Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

NHÂN LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ,
Xin Cứu Chúng Con Cho Khỏi Kẻ Thù

Từ nhỏ, tôi được dạy làm dấu thánh giá. Vừa vẽ hình thánh giá trên trán, trên miệng, trên ngực, vừa đọc lời cầu: “Lạy Chúa chúng con, vì dấu thánh giá, xin chữa chúng con cho khỏi kẻ thù. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Việc lành nhỏ đó vẫn được thực hiện đều đều cho tới hôm nay. Cử chỉ bên ngoài thì vẫn nguyên như cũ. Nhưng ý thức bên trong thì có tiến triển.

Tiến triển ít là ở những điểm sau đây:

1/ Nhận biết mình luôn trong tình trạng phải chiến đấu với một kẻ thù nguy hiểm. Kẻ thù đó là tội lỗi.

2/ Khám phá ra dần dần những bộ mặt của kẻ thù tội lỗi.

3/ Xác tín Chúa Giêsu Kitô chính là Ðấng giải cứu con người khỏi kẻ thù tội lỗi.

Tôi xin phép chia sẻ vắn tắt mấy điều vừa kể.

 1/ Chiến đấu với kẻ thù tội lỗi

Cuộc chiến đấu với tội lỗi là một trách nhiệm cao cả và nặng nề mà những ai có lương tâm lành mạnh đều cảm nhận được. Cuộc chiến đấu này phải khởi đi từ chính nội tâm. Nội tâm mỗi người là một chiến trường giữa thiện và ác. Có thiện tâm và có ác tâm. Có ước muốn điều lành và có thèm khát điều tội lỗi. Tất nhiên, lý tưởng của ta là thiện phải thắng, ác phải thua. Chủ trương của ta là sức ước muốn điều lành phải mạnh và được triển nở, còn sức thèm khát tội lỗi phải yếu và bị đẩy lùi. Thế nhưng, thực tế không luôn xảy ra đúng với lý tưởng và chủ trương đó.

Ðể có một ý thức cụ thể về thực tế ấy, chúng ta đọc lại một đoạn thư của thánh Phaolô gởi cho giáo đoàn Rôma:

Vẫn biết rằng Lề luật là bởi Thần Linh, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thực vậy, tôi làm gì tôi chẳng hiểu. Vì điều tôi muốn thì tôi không làm. Nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm...

“Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thực vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm sự thiện tôi muốn thì tôi không làm. Còn sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không phải chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.

“Bởi đó, tôi khám phá ra luật này: Khi tôi muốn làm điều thiện, thì sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa. Nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác. Luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam cầm tôi trong luật của tội là luật vẫn sẵn sàng trong các chi thể tôi.

“Tôi là một người khốn nạn. Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này. Thưa Thiên Chúa, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7,14,25).

Ðoạn thư trên đây diễn tả cuộc chiến đấu nội tâm. Cuộc chiến đấu này là của thánh Phaolô, và cũng là của tôi, và của mỗi người chúng ta. Thánh tông đồ cảm thấy rõ: Tội lỗi là một kẻ thù rất gần, rất mạnh và rất nguy hiểm. Cuộc chiến đấu với kẻ thù tội lỗi trong nội tâm là cực kỳ cam go. Khi tội lỗi hiện hình với bộ mặt tội lỗi rõ ràng, thì đánh nó cũng đã là việc không dễ. Phương chi, khi tội lỗi lẻn vào lòng ta một cách tinh vi, với nhiều bộ mặt khác nhau, thì cuộc chiến đấu với tội sẽ đòi rất nhiều tỉnh thức, nhất là cần rất nhiều ơn Chúa.

Một người thích gì làm đó, muốn gì được vậy, chắc không thể có kinh nghiệm về cuộc chiến nội tâm giữa thiện và ác. Mà không có kinh nghiệm về cuộc chiến này đâu có thể là một dấu chỉ tốt về đạo đức.

Một trong những dấu chỉ tốt về đạo đức là biết phân định, đâu là lành, đâu là tội lỗi.

