Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Suy Nghĩ Về Việc Học

Mỗi lần, khi nghe và thấy cảnh khai trường, tôi thường nghĩ vẩn vơ: Giá mình được đi học thêm, thì hay biết mấy! Nhưng, dù sao, nhất định cũng sẽ tìm cách học thêm, học thêm mãi. Tôi nghĩ: Dù ở tuổi nào, ở địa vị nào, ở trình độ nào, mọi người đều phải coi việc học thêm là hữu ích, nếu không nói là cần thiết. Học siêng, học hoài là một cách tỉnh thức. Chúa phán: “Chúng con hãy tỉnh thức, vì chúng con không biết ngày nào giờ nào” (Mt 25,13).

Một động lực nữa khiến tôi muốn học thêm, là nhận thức mình còn rất thua kém. Không những thua kém khi so sánh mình với những người khác, mà nhất là mình hiện nay thua kém với mức độ mà Chúa muốn về mình. Ðó mới chính là động lực nền tảng. “Các con hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Ðấng trọn lành” (5,48).

Mình thua kém, nên phải phấn đấu học hành và rèn luyện thêm. Mỗi ngày tâm niệm như thế. Nhờ vậy, ngày nào cũng đều cố gắng bước thêm về phía trước, với những ước nguyện âm thầm, như: Ðược đọc thấy rõ hơn ý Chúa trong các thực tại nhân loại xảy ra thường ngày, để có những nhận định đúng đắn. Ðược trưởng thành hơn, nhờ chiều kích sâu sắc của tinh thần trách nhiệm và đức tin phát triển. Ðược trở thành người hơn, do sự gắn bó với Thiên Chúa đi vào chiều sâu nội tâm và cuộc sống. Tuy những ước vọng này vẫn còn là ước vọng, nhưng không ngừng đem lại niềm vui.

Học hành với những ước vọng trên là học để biết khôn ngoan trong trí thức, trong đạo đức, trong cuộc sống, trong cách thi hành bổn phận của mình. Ðể trở nên “người đầy tớ trung thành và khôn ngoan” mà Chúa muốn (Mt 24,45).

Kho tàng trí thức cần có sự khôn ngoan. Ðể sắp xếp thứ tự, giá trị nào cần ở trên, giá trị nào phải đứng dưới. Cái không giá trị thì không nên dùng. Cái có giá trị thì bảo tồn và phát triển.

Tinh thần đạo đức cần có sự khôn ngoan. Ðể phân định thứ đạo đức thực và đạo đức giả. Ðể biết việc lành nào là thích hợp cho hoàn cảnh ầm thầm, mà không thích hợp với hoàn cảnh công khai. Ðể biết chọn lựa điều tốt, chế ngự nết xấu, sáng tạo vẻ đẹp mới trong mục vụ, truyền giáo và sống đạo theo nhu cầu của văn hoá và cuộc sống từng thời từng nơi.

Cuộc sống cần có sự khôn ngoan. Ðể biết làm ăn, ứng xử, giao tế, liên hệ, đầu tư một cách hợp lý và có hiệu quả. Ðể nhạy bén, nắm bắt, phối hợp, dự báo, đề phòng một cách thông minh. Nhất là để tới được phần rỗi đời đời. “Vì được cả thế gian mà phải thiệt mất mạng sống thì người ta nào có lợi gì?” (Mc 8,36).

Thi hành bổn phận rất cần khôn ngoan. Vì nhiều khi chỉ cần một chút tế nhị là thành công, chỉ vì một chút sơ hở là thất bại, chỉ do một chút chậm trễ là cơ may vuột qua mà không bao giờ trở lại.

Như vậy, theo một cái nhìn triết học nào đó, thì đối với người hiểu biết, học nhiều là để nên người khôn, trước khi để nên người biết sản xuất, và người thông thái. Tưởng cũng nên nhớ lời Kinh Thánh: “Thiên Chúa chỉ yêu chuộng những người chung sống với Ðức Khôn ngoan” (Kn 7,28).

Trong viễn tưởng đó, khi dấn thân vào việc học để nên khôn, tôi phải dứt bỏ ba loại ảo tưởng sau đây.

