Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Nhìn Vào Những Bước Ði
Âm Thầm Toả Sáng

Nhờ Chúa Thánh Thần hiện xuống, các thánh tông đồ được ơn đổi mới. Với sự đổi mới bản thân, các ngài đã ra đi đổi mới những người có liên hệ. Dần dần sự đổi mới lan ra rộng khắp. Có ngày từng ngàn người đã xin theo đạo Chúa. Có nơi, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục cộng đoàn Kitô hữu đã được thiết lập.

Bầu khí ca tụng Chúa hoà vào làn khí yêu thương nhau. Ðời sống nội tâm sâu sắc toả chiếu tình huynh đệ nồng nàn. Sự đổi mới đó tạo nên những cái nhìn mới, những suy nghĩ mới, những đánh giá mới, những hoạt động mới. Như thể đang hình thành một trời mới đất mới, đầy thanh bình và tràn trề hy vọng.

Hồi đó là như vậy. Còn nay thì sao? Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống chỉ còn là một lễ tưởng niệm, hay vẫn là một thời sự sống động đang tiếp nối sự kiện xưa kia?

Tôi không có thẩm quyền nói về tình hình chung Hội Thánh. Nhưng tôi biết chắc Chúa Thánh Thần vẫn đang thực hiện sự đổi mới trong rất nhiều người, nhiều nơi, tại Hội Thánh Việt Nam hôm nay. Ðổi mới không ồn ào, nhưng âm thầm. Âm thầm mà hữu hiệu. Hữu hiệu ở chỗ Chúa Thánh Thần cùng đồng hành với những người mà Ngài đổi mới, để làm nên nhiều nhóm nhỏ cầu nguyện và từ thiện, chuyển tải tình thương đến cho nhiều tâm hồn, để họ dần dần có thể tiếp cận với “Ðấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tim 2,4).

Ở đây, tôi xin chia sẻ đôi chút kinh nghiệm về sự kiện đó.

Trước một tình hình đời đạo phức tạp, có một số người ngỏ ý với nhau muốn góp phần trong việc cứu độ. Nhưng góp phần cứu độ cách nào, sao cho đúng ý Chúa.

Với lòng khát khao khiêm tốn, họ cầu nguyện. Cầu nguyện rất nhiều. Dần dần họ được Chúa Thánh Thần đưa tới Lời Chúa và Mình Thánh Chúa.

Tiếp xúc với Lời Chúa và Mình Thánh Chúa, họ nhận thấy có nhiều cách góp phần trong việc cứu độ. Nhưng họ được thu hút mạnh vào dung mạo “người đầy tớ trung tín và khôn ngoan”.

Chính Chúa Giêsu đã nêu lên dung mạo đó khá nhiều lần, nhất là trong Phúc Âm thánh Matthêu (25,45-51), và trong Phúc Âm thánh Luca (12,41-48).

Càng cầu nguyện, suy gẫm và càng chia sẻ, họ càng thấy người đầy tớ trung tín và khôn ngoan là loại người thích hợp nhất để phục vụ Hội Thánh Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay.

 Người đầy tớ

Người đầy tớ là người khiêm tốn, biết chăm chú lắng nghe ý chủ, vâng phục chủ, phục vụ chu đáo và tận tình thực thi ý chủ. Người đầy tớ đích thực bao giờ cũng quên mình, như lời Chúa Giêsu dạy: “Khi đã làm tất cả những gì phải làm, thì hãy nói: Chúng tôi chỉ là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi chỉ làm việc bổn phận mà thôi” (Lc 17,10).

Ðức Mẹ đã nêu gương đó, khi khiêm tốn xưng mình là nữ tỳ, xin vâng. Chính Chúa Giêsu cũng đã sống như vậy.

Thánh Phaolô viết: “Ðức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng Ngài không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Trái lại Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân. Ngài còn hạ mình xuống, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chết trên thập giá” (Phil 2,6-8).

Chính Chúa Giêsu đã dạy: “Ai làm lớn trong anh em thì phải nên như người nhỏ nhất. Và kẻ đứng đầu thì phải nên như người đầy tớ hầu hạ” (Lc 22,26)

Vâng ý Chúa, đó là thao thức thường xuyên của người môn đệ Chúa.

