Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Lời Cầu Của Người Ðau Yếu

Một lời cầu rất quen thuộc đối với mọi người chúng ta, đó là: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con”.

Phụng vụ thánh lễ đọc lời cầu đó nhiều lần. Các “kinh cầu” như kinh cầu Trái Tim Chúa, kinh cầu Ðức Mẹ, kinh cầu thánh Giuse, kinh cầu các thánh, là những chuỗi dài thảm thương “xin thương xót chúng con”.

Nhiều người có thói quen cầu nguyện vắn tắt chỉ bằng lời cầu: “Xin Chúa thương xót con”. Ðọc hằng ngày. Ðọc khắp nơi. Như một hơi thở. Như một tiếng gọi của người con bé nhỏ.

Riêng tôi, tôi đọc lời cầu đó rất nhiều lần, mỗi khi tôi đau yếu. Ðọc một cách tha thiết. Ðọc với tất cả tấm lòng đơn sơ và tập trung vào lòng thương xót Chúa.

Lạy Chúa, xin thương xót con”. Lời cầu vắn tắt này có thể đưa ta đi rất xa, khi ta cầu nguyện dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần.

Tiên vàn, nên nhớ cầu nguyện là một ơn Chúa. Nên, khởi đầu, ta cần xin Chúa giúp ta cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin đến giúp con” (Tv 70,2).

Bình thường, chúng ta vẫn cần ơn Chúa để cầu nguyện được thực hiện tốt. Phương chi lúc ta đau yếu. Lúc đó, thể xác và tâm hồn ta rơi vào tình trạng rã rời, yếu đuối. Nhưng tình trạng đó sẽ được ổn định, khi Chúa Thánh Thần đến với ta. Như lời thánh Phaolô nói: “Bây giờ, chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải. Nhưng chính Chúa Thánh Thần cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, bằng những tiếng rên xiết khôn tả” (Rm 8,26).

 Nhìn vào mình

Ðúng là như vậy, cầu nguyện như thế trong cơn bệnh, chúng ta sẽ được ơn nhìn vào mình một cách chính xác hơn.

Lạy Chúa, xin thương xót con”. Ta không ngại thêm liền sau đó lời: “Vì con là kẻ có tội”.

Tôi xếp mình vào loại các tội nhân, chứ không chỉ vào loại người yếu đuối. Bởi vì sự thực là như thế.

Ðể có một hình ảnh thiết thực, tôi coi mình đang đứng bên người thu thuế, mà Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm: “Ông đứng cuối nhà thờ, không dám ngẩng mặt lên, vừa đấm ngực vừa thưa với Chúa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” (Lc 18,13).

Ðạo đức hình thức, hời hợt nông cạn, sự cứng lòng và sự nguội lạnh là những hiện tượng không hiếm. Nên cần có ơn Chúa, người ta mới nhận ra đúng con người của mình, một sự nhận ra với việc ăn năn xé nát tâm can.

Không lâu sau đó, tâm hồn thống hối như thế sẽ nghe Chúa trả lời: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần. Thầy không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi hãy ăn năn và sám hối” (Lc 5,31).

 Gặp được Chúa

Thực là an ủi cho người đau yếu. Bởi vì họ cảm thấy Chúa Giêsu đã đến bên họ. Ngài nhân từ. Chính Ngài sẽ giúp cho họ ăn năn sám hối, khởi đầu bằng sự làm cho lòng họ trở nên khiêm nhường sâu sắc, đầy từ bỏ mình. Khiêm nhường thực sự, trước mặt Chúa, trước mặt thế gian, trước lương tâm chính mình.

Khi đã bắt đầu khiêm nhường thực sự như thế, thì ơn Chúa sẽ tràn vào tâm hồn người đau yếu. Họ được đổi mới. Về một phương diện nào đó, họ trở nên khoẻ mạnh về đàng thiêng liêng hơn trước nhiều.

Tôi có kinh nghiệm như vậy. Lúc đó tôi hiểu hơn sự khôn ngoan của tình Chúa xót thương. Tình Chúa có thể đổi sự dữ thành sự lành, có thể dùng bệnh tật đau đớn như một con đường thanh luyện để ta gần lại với Chúa hơn.

Lạy Chúa, xin thương xót con”. Thực Chúa đã thương xót tôi. Về mặt thiêng liêng Chúa đã thương cứu tôi.

Còn về mặt cứu cho khỏi bệnh tật đau đớn thì lại là chuyện khác.

 Vâng phục ý Chúa

Tôi tiếp tục cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con”. Có lúc, Chúa trả lời bằng cách cho tôi nhớ lại cảnh chính Chúa Giêsu cũng chìm sâu vào cảnh đớn đau tăm tối.

Trong bữa tiệc ly, Ðức Kitô than thở: “Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến. Thầy biết nói gì đây. Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,37).

Rồi trong vườn Cây Dầu, Ngài khẩn thiết cầu xin. Tâm hồn xao xuyến bồi hồi, đến nỗi mồ hôi Ngài như những hạt máu rơi xuống đất (Lc 22,44).

