Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Chính Mình Là Của Lễ

Ngày bế mạc Thượng Hội Ðồng các Giám Mục Á Châu được kết thúc bằng bữa ăn trưa, sau thánh lễ trọng thể.

Dịp này, tôi tìm gặp Ðức Hồng Y Ratzinger. Sau vài lời chào thăm, tôi nói với Ngài: “Con đã đọc cuốn Muối của đất, trong đó Ðức Hồng Y đã trả lời rất nhiều câu phỏng vấn về các vấn đề thời sự Hội thánh. Những trả lời của Ðức Hồng Y đã đem lại cho con nhiều ánh sáng và an ủi. Con nhớ là ở phần cuối sách, Ðức Hồng Y đã phát biểu một ý kiến khá táo bạo. Ðại khái thế này: Những cải cách ngày nay chắc chắn sẽ không đến từ các Thượng Hội Ðồng và các hội nghị, cho dù những tổ chức đó có lý do chính đáng. Những cải cách sẽ đến từ những bản lãnh xác tín, mà chúng ta có thể gọi là những vị thánh. Vậy, con xin phép hỏi Ðức Hồng Y: Những lời đó in trong sách có phản ánh đúng quan điểm của Ðức Hồng Y không? Và nếu đúng, thì hôm nay Ðức Hồng Y còn giữ nguyên quan điểm đó không?”.

Ðức Hồng Y Ratzinger mỉm cười trả lời: "Sách đó đã in đúng ý kiến của tôi, và hôm nay tôi vẫn giữ nguyên ý kiến đó”.

Cuộc trao đổi giữa Ðức Hồng Y Ratzinger và tôi, tuy rất vắn tắt, nhưng đã gây một ấn tượng mạnh trong tôi, sau một tháng tham dự Thượng Hội Ðồng.

Ðể cải cách Hội Thánh, xã hội và cộng đồng, chúng ta cần những người thánh.

Ðể góp phần cứu độ nhân loại, đồng bào, chúng ta càng rất cần sự thánh thiện. Bài đọc I thánh lễ Chúa nhật XVII vừa qua chứng minh điều đó. Kinh Thánh cho biết, nếu tìm được mười người thánh, Chúa sẽ tha cho toàn thể dân thành Sođôma và Gomora (St 18,20-32).

Người thánh là người sống mầu nhiệm Ðức Kitô một cách mà Chúa muốn.

Lịch sử cho thấy nhiều vị thánh đã có những lựa chọn sống mầu nhiệm Ðức Kitô bằng nhiều cách khác nhau.

Còn hiện nay, nhất là tại Việt Nam, mô hình thánh đang được trọng kính nhất chính là sống mầu nhiệm Ðức Kitô cứu chuộc nhân loại bằng tình yêu giàu lòng thương xót đến quên mình, hy sinh phục vụ.

Chúng ta được gọi sống với lựa chọn cao trọng đó.

Ðể khởi sự, chúng ta hãy dâng chính mình làm của lễ, theo gương Chúa Giêsu. Tác giả thư gởi Do Thái viết về Chúa Giêsu: “Khi vào trần gian, Ðức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ, hiến lễ, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xoá tội. Bấy giờ con thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10,5-7).

Nghĩa là chính Chúa Giêsu xin trở nên của lễ.

Của lễ gồm cầu nguyện, yêu thương và hy sinh phục vụ cho dù phải chịu nhiều đau đớn.

Chúa Giêsu của lễ trước khi làm các việc cứu chuộc.

Ðức Mẹ Maria cũng của lễ trước khi làm các việc đồng công cứu chuộc. Ơn Chúa gọi Mẹ dính liền với câu của tiên tri Simêon: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâm qua lòng Bà” (Lc 2,35).

Lưỡi gươm đã đâm thâu qua lòng Ðức Mẹ không phải là những khắt khe của lề luật, nhưng là những biến cố thực tế của cuộc đời, của lòng người.

Ðể trở thành một của lễ có khả năng góp phần vào chương trình cứu độ của Chúa, chúng ta cần cầu nguyện và chiêm niệm rất nhiều, để gắn chặt chúng ta vào Chúa, như cành nho với thân cây nho. Trong thinh lặng, chúng ta lắng nghe Chúa và đón nhận tình thương của Chúa.

Ðồng thời chúng ta cũng cần tiếp cận với thực tế cuộc sống hôm nay, nhất là của những tầng lớp cùng khổ.

Qua đời tập luyện, trái tim người sống ơn gọi theo Chúa Giêsu vác thánh giá sẽ được Chúa đổi mới.

Chúng ta dần dà sẽ tới một mức độ trưởng thành về tình yêu nhân đạo, thương người như thể thương ta.

Chúng ta dần dà sẽ tới một mức độ trưởng thành về tình yêu từ mẫu không những biết thương, mà còn biết xót, và nhạy bén với những tín hiệu của những người khổ đau.

Chúng ta dần dà sẽ tới một mức độ trưởng thành về bác ái Phúc Âm, của người con Chúa tình yêu, biết quên mình, biết phục vụ cả khi không còn phương tiện vật chất để cho đi.

Chúng ta dần dà sẽ tới mức độ trưởng thành của một tình yêu người được tái sinh trong Chúa Thánh Thần: Quân bình, trong sáng, rộng lượng, sáng tạo, khôn ngoan, can đảm.

Rất mong những người sống mầu nhiệm mến yêu thánh giá sẽ luôn ý thức mình được Chúa gọi là của lễ sẽ trung thành với ơn gọi đó từng giờ, từng phút, từng giây, hôm nay và mãi mãi suốt đời.

Tôi thiết nghĩ: sự chúng ta lễ vật thì tốt hơn sự chúng ta làm ra lễ vật.

Trên thực tế, chúng ta để ý đến hay để ý đến làm?

Long Xuyên, ngày 02 tháng 8 năm 2001