 Trung tín

Trước hết, ý Chúa là hãy sống trung tín với bổn phận người môn đệ Ðức Kitô. “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16,24).

Cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa và chầu Mình Thánh Chúa, họ khám phá ra những gì ghê tởm xấu xa nơi chính mình cần phải từ bỏ. Ðó là những tội lỗi. Không những tội lỗi mà còn là những thói quen xấu, như hay kêu ca trách móc, thích khoe khoang tự phụ, khinh chê kết án người khác, ham tìm danh vọng, lười suy gẫm cầu nguyện, hồi tâm vv...

Cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa và chầu Mình Thánh, họ khám phá ra những gì là cụ thể của thập giá, mà mình có bổn phận phải vác, như các chi tiết thuộc trách nhiệm của mình. Thí dụ trách nhiệm phấn đấu với chính mình để phát triển các ơn Chúa ban, như người đầy tớ làm lời những nén bạc được trao. Trách nhiệm phấn đấu với chính mình để phục vụ tốt gia đình, xã hội và Hội Thánh bằng những việc có chất lượng cao nhất theo như Chúa muốn. Trách nhiệm phấn đấu với chính mình để biết sống trong cộng đoàn một cách hoà hợp, tươi vui và xây dựng.

Cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa và chầu Mình Thánh Chúa, họ khám phá ra con đường theo Chúa trong cụ thể cuộc sống hằng ngày. Con đường đó là thường xuyên tỉnh thức giữ lòng mình kết hợp với Chúa một cách chặt chẽ thân mật, như cành nho với thân cây nho. Con đường đó cũng là thường xuyên chấp nhận nhọc nhằn vất vả, để mình trở nên hạt lúa mì rơi xuống đất, chịu thối đi, hầu được cùng với Chúa Giêsu trở thành của lễ hiến dâng có sức cứu độ.

 Khôn ngoan

Ngoài ra ý Chúa là sống khôn ngoan. Một sự khôn ngoan của Thánh Thần là biết phân định, để chọn những gì Chúa muốn mình chọn, hầu làm rạng danh Chúa một cách thích hợp nhất trong những hoàn cảnh cụ thể.

Như làm hết sức mình, để chọn đúng người, đúng việc, đúng vấn đề, đúng lời và đúng lúc.

Như cố gắng quan sát, theo dõi các dấu chỉ của thời thế, để tiên liệu, đề phòng, dự báo. Tất cả vì mục đích dọn đường cho Chúa đến. Ðó là khôn ngoan mà Chúa muốn.

Trong các thứ khôn ngoan, thiết tưởng khôn ngoan của thánh giá phải được coi là quí báu nhất. Bởi vì chính Chúa Giêsu đã chọn con đường thánh giá, như Chúa Cha đã chọn cho Ngài. “Khi vào trần gian, Ðức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Chúa như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10,5-7). Thực vậy, Chúa Giêsu đến để thực thi ý Chúa Cha. Ý đó là dâng hiến chính mình làm của lễ trong đau khổ của thánh giá. Mục đích để làm chứng Thiên Chúa là Cha giàu tình yêu thương xót.

Bằng cuộc sống của người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, môn đệ Ðức Kitô sẽ càng ngày càng được ơn khám phá ra tình yêu thương xót Chúa. Từ đó, họ ra đi, tìm đến những đối tượng đau khổ, nghèo đói, bị bỏ rơi, bị lún sâu vào cảnh khốn cùng. Họ chỉ làm được những việc cứu độ nho nhỏ, nhưng với tình yêu lớn và đem lại niềm hy vọng thực. Những bước họ đi đều âm thầm, nhưng toả sáng niềm tin yêu. Bởi vì Chúa ở trong họ. Chúa đồng hành với họ. Họ nhỏ bé vô danh, nhưng họ đang cùng Chúa đổi mới tình hình từ thẳm sâu các tâm hồn.

Nhìn họ, tôi có cảm tưởng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là chính hôm nay, tại đây. Tuy với một hình thức khác, nhưng sự đổi mới của Chúa Thánh Thần vẫn sống động mạnh mẽ, sâu xa đang và sẽ làm nên những bất ngờ trong lịch sử cứu độ.

Long Xuyên, ngày 11 tháng 5 năm 2002