Ngài tha thiết xin Chúa Cha thương đến Ngài: “Cha ơi, xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con, một theo ý Cha mà thôi” (Mc 14,36).

Cuối cùng, Chúa Giêsu đã coi sự vâng theo ý Chúa Cha là quan trọng nhất.

Hiểu như vậy, nên, khi đau yếu, càng cầu nguyện, tôi càng được thúc giục hãy để ý đến việc xin ơn vâng theo ý Chúa, “Lạy Chúa, xin thương xót con”. Lúc ấy, Chúa Thánh Thần dùng ý hướng đó để kêu gọi người đau yếu hãy dâng mình cho Chúa.

Họ dâng cho Chúa trót con người của mình, dâng sức khoẻ và bệnh tật của mình, dâng những thành công và thất bại, dâng những gì đã làm và những gì còn dang dở, dâng cả những tội lỗi của mình. Mặc dầu mình chẳng là gì, mình chẳng đáng gì, mình chẳng có gì ngoài những ước mơ, những cố gắng, những khuyết điểm và khổ cực. Nhưng nhất là dâng tình yêu và đau khổ. Dâng hết cho Chúa nhân lành. Tình Chúa xót thương và vô cùng toàn năng có thể dùng tất cả những sự đó để góp phần nào làm nên công trình của Chúa, cho giáo phận, cho Nước Trời, theo thánh ý Ngài. Xin cảm tạ. Xin dâng hiến. Xin sẵn sàng sống ơn gọi sau cùng của con người.

 Bám vào Ðức Mẹ

Vâng theo thánh ý Chúa còn là nép mình bên Ðức Mẹ Maria. Mẹ đã đau khổ rất nhiều. Trái tim Mẹ như bị gươm đâm, không phải bị một lần, nhưng bị nhiều lần trong đời.

Chúa Giêsu xem ra ám chỉ chén đắng một cách rất rộng. Khi Ngài xin Chúa Cha cất chén đắng cho Ngài, thì chén đắng đó cũng được Ngài hiểu về sự Ðức Mẹ và các môn đệ Ngài sẽ phải khổ. Chúa Giêsu xin để một mình Ngài gánh trọn khổ đau trong việc cứu chuộc nhân loại, đừng để Ðức Mẹ và các môn đệ cũng phải chia sẻ khổ đau đó. Nhưng Chúa Cha không muốn thế. Chúa Cha muốn Ðức Mẹ và các môn đệ cũng phải theo Ðức Kitô, đi vào con đường thánh giá, để có thể tới Phục sinh.

Không có thánh hoá mà không có thánh giá. Thánh hoá nhờ thánh giá. Mà thánh giá khi Mẹ vác trong trái tim, nhất là khi Mẹ bị đóng đinh vào đó, thì Mẹ đã rất khổ. Nhưng mà Mẹ đã đứng vững.

Khi biết ý Chúa Cha là như thế, người đau yếu sẽ hướng lời cầu của mình về sự xin theo gương Ðức Mẹ. Lạy Chúa, xin thương xót con. Nghĩa là: xin thương giúp con theo gương Ðức Mẹ.

Không gì đẹp ý Chúa cho bằng xin ơn đó. Chính chúng ta cũng sẽ được an tâm và mạnh dạn như lời thánh Gioan nói. “Lý do khiến chúng ta được mạnh dạn trước mặt Chúa, đó là Người nhận lời chúng ta, khi những lời ta xin đều hợp ý Người” (1 Ga 5,14).

Nếu thánh ý Chúa là: Ðể cứu chuộc nhân loại hôm nay, các môn đệ Ðức Kitô, ngoài một số việc phải làm, còn phải vác thánh giá theo Ðức Kitô, thì cách tốt nhất cho các môn đệ Chúa là có Ðức Mẹ Maria cùng đi. Tin tưởng này sẽ an ủi người đau yếu rất nhiều.

Cầu nguyện Ðức Mẹ thực đơn sơ. Bám chặt lấy Mẹ nhân lành. Trong thinh lặng, trong phó thác. Người đau yếu sẽ được bình an trong tâm hồn. Họ tránh được những quấy phá của ma quỉ, thế gian, xác thịt. Ðồng thời sẽ được thêm đức tin, để có đủ ánh sáng và sức mạnh đi vào một giai đoạn có thể mới lạ và khó khăn. Một giai đoạn mới, chính vì rất khó khăn, nên lại sẽ thuận lợi cho việc tìm về chính nguồn mạch sự sống và làm chứng một cách thiết thực hơn cho nguồn mạch sự sống đó.

Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ. Còn thực hiện nhiều khi sẽ rất khác suy nghĩ. Nhất là nơi người đau yếu già cả. Vì thế, tôi tăng cường lời cầu:

Lạy Chúa, xin thương xót con.

Long Xuyên, ngày 9 tháng 6 năm 2002