Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Nghĩ Về Số Phận Một Dòng Tư Tưởng

Mỗi khi dự lễ an táng các Ðức Cha già quá cố, tôi thường nghĩ tới những công việc, mà các ngài đã làm, để phục vụ đoàn chiên, trong tuổi già nua đang bước dần vào cõi đời đời.

Không những tôi nhìn các Giám Mục ở Việt Nam, mà còn nghĩ về tất cả những vị Giám Mục già yếu được kể trong giáo sử.

Tôi thấy vị nào cũng để lại những gương sáng, về mặt này hay mặt nọ.

Nếu phải nói vị nào đã lôi cuốn tôi nhiều nhất, thì tôi không ngại nói ngay: vị đó là thánh Giám Mục Augustinô, một người trở lại, một nhà trí thức, một vị chủ chăn.

Trong tuổi già, thánh Giám Mục Augustinô vẫn cố gắng phục vụ giáo phận của ngài nói riêng và Hội Thánh nói chung. Nhất là bằng những việc sau đây:

 Chọn người thế vị

Khi thấy mình đã già yếu, thánh Giám Mục nghĩ tới một việc ưu tiên cần phải thực hiện, đó là lo cho giáo phận không bị rơi vào cảnh mồ côi.

Ngày 26 tháng 9 năm 426, ngài triệu tập toàn thể giáo phận về Vương Cung Thánh Ðường. Trước mặt cộng đoàn, ngài tâm sự ưu tư của ngài. Ðại khái ngài nói: “Chúa muốn tôi về ở thành này để phục vụ anh em. Lúc trước, tôi còn trẻ. Nay tôi đã già. Tôi lo rằng: khi tôi chết rồi, nếu giáo phận không có người thế vị, thì sẽ dễ bất ổn. Những tranh chấp và tham vọng có thể sẽ bùng lên. Vì thế, tôi muốn chọn người thế vị tôi. Theo ý Chúa và ý tôi, vị đó là linh mục Eraclius”.

Nghe đề nghị trên, toàn thể cộng đoàn vỗ tay hoan hô vang dậy: “Tạ ơn Chúa. Ca ngợi Ðức Kitô”. Họ lặp đi lặp lại lời hoan hô hơn hai chục lần.

Sau đó, cộng đoàn lại hô vang: “Xin Chúa giữ gìn Ðức Cha Augustinô. Người là Giám Mục của chúng con. Người là cha của chúng con”. Họ cũng lặp đi lặp lại lời cầu xin đó nhiều lần.

Vị linh mục được chọn thế vị Giám Mục Chính Toà Hippon, dù khi chưa được phong chức Giám Mục, cũng đã được thánh Giám Mục trao cho nhiều trọng trách. Thế là xong được một mối ưu tư lớn của vị Giám Mục già.

 Kiện toàn những cộng đoàn cơ bản

Thánh Giám Mục Augustinô hết lòng để ý đến việc đào tạo nhân sự, từ giáo sĩ, tu sĩ, đến giáo dân. Ngài lo chung cho tất cả. Nhưng Ngài biết tương lai sẽ có nhiều khó khăn. Nên rất cần đào tạo cách riêng một số những cộng đoàn nhỏ, để họ sẽ là hạt nhân cho đại chúng. Những cộng đoàn nhỏ này sẽ được tập luyện trong một nếp sống đạo đức chặt chẽ hơn.

Ðiểm quan trọng nhất mà thánh Giám Mục chọn, để rèn luyện họ, là tập trung vào Ðức Kitô và tình yêu thương huynh đệ, theo giới răn mới của Ðức Kitô: “Người ta cứ dấu này, mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con”.

Thánh Giám Mục đã cảm nghiệm sâu sắc tình yêu Chúa dành cho ngài, mặc dầu Ngài bất xứng. Ngài đã trở lại do tình yêu Chúa, chứ không do bất cứ lý luận hay quyền lực nào. Nên ngài chủ trương khí cụ mạnh nhất trong mục vụ và trong truyền giáo chính là tình yêu.

Nhiều câu ngài nói về tình yêu đã trở thành bất hủ. Như: “Ama et fac quod vis”. Hãy yêu thương, rồi hãy làm sự gì bạn muốn.

Chính nhờ tình yêu được đào tạo kỹ càng, các cộng đoàn cơ bản nhỏ bé đó đã trở thành những dòng tu. Họ lo chiêm niệm, học hành, viết lách và phục vụ người nghèo. Nhờ họ, mà sức sống của giáo phận trở thành phong phú hơn, dấn thân hơn.