Ảo tưởng về mình. Thứ ảo tưởng về mình thường hay xuất hiện nhất là tưởng về một cái tôi lý tưởng sai lạc. Ðó là cái tôi kiêu căng, tự đắc. Cái tôi muốn tự mình làm chủ đời mình, tài năng của mình, dự tính của mình, như thể không cần đến xã hội, người khác, cả đến ơn Chúa. Cái tôi không nhận mình có những giới hạn, những bất toàn, những vụng về, những khả năng rơi vào thất bại, và những sai lầm.

Cũng là ảo tưởng về mình, khi tưởng rằng mình có quyền đòi hỏi người khác phải chấp nhận quan điểm của mình, ép họ phải đi theo sự lựa chọn, mà mình cho là tuyệt đối đúng.

Cũng là ảo tưởng về mình, khi tưởng mình có quyền cắt nghĩa Lời Chúa theo ý riêng mình, hoặc có quyền tìm lợi riêng trong cái lợi chung của Hội Thánh và của Ðất Nước.

Ảo tưởng về tình hình. Sẽ là ảo tưởng về tình hình, khi tưởng rằng tình hình thế này là của những người đạo đức, còn tình hình thế kia là của những người tội lỗi.

Cũng sẽ là ảo tưởng về tình hình, khi tưởng rằng một tình hình đạo đức sẽ không thể biến chất thành tình hình tội lỗi, và trái ngược lại. Cũng sẽ là ảo tưởng về tình hình, khi tưởng rằng một tình hình hưng thịnh sẽ không có những cơn lũ lụt ngầm đang phá hoại từ những nền tảng sâu sa nơi lòng người. Hoặc tưởng rằng một tình hình đen tối lại không có những bình minh đợi chờ mọc lên trong giây phút bất ngờ.

Ảo tưởng về Thiên Chúa. Sẽ là ảo tưởng về Chúa, khi tưởng rằng Chúa là của riêng mình, của đạo công giáo mình, còn những nơi ngoài Hội Thánh mình thì vắng Chúa. Sẽ là ảo tưởng về Chúa, khi tưởng rằng Chúa sẽ mở cửa thiên đàng chỉ cho những ai xưng mình thuộc về Chúa, làm việc cho Chúa, chứ không có chuyện Chúa đón nhận những người ngoài, cho dù họ có tâm hồn ngay chính, biết thương người, phục vụ con người một cách vị tha.

Sẽ là ảo tưởng về Thiên Chúa, khi tưởng rằng Thiên Chúa phải là một quyền lực mạnh, đầy uy tín không thể tự ý khó nghèo khiêm tốn như tại Bêlem và không thể chịu nhục tự nguyện trên thánh giá như ở núi Sọ.

Tất cả ba thứ ảo tưởng trên đây đều thấy có nơi các tầng lớp cao trong tôn giáo thời Chúa Giêsu. Ngài dạy cho biết những ảo tưởng đó là rất sai. Ðọc kỹ Phúc Âm thì thấy rõ.

Vì thế, hôm nay chúng ta rất cần lên đường đi học để nên người khôn. Khôn không theo hướng khép lại,nhưng theo hướng mở rộng đón nhận các ơn Chúa dưới mọi hình thức. Trường dạy khôn là Lời Chúa và mọi thực tại được soi sáng bởi Lời Chúa. Thầy dạy khôn trên hết chính là Thiên Chúa của ta.

Tôi nghĩ: Bí quyết của một chuyến đi là có người hướng dẫn tốt. Bí quyết chuyến đi của đời ta là có Thần Linh của Ðức Kitô hướng dẫn. Ngài hướng dẫn chuyến đi của đời ta về Nhà Cha. Tới đó, chúng ta sẽ thấy Nhà Cha của chúng ta cũng là Nhà Cha của tất cả những ai “được Chúa đoái thương, vì họ sống hèn mọn khiêm tốn, vì họ sám hối, và vì họ kính sợ các Lời Chúa dạy” (Is 66,2).

Thiết tưởng ta nên nhìn cảnh dễ thương đó như một bài học vỡ lòng, để tập nên người khôn ngoan.

Long Xuyên, ngày 21 tháng 8 năm 2002