn bánh no nê. Anh chị em hãy ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư mất, nhưng để có lương thực trường tồn, đem lại hạnh phúc trường sinh, là lương thực Con Người sẽ ban cho anh chị em” (Ga 6,26-27).

Hôm nay nếu thiếu cảnh giác và nhận thức đúng, nhiều người chúng ta vẫn đến nhà thờ một cách máy móc, với một mục đích mơ hồ. Chưa hẳn là để gặp gỡ Chúa Giêsu. Và cho dù để gặp gỡ Ngài, thì chưa hẳn là muốn nhận ra Ngài cho đúng sự thực. Tất nhiên, Chúa Giêsu đã, đang và sẽ làm nhiều phép lạ cứu chữa con người khỏi bệnh nạn, quỉ ám, và tai ương. Nhưng đó mới chỉ là những dấu chỉ về một sự cứu độ khác. Sự cứu độ này sâu hơn, cao hơn, quan trọng hơn.

 Gặp gỡ thực sự

Sự cứu độ mà Chúa Giêsu để ý một cách đặc biệt chính là nhắm vào gốc rễ mọi sự dữ. Ðó là những tội lỗi, những sai lầm, những tính mê nết xấu. Cứu khỏi chúng để đưa người ta vào hạnh phúc thực. Công việc cứu độ khởi đi từ sự gặp gỡ Chúa Giêsu. Một cuộc gặp gỡ thực sự phong phú, khi chúng ta đến với Ngài trong niềm tin ở Ngài, như những lời Ngài đã mặc khải.

Chính Thầy là bánh trường sinh" (Ga 6,34) "Thầy là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống đời đời” (Ga 6,51).

Thầy là ánh sáng thế gian, ai theo Thầy, sẽ không đi trong tăm tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12).

Thầy là cửa. Ai qua Thầy sẽ được cứu” (Ga 10,9).

Thầy là mục tử nhân lành... Thầy hy sinh mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10,14-15).

Chính Thầy là con đường, là sự thực và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha, mà không qua Thầy” (Ga 14,6a).

Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh được nhiều hoa trái. Không có Thầy, các con không làm gì được” (Ga 15,5).

Chính Thầy là sự sống và là sự sống lại. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).

Gặp gỡ Chúa Giêsu là nhận ra dung mạo Ngài. Ngài đang gần gũi ta, đang thương yêu ta, đang hy sinh cho ta, đang đem lại cho ta sự sống dồi dào, đang đưa ta về với Chúa Cha trên trời.

Gặp gỡ Chúa Giêsu là nhận ra tiếng Ngài. Ngài gọi tên ta. Ngài nói lại lời xưa: “Thầy đến không phải để cứu người công chính, nhưng để cứu người tội lỗi” (Mt 9,13).

Gặp gỡ Chúa Giêsu là nhận ra tấm lòng của Ngài. Ngài nhắn nhủ ta: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến với Thầy, Thầy sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Hãy học cùng Thầy, vì Thầy có lòng nhân hậu và khiêm nhường” (Mt 11,28-29).

Nhưng một điều hết sức quan trọng cần nhớ là: Trong gặp gỡ Ðức Kitô, để được nhận ra Ngài, chúng ta phải nhờ ơn thiêng của Chúa. Ơn này chỉ dành cho những ai khiêm nhường, đơn sơ, bé mọn.

Hãy gặp gỡ Ðức Kitô như vậy, để biết đi theo Ngài và gắn bó với Ngài.

 Những cảm nghiệm

Khi gặp gỡ Chúa Giêsu như vậy, chúng ta thường sẽ có một số cảm nghiệm thiêng liêng.

Trước hết là sự bình an. Sự bình an này rất sâu xa, lắng đọng. Như lời thánh Phaolô làm chứng: “Sự bình an của Chúa là sự bình an vượt trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh chị em được kết hợp với Chúa Giêsu” (Pl 4,7).

Hơn nữa, chúng ta cũng cảm nghiệm được phần nào sự khôn ngoan của Chúa “Ðiều mà mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng không hề nghĩ tới, nhưng đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người” (1Cor 2,9). Thánh Phaolô viết thêm: “Sự khôn ngoan này không phải là sự khôn ngoan của thế gian, trái lại chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, để chúng ta được vinh hiển” (1Cor 2,6-7).

Ngoài ra, chúng ta còn cảm nghiệm thấy tiếng Chúa rất nhỏ nhẹ, như hơi thở của sự thinh lặng, như thì thầm của sự tỉnh thức. Theo lời sách Khải Huyền viết: “Này Ta đứng ngoài cửa và gõ, nếu ai mở cửa, Ta sẽ vào, và sẽ ăn tối với họ, Ta ở bên họ và họ ở bên Ta” (Kh 3,20).

Một cảm nghiệm khác rất khó diễn tả. Ðó là khi gặp được Chúa Giêsu rồi, người môn đệ đi theo Ngài không hẳn chỉ cần có đức tin mạnh, lửa mến bừng cháy, tính anh hùng dũng cảm, nhưng còn đòi một thái độ nào đó rất là khiêm tốn, rất là khó nghèo, rất là trẻ thơ. Lúc đó cái nhìn đầy thương xót Chúa sẽ tràn sâu vào toàn thể con người, biến đổi sự tự do con người, để nó biết chọn những gì là thánh ý Chúa. Nhất là từ đó, con người biết ăn năn sám hối, bỏ đường tội lỗi, dấn thân vào con đường phục vụ và cứu độ.

Ðược như vậy chính là tiến về phục sinh để chúng ta trở nên tạo vật mới.

ù

Năm nay, sống tuần thánh đầu thế kỷ XXI, tôi nhìn về Israel nói chung, và Giêrusalem nói riêng. Ở đó, xưa Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Ở đó, Chúa Giêsu đã trối lại điều răn mới là yêu thương nhau. Ở đó, Chúa Giêsu đã đổ máu ra, hy sinh mạng sống để làm chứng cho tình yêu cứu độ. Thế mà hôm nay, tình hình ở đó lại là chia rẽ, là hận thù, là đổ vỡ. Một tình hình như thế khiến chúng ta lo buồn và suy nghĩ.

Tại sao vậy?

Người ta có tự do, để hợp tác với Chúa Giêsu hoặc không hợp tác với Ngài. Hiện nay xem ra nhiều người đang dùng tự do của mình, để chọn lựa sự không hợp tác với Ngài. Nhìn người, rồi lại nghĩ đến chính mình ta.

Xin Chúa Giêsu thương cứu độ chúng ta, nhất là cứu độ sự tự do bệnh hoạn, của chúng ta.

Long Xuyên, ngày 26 tháng 4 năm 2001