Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Xin Ơn Cứu Ðộ

Khi cầu xin Chúa ban ơn cứu độ, chúng ta thường hiểu ơn cứu độ là ơn cứu chúng ta khỏi hoả ngục để được lên thiên đàng. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, chúng ta cũng hiểu ơn cứu độ là ơn cứu chúng ta khỏi đàng tội lỗi để đi vào đàng nhân đức. Hiểu được như thế cũng đã là tốt rồi.

 Giải cứu khỏi những sai lầm

Nhưng thiết tưởng cần đi xa hơn. Kinh nghiệm cho thấy: Ơn cứu độ mà chúng ta luôn rất cần cầu xin, chính là ơn giải cứu chúng ta khỏi những sai lầm thường ngày xem ra đang ngự trị trong ta. Sai lầm nói đây là những hiểu biết lệch lạc về đạo đức, có khả năng gây tai hại lớn cho chính mình ta, cho Hội Thánh ta, cho việc loan báo Tin Mừng.

Những sai lầm như thế gồm nhiều loại như: Sai lầm trong cái nhìn về chính mình, sai lầm trong cách đánh giá người khác, đặc biệt là những người ngoài công giáo, sai lầm về cách sống đạo và làm chứng cho Chúa, sai lầm về cách huấn luyện đào tạo chính mình và nhân sự tôn giáo của mình, sai lầm về căn bản Tin Mừng, sai lầm trong việc thẩm định kế hoạch cứu độ của Chúa.

Các sai lầm đó thường do nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là sự tự đắc, tự phong những tư tưởng của mình thành chân lý.

Hơn nữa, bộ mặt chân lý và sai lầm không dễ nhận ra. Cả hai cùng bên nhau, cùng đồng hành với nhau trên cùng một con đường, cùng sống chung trong chính con người của ta.

Ðôi khi sai lầm lại đem lại một số hiệu quả thực dụng trước mắt. Nhất là khi sai lầm lại hợp với tính tình, thành kiến của ta, và còn được dư luận xung quanh hỗ trợ.

Vì thế, nhiều khi người ta cứ mãi đi sâu vào thế giới sai lầm một cách hãnh diện. Ðang khi chúng âm thầm gây tai hại cho phần rỗi ta, cho Hội Thánh ta, cho lòng đạo của thế hệ con cháu chúng ta sau này.

Ðể giải cứu chúng ta khỏi những sai lầm về đạo đức, tất nhiên phải học hỏi thường xuyên, phải lắng nghe Chúa nói với ta qua cầu nguyện, qua gẫm suy Kinh Thánh, qua các dấu chỉ thời đại, qua những người khác. Tôi xác tín là phải nhờ ơn cứu độ của Chúa. Nhưng muốn đón nhận ơn cứu độ của Chúa, chúng ta rất cần có thái độ khiêm tốn, khó nghèo nội tâm.

Ðể góp phần vào việc dọn tâm hồn cho khiêm tốn khó nghèo, hầu đón nhận được ơn cứu độ, tôi xin nêu lên một ít lời Chúa cảnh giác chúng ta về những sai lầm rất thường xảy ra.

 Sai lầm trong cái nhìn về mình

Chúa Giêsu phán: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỉ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ rằng: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7,21-23).

Theo lời Chúa Giêsu trên đây, thì có những người tưởng mình là đạo đức, chắc chắn được Chúa nhận vào Nước Trời, bởi vì họ nại vào những việc họ làm, mà họ cho là tốt. Nhưng họ đã sai lầm. Sai lầm của họ là ở chỗ họ làm các việc đó, hoặc không do động lực tuân phục thánh ý Chúa, mà do động lực ý riêng, hoặc làm với một cách nào đó cũng không hợp ý Chúa. Thực tế hôm nay càng cho thấy điều đó. Biết bao người tưởng mình làm việc tốt, nhưng lại không được Chúa chấp nhận, hoặc vì động lực là tự ái, hoặc cách làm là phô trương.

 Sai lầm về cách sống đạo

Trong đời sống đạo, không thiếu người coi trọng việc mến Chúa, nhưng coi nhẹ việc thương người. Ðó là một sai lầm lớn. Thánh Gioan viết: “Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Ðây là điều răn mà chúng ta đón nhận được từ Người: Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 5,19-21).

Yêu thương người khác là thế nào?

Thưa yêu thương là trọng kính nhân hậu đối với mọi người, cả trong tư tưởng và phán đoán. Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy có lòng nhân từ, như Cha các con là Ðấng nhân từ. Các con đừng xét đoán, thì các con sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Các con đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Các con hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6,36-37). “Các con muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6,31).

Yêu thương là chia sẻ. Thánh Gioan viết: “Ai có của cải thế gian, và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (1Ga 3,17). “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18).

Yêu thương là đối xử tốt với những người làm hại mình. Chúa Giêsu dạy: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét các con. Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa các con và hãy cầu nguyện cho kẻ vu khống cho các con” (Lc 6,27-28).

Yêu thương là xây dựng những liên hệ tốt bằng tinh thần khiêm tốn, bao dung. Thánh Phaolô viết: “Hãy vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau. Ðừng tự cao tự đại. Nhưng hãy thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan. Ðừng lấy ác báo ác. Hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì có thể, để sống hoà thuận với mọi người” (Rm 12,14-20). “Anh em đừng mắc nợ gì với ai, ngoài món nợ tương thân tương ái. Vì ai yêu người, thì đã chu toàn lề luật” (Rm 14,8).

Yêu thương là phục vụ và hy sinh góp phần vào hy tế của Chúa. Chúa Giêsu phán: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mt 20,28).

Phúc Âm nói rất rõ và rất nhiều về bác ái yêu thương. Nhưng vẫn còn nhiều sai lầm trên thực tế sống đạo. Có những sai lầm vô tình và có những sai lầm mang trách nhiệm.

Trên đây chỉ là vài loại sai lầm tượng trưng. Chỉ riêng mấy loại sai lầm này cũng đã đủ gây tai hại lớn cho đạo Chúa. Ấy thế mà, nhiều khi, trong hồi tâm, sám hối, đổi mới, trở về, chúng ta lại không quan tâm đến việc giải cứu mình khỏi những sai lầm, nhất là những sai lầm có liên quan đến việc sống đạo và truyền giáo.

Hiện tình Việt Nam tại nhiều nơi được coi là rất thuận lợi cho việc truyền giáo. Nếu biết sớm loại trừ những sai lầm về đào tạo, và biết nhạy bén, nắm bắt cơ hội, linh động sáng tạo những phương cách thích hợp, trong lãnh vực phục vụ Lời Chúa và con người, nhất là tăng cường cầu nguyện và tu thân, thì cánh đồng truyền giáo sẽ thu hoạch được nhiều kết quả tốt đẹp.

Lạy Chúa Giêsu, xin thương ban cho chúng con ơn cứu độ, trong đó có ơn giải cứu chúng con khỏi những sai lầm có hại cho việc sống đạo và truyền giáo tại Việt Nam hôm nay.

Long Xuyên, ngày 14 tháng 3 năm 2001