Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Ðồng Cảm

Khi vừa được Cha Hồ Văn Xuân ngỏ ý muốn tôi giảng lễ an táng cụ thân sinh Tađêô, tôi liền mở Phúc Âm ra, theo thói quen cầu nguyện dựa trên Lời Chúa.

Lúc đó, lòng tôi đang bộn bề nhiều đau buồn lo lắng. Riêng của tôi thì ít, mà chung của Hội Thánh và Ðất Nước thì nhiều.

Tự nhiên, tôi gặp bài Phúc Âm thánh Gioan đoạn 17, mà chúng ta vừa nghe. Thoáng liếc qua, tôi cảm thấy một nguồn sáng đem lại mát mẻ bình an. Thế là tôi dừng lại, đọc đi rồi đọc lại. Sau đó suy gẫm và chiêm niệm.

Từ cõi thinh lặng gặp gỡ Chúa trong một thời gian cầu nguyện, tôi cảm nhận được thánh ý Chúa gởi cho tôi. Thánh ý Chúa là: Hãy đơn giản hoá các vấn đề phức tạp, nhất là trong lãnh vực sống đạo, mục vụ và truyền giáo.

Trong cảm nghiệm thánh ý Chúa một cách rõ ràng như vậy, tôi nhìn cuộc sống đạo của Ông Bảy. Ông Bảy là một tông đồ giáo dân.

Theo tôi biết, thì Cụ Cố Tađêô, người tông đồ giáo dân này sống đạo một cách đơn sơ. Ðơn sơ nhưng căn bản.

Tất cả cuộc sống đạo của Ông Bảy xuất phát từ sự đồng cảm với tâm tình của Chúa Giêsu và của đồng bào. Theo bài Phúc Âm vừa nghe, thì tâm tình của Chúa Giêsu:

Một là cảm nhận tha thiết và mãnh liệt Chúa Cha yêu thương mình: “Lạy Cha, Con biết là Cha đã yêu thương Con từ thuở trước khi tạo thành thế gian”.

Hai là khát khao tha thiết và mãnh liệt tình Chúa Cha được chia sẻ sang những người khác, nhất là những người thuộc về mình: “Lạy Cha, Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha... Ðể tình Cha yêu Con cũng ở trong chúng và Con cũng ở trong chúng nữa”.

Theo tôi, về mặt tâm lý thì nguồn mạch ơn gọi là sự đồng cảm. Người tông đồ là người đồng cảm một cách mãnh liệt tâm tình của Chúa Giêsu, đồng thời cũng đồng cảm mãnh liệt với thân phận khó nghèo của đồng bào mình.

Ông Bảy diễn tả những đồng cảm đó bằng sự phục vụ giáo xứ, giáo phận, xã hội, đặc biệt là bằng cách dâng con mình phục vụ Chúa trong đời tu, và qua sinh hoạt thánh nhạc.

Những đề tài thánh nhạc mà tôi cho là hợp với dấu chỉ của thời đại hiện nay tại Việt Nam lúc này mà Cụ Cố đã tham gia đó là ca tụng lòng thương xót Chúa, qua những việc Chúa đang làm cho Hội Thánh Việt Nam.

Thí dụ như:

Ít ca tụng chức cao quyền trọng cai trị, nhưng ca tụng nhiều hơn tinh thần phục vụ, khiêm tốn, cần cù, như lời Chúa Giêsu phán: “Ai muốn làm đầu giữa anh em, thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20,27). “Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22,27).

Ít ca tụng những công trình nguy nga lộng lẫy mà trống rỗng, nhưng ca tụng nhiều hơn những chiếc bình sành nhưng mang kho tàng châu báu, như lời thánh Phaolô dạy: “Những kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2Cor 4,7).

Ít ca tụng những ý riêng lớn tiếng, nhưng ca tụng nhiều hơn người tôi trung nhỏ nhẹ được Thiên Chúa sai đi, như lời Chúa phán: “Ngài sẽ loan báo công lý trước mặt muôn dân, Ngài sẽ không cãi vã, không kêu to. Chẳng ai nghe thấy tiếng Ngài lớn tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Ngài không đành bẻ gẫy. Ngọn đèn còn leo lắt, Ngài chẳng nỡ tắt đi. Cho tới khi Ngài đem công lý đến toàn thắng. Và muôn dân đặt hy vọng nơi Ngài” (Mt 12,18-21).

Không ca tụng những phô trương hình thức, nhưng ca tụng những thực chất mà khiêm tốn hiền hoà, như lời Chúa Giêsu dạy: “Hãy học với Thầy, vì Thầy khiêm nhường và hiền từ trong lòng” (Mt 11,29).

Không ca tụng những khôn ngoan hẹp hòi, nhưng ca tụng điều răn thương yêu, như lời Chúa Giêsu dạy: “Ðây là điều răn mới của Thầy, là anh em hãy thương yêu nhau, như Thầy đã thương yêu anh em” (Ga 15,22).

Không ca tụng hình ảnh Thiên Chúa nghiêm khắc xa vời, nhưng ca tụng một Thiên Chúa là tình yêu gần gũi, giàu lòng thương xót như lời thánh Gioan dạy: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8).

Bản nhạc hay nhất chính là cuộc sống đạo tuân phục thánh ý Chúa Cha. Thánh ý Chúa Cha được mạc khải nơi Chúa Giêsu. Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta đi về Nhà Cha, trên những ngả đường đời cụ thể, trong từng giai đoạn cụ thể của lịch sử, của Ðất Nước và Hội Thánh. Chính vì thế, mà phải luôn luôn nhờ Chúa Thánh Thần. Ðể bản nhạc đời ta được đồng cảm với Hội Thánh, đồng cảm với Ðất Nước, đồng cảm với dân, nhất là đồng cảm với Ðức Kitô.

Tôi có nhiều lý do để hy vọng cuộc đời Ông Bảy là một bản nhạc dạt dào những đồng cảm như thế. Và Ông Bảy cũng đã để lại cho con cháu và những người thân, nhất là Cha Xuân, những đồng cảm quí báu.

Giờ đây, Ông Bảy đang thấy rõ những đồng cảm nào là quan trọng nhất của đời người. Chúng tôi cầu nguyện cho linh hồn Ông Bảy được mau về với Chúa. Và xin Ông Bảy cũng cầu nguyện cho chúng tôi, để biết đồng cảm, để biết thương cảm, để biết nhạy cảm, để biết truyền cảm, xứng đáng là những môn đệ thích hợp của Chúa trên Quê Hương Việt Nam hôm nay.

Chúng ta hẹn sẽ lại gặp nhau, bên nhau, và cùng nhau hát bài ca mới như thánh vương David để ca tụng Thiên Chúa Ba Ngôi là Chúa chúng ta muôn đời. Amen.

Bài giảng thánh lễ an táng Ông Cố Tađêô Hồ Trung Trinh,
thân phụ Lm. Inhaxiô Hồ Văn Xuân.
Tại Nhà Thờ Gia Ðịnh, Tp. HCM. ngày 23 tháng 02 năm 2001