 2/ Một vài bộ mặt khó nhận ra của kẻ thù tội lỗi

Ðể gợi ý, xin nêu lên một ví dụ trích từ Phúc Âm.

Phúc Âm thánh Matthêu có đoạn sau đây: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.

“Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỉ, nhân danh Chúa mà làm phép lạ đó sao? Và bấy giờ, Thầy sẽ tuyên bố với họ rằng: Ta không hề biết các ngươi. Hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7,21-24).

Ðọc đoạn Phúc Âm trên đây, có lẽ chúng ta ngạc nhiên, tự hỏi: Những người đó làm toàn việc lành, tại sao lại bị Chúa xua đuổi và bị gọi là bọn làm điều gian ác! Nếu suy nghĩ sâu xa một chút và nếu học thêm một chút về tu đức, chúng ta sẽ thấy: tội lỗi đã lẻn vào các việc lành đó một cách tinh vi. Ðiều đó thì người đời khó thấy, nhưng Chúa thì thấy rõ. Vì Ngài thấu suốt tâm can con người.

Thực vậy, ý muốn của Chúa Cha là người ta không những phải làm các việc lành, mà còn phải làm các việc lành với ý hướng ngay lành. Nói tiên tri, trừ quỉ, làm phép lạ là những việc lành. Một số người được Chúa trao quyền để làm các việc lành đó. Nhờ quyền uỷ nhiệm, họ làm được các việc lành như thế. Nhưng nếu khi làm những việc lành ấy, họ có ý hướng xấu, thì họ mang tội. Thí dụ ý hướng mưu cầu tư lợi cho cá nhân hoặc cho tập thể, như kiếm tiền bạc, gây thanh thế, cạnh tranh quyền lực, thoả mãn tính kiêu căng. Người mang những ý hướng như thế bị Chúa gọi là “bọn làm điều gian ác”. Bởi vì họ lợi dụng ơn Chúa trao ban, hướng vào những mục đích nghịch với ý muốn Chúa Cha.

Hơn nữa, mặc dù không lợi dụng ơn Chúa vào mục đích xấu, nhưng nếu nhận ơn Chúa, mà không sinh lời, cũng có thể bị coi là tội. Về khía cạnh này, chúng ta nên đọc lại sự kiện sau đây cũng được kể trong Phúc Âm thánh Matthêu:

Sáng sớm, khi trở vào thành, Chúa Giêsu cảm thấy đói. Trông thấy cây vả ở bên đường, Người lại gần, nhưng không thấy được trái nào cả, chỉ thấy lá thôi. Nên Người nói: Từ nay, không bao giờ mày sẽ có trái nữa. Lập tức cây vả chết khô” (Mt 21,18-19).

Với sự kiện này, Chúa dạy ta một thực tế cũng thường xảy ra nơi nhiều người, kể cả những người có trách nhiệm rao giảng Tin Mừng, chăm sóc đoàn chiên, mở mang Nước Chúa.

Chúa ban cho ta nhiều ơn và muốn ta dùng ơn Chúa ban để sinh nhiều trái tốt. Qua nhiều năm tháng, Chúa đến tìm trái. Biết đâu Chúa thấy chỉ có lá. Lá thì nhiều, và xanh tốt. Nhưng đó chỉ là những việc bề ngoài. Cơ sở khang trang, lễ nghi trọng thể, qui tụ đông đúc, hội nghị hội đoàn, nhiều bài nói, nhiều dấn thân. Nhưng tất cả chỉ là lá. Trái mới là điều Chúa muốn tìm. Trái là sự ăn năn sám hối, trở về đường nhân đức. Trái là lửa bác ái được đốt lên trong các linh hồn. Trái là những tâm hồn khát khao Lời Chúa, khắc khoải đi tìm Chúa. Trái là tỉnh thức khiêm nhường đón nhận ý Chúa và phấn đấu thực thi ý Chúa đến cùng.

Ðáng lẽ phải sinh trái, mà không có trái, những cây vả là những con người như thế sẽ bị trừng phạt. Hình phạt là rất nặng nề. Phúc Âm kể: Lập tức cây vả đang xum xê lá cánh, liền bị chết khô.