Ðể lại cho giáo phận những cộng đoàn cơ bản được đào tạo đặc biệt về Ðức Kitô và yêu thương bác ái, đó cũng là một phấn đấu khôn ngoan của vị Giám Mục già.

 Xem lại những gì đã viết

Thánh Giám Mục Augustinô đã viết rất nhiều. Các tác phẩm của ngài gồm các sách, các bài giảng, các thư. Gom tất cả lại sẽ làm thành một thư viện nhỏ.

Lúc về già, thánh Giám Mục cố gắng rà soát lại tất cả những gì ngài đã viết. Lúc đó, chính ngài đã nhận ra những chuyển biến của tư tưởng ngài. Ngài gởi lại hậu thế những lời thú nhận đầy lương thiện. Như: “Tư tưởng của tôi những năm bắt đầu còn non yếu, mãi sau này dần dần mới chín chắn hơn. Xin mọi người chỉ nên bắt chước tôi trong những gì tôi nói đúng”. Nghĩa là ngài nhận mình đã có nhiều giới hạn trong lãnh vực trí thức.

Tri thức của ngài là đi sâu vào Triết học, Thần học, Kinh Thánh và Linh đạo. Bề sâu của lý thuyết cộng với bề rộng của kinh nghiệm thực tế đã làm cho các tác phẩm của ngài trở thành một kho tàng đặc biệt quý giá, để lại cho hậu thế.

 Sống chết với đoàn chiên

Vào những năm cuối đời, thánh Giám Mục chứng kiến làn sóng xâm lăng tràn vào Phi Châu. Quân Vandales mạnh về khí giới, đông về quân số, hung hăng về ý chí. Họ quyết tâm chiếm đất, giành dân. Tới đâu, họ đều thẳng tay phá đạo công giáo. Nhiều người công giáo bỏ nhà chạy trốn. Nhiều vị lãnh đạo các giáo phận, giáo xứ cũng đã bỏ giáo đoàn để thoát thân.

Riêng thánh Giám Mục Augustinô già nua vẫn cương quyết ở lại giữa giáo đoàn của mình, để cùng cầu nguyện với họ, và để cùng hy sinh với họ.

Trong tình hình rất căng thẳng và đầy lo âu đó, tình yêu thương dấn thân của vị cha già đã là một khích lệ lớn cho giáo đoàn.

Thánh Giám Mục Augustinô qua đời ngày 28 tháng 8 năm 430, thọ 76 tuổi, khi nạn xâm lăng và tàn phá công giáo trở thành vũ bão.

Các cơ sở công giáo như: nhà thờ, nhà xứ, Toà Giám Mục bị huỷ hoại. Các người theo đạo công giáo bị bắt bớ, và bắt ép bỏ đạo.

Không lâu sau, một Phi Châu công giáo phồn thịnh bị tan biến dần. Mọi công trình công giáo hoặc bị tịch thu, hoặc bị phá huỷ. Hội Thánh tại Phi Châu hầu như bị mất tích trong nhiều thế kỷ. Nhưng những tác phẩm của vị Giám Mục Augustinô đã được tồn tại nguyên vẹn. Hơn nữa, những công trình tri thức đó lại đã đi vào được các nước, các lục địa. Kết quả là rất bất ngờ.

Tôi nghĩ rằng: “Người ta an táng một vị Giám Mục. Người ta cũng có thể an táng một giáo xứ, một giáo phận, một Giáo Hội địa phương. Nhưng người ta không thể an táng một luồng tư tưởng, khi luồng tư tưởng đó phản ánh Lời Chúa, và tình thương của Chúa”.

Một khi luồng tư tưởng về Chúa được viết ra, thì bài viết đó mang sức sống thiêng liêng được chính Chúa giữ gìn. Nó sẽ âm thầm giới thiệu Tin Mừng cho các người thiện chí. Nó sẽ lặng lẽ đổi mới con người và xã hội. Nó sẽ là hạt giống Tin Mừng được gieo vào nhiều lương tâm.

Số phận của những dòng tư tưởng loan báo Tin Mừng nằm trong trái tim Chúa.

Chính vì thế, mà theo gương thánh Giám Mục Augustinô, tôi cố gắng viết ra những tư tưởng mang Tin Mừng, nhất là trong tuổi già sức yếu này. Biết đâu, nếu chẳng may sẽ có có những bất ngờ xảy đến, gây nên nhiều mất mát cho Hội Thánh Việt Nam, thì hy vọng những công trình tư tưởng loan báo Tin Mừng vẫn có cách tồn tại. Chúng sẽ góp phần dọn đường cho Nước Cha mau đến.

Nhân dịp thánh lễ an táng Ðức Cha Phụ tá Luy Phạm Văn Nẫm
tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 4 tháng 7 năm 2001