Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Con Ðường Bé Nhỏ

Ðức Kitô giáng trần đã gây nhiều bất ngờ. Bất ngờ lớn nhất thiết tưởng là con đường Ngài chọn, để đi vào trần gian hầu cứu độ nhân loại.

Con đường đó là con đường bé nhỏ. Con đường bé nhỏ này được Ngài vạch ra thế nào?

Thưa, Ðức Kitô vạch ra con đường đó bằng chính cuộc đời Ngài.

Cuộc đời Ðức Kitô là cuộc đời hội nhập vào thân phận lớp người bé mọn.

Ngài là Ngôi Lời. Nhưng, khi giáng sinh, Ngôi Lời đã không nói. Ngài xuất hiện như một trẻ thơ. Rất bé nhỏ, rất yếu đuối, rất lệ thuộc, rất túng nghèo.

Dần dần lớn lên. Ðức Kitô vẫn sống giữa dân nghèo, sống như người nghèo, bên cạnh những người thấp kém khổ đau. Ngài cảm nhận được những khổ đau như những người đau khổ nhất. Ngài chia sẻ đời họ.

Cuộc đời Ðức Kitô còn là cuộc đời quan tâm ưu tiên đến những người nghèo khổ. Khi Gioan Baotixita sai môn đệ đến hỏi Ngài: “Thầy có phải là Ðấng phải đến không...”. Ðức Kitô trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,3-5). Tất cả những loại người trên đây đều bị xã hội coi là bất hạnh. Họ nghèo của cải và nghèo tình thương kính trọng. Nhưng họ lại được Chúa thương bênh đỡ ủi an. Nhiều khi tình xót thương đó đã xúc phạm đến những nhà lãnh đạo tôn giáo thời ấy, bởi vì các vị này lo giữ luật một cách khắt khe hình thức và bảo vệ quyền lợi mình, hơn là lo cứu độ con người.

Cuộc đời Ðức Kitô còn là cuộc đời trân trọng bất cứ việc gì tốt do bất cứ ai làm cho kẻ bé mọn. Ðến nỗi Ngài đồng hoá mình với những kẻ bé mọn, Ngài quả quyết: “Những gì các con làm cho những kẻ bé mọn nhất của Ta, là các con làm cho chính Ta” (Mt 25,40).

Cuộc đời Ðức Kitô đã dấn thân đến cùng, để cùng chịu số phận như những kẻ thấp hèn, bị loại trừ ruồng rẫy. Ngài tự nguyện để mình bị kết án oan, bị tử hình một cách nhục nhã, do bất công độc ác. Ngài làm thế, để chia sẻ với những kẻ bị tủi hổ và thất bại nhất trong cuộc đời.

Một cuộc đời với những khía cạnh như trên đã trở thành một thánh lễ. Thánh lễ đền tội, thánh lễ khẩn cầu. Của lễ là chính Ðức Kitô. Ngài hiến tế chính cuộc sống mình. Ngài hy sinh chính bản thân mình. Ngài từ bỏ ý riêng mình để tuân phục trọn vẹn ý Chúa Cha. Ngài yêu mến nên chấp nhận hy sinh. Ngài hy sinh vì hết tình yêu mến.

Ðể cắt nghĩa thánh lễ sống động này, tác giả thư gửi Do Thái đã viết: “Khi vào trần gian, Ðức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con xin đến để thực thi ý Ngài, như sách thánh đã chép về con” (Dt 10,5-7).

Sống với một thân thể biết khổ đau và với một tình yêu dám từ bỏ ý riêng, thực thi trọn vẹn ý Chúa Cha, đó chính là thứ thánh lễ có sức đền tội, cứu độ loài người.

Ðức Kitô đã dâng thánh lễ này ngay từ giây phút đầu tiên của đời mình. Khi nhìn ngắm Ngài giáng sinh trong máng cỏ, tại hang đá Belem, chúng ta nên coi đây là khởi đầu một thánh lễ cứu độ. Thánh lễ đầy tình yêu và hy sinh. Thánh lễ nói lên vinh quang Thiên Chúa là: Ðức Kitô bước xuống trần gian để cứu độ. Thánh lễ chúc bình an cho những ai có thiện chí đi theo Ngài. Ngài đã chọn con đường nào để đi cứu độ, thì chúng ta cũng hãy đi vào con đường đó.

Hiện nay, không thiếu người đang trung thành với lựa chọn con đường bé nhỏ.

Họ sống với lòng mến thiết tha đầy nhiệt thành và thao thức cho Nước Trời.

Họ sống với tâm tình khiêm tốn sâu xa, nhận biết mình bé nhỏ, yếu kém, bất toàn, luôn phấn đấu để nên tốt hơn về mọi mặt, để xứng là con của Chúa.

Họ tự nguyện từ bỏ mình. Nghèo của cải, danh vọng, chức quyền, nhưng cố gắng giàu về tấm lòng và trí tuệ.

Họ chấp nhận hy sinh, để trở thành lễ tế sống động. Họ luôn phó thác mình một cách trọn vẹn nơi tình xót thương Thiên Chúa là Cha.

Họ âm thầm yêu thương phục vụ, với những việc lành nhỏ bé, với những hy sinh kín đáo, đồng hành với những người khổ đau, trên những con đường bé nhỏ.

Tôi có cảm tưởng: Ðức Kitô đang âu yếm nhìn họ và nói với Ðức Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín, không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21).

Trên tờ báo An ninh thế giới, ra ngày thứ năm, 06/12/2001, có bài Một gánh ve chai nuôi sống 40 cuộc đời. Bài báo khá dài nói về chị Phạm Thị Ðơn, một nữ tu dòng Tiểu Muội, đã được phép sống ngoài nhà Dòng. Từ nhiều năm nay, chị vất vả lam lũ bán ve chai, để có phương tiện chăm sóc một số hơn 40 trẻ em lang thang đường phố, không nhà cửa, không cha mẹ, không được học hành. Cuộc dấn thân này không thể tránh được nhiều mồ hôi nước mắt. Nhưng hiệu quả hiện nay là rất đáng mừng. Gương sáng của chị đã đánh thức nhiều lương tâm. Tác giả bài báo, Nguyễn Hồng Lam đã kết luận: “Với chị Ðơn, đó chính là đức tin... Với một tình thương bao la, người phụ nữ ấy đã tiếp cận đời sống tâm linh, mà chị đã khấn trọn bằng cách hoà nhập và dang tay với cuộc đời”.

Tôi thấy trên quê hương Việt Nam này đang có nhiều đức tin toả ánh sáng yêu thương như thế và hơn thế. Nhiều liên đới tình nguyện đang hoạt động mạnh mẽ và hữu hiệu trong đa dạng. Họ như những nhóm mục đồng ở Belem xưa. Khó nghèo, âm thầm từ bỏ mình, hân hoan lên đường phục vụ. Họ đi trên những ngả đường bé nhỏ. Họ đồng hành với Ðấng cứu thế và những người bé mọn. Họ đồng ca với các thiên thần lời nguyện Noel: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Phải chăng đây là bình minh của một cuộc Phục Hưng đạo đức đang rất cần cho xã hội chúng ta.

Long Xuyên, ngày 6 tháng 12 năm 2001