Trên đây chỉ là vài bộ mặt khó nhận ra của kẻ thù tội lỗi. Từ đó chúng ta có thể thấy được tính cách phức tạp và quan trọng của cuộc chiến chống kẻ thù này. Ở chỗ kẻ thù ẩn hiện dưới rất nhiều hình thức, ở chỗ nó kéo con người rời xa thánh ý Chúa, tha hoá chính con người, và ở chỗ nó dẫn con người tới hình phạt, mà hình phạt nặng nhất là mất phúc thiên đàng, phải trầm luân trong lửa hoả ngục đời đời.

Vậy, phải giải quyết vấn đề thế nào?

Thưa câu trả lời đã có sẵn trong Phúc Âm.

 3/ Xác tín Ðức Kitô là Ðấng cứu ta khỏi kẻ thù tội lỗi

Thánh Gioan Tiền Hô đã giới thiệu Chúa Giêsu thế này: “Ðây là Chiên Thiên Chúa, Ðấng xoá tội trần gian” (Ga 1,28).

Ngài đã xoá tội trần gian bằng cách chịu tử nạn. Thánh Phêrô viết:

Anh em biết rằng... Anh em đã được cứu chuộc nhờ máu của Con Chiên vẹn toàn, không tì tích, là Ðức Kitô” (1 Pr 1,18). Ði vào chi tiết của việc cứu chuộc, thánh Phaolô đề cao sự khiêm nhường vâng phục và hy sinh mạng sống của Ðức Kitô. Ngài viết: “Ðức Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến chết, chết trên thập giá” (Pl 2,6-8).

Một Ðức Kitô được mô tả như trên phải được hiểu là một Ðấng Cứu độ giàu tình yêu thương xót. Cũng vậy, thánh giá Ðức Kitô được mô tả như trên cũng phải được hiểu là một biểu tượng của tình yêu cứu độ đầy thương xót. Vì thế, khi đọc lời cầu: “Lạy Chúa chúng con, vì dấu thánh giá, xin cứu chúng con cho khỏi kẻ thù”, chúng ta tin cậy ở Thiên Chúa giàu tình yêu xót thương.

Thiết tưởng, do lòng Chúa xót thương ta, nên giờ nào, ngày nào Chúa cũng ban ơn cứu độ. Thánh Phaolô quả quyết: “Chính bây giờ là thời thuận tiện, chính bây giờ là ngày cứu độ” (2 Cor 6,1-2).

Chúng ta cũng rất mong và hằng cầu xin như vậy. Chúa ban ơn, nhưng chúng ta phải biết đón nhận, phải biết dùng nên, phải biết cộng tác với ơn Chúa ban. Ðể biết tránh dịp tội. Ðể biết chiến thắng cơn cám dỗ xúi ta phạm tội. Ðể biết sám hối, nếu chẳng may sa ngã. Ðể biết đổi mới cách sống tầm thường ra cách sống cao thượng. Ðể biết trở thành người ham mộ nhân đức, chuyên chở ơn cứu độ vào môi trường xã hội ta đang sinh sống.

Tôi có cảm tưởng là: Ngày nay, rất nhiều người đã mất ý thức về tội, đang dần dần rời xa ý nghĩa Phúc Âm của sự cứu độ, đang đặt hy vọng cứu độ vào tiền bạc và các thần tượng hão huyền, đang sống trôi nổi, mất phương hướng giữa mảng đời thiện ác lẫn lộn. Tình hình như thế không báo hiệu một tương lai sáng sủa. Bổn phận chúng ta là giữ mình, đừng để rơi vào những hiểm hoạ tội lỗi, đồng thời cũng có bổn phận cộng tác với Chúa, để đưa mọi người vào con đường cứu độ đích thực.

Với ý thức như vậy, chúng ta thực thi bổn phận, bắt đầu bằng việc nhớ làm dấu thánh giá một cách khiêm nhường và tin cậy. “Lạy Chúa chúng con, vì dấu thánh giá, xin cứu chúng con cho khỏi kẻ thù. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen”.

Long Xuyên, ngày 4 tháng 9 năm 2002