Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Ðược Chọn Và Sai Ði

Hai tháng vừa qua, Giáo Hội Việt Nam được thêm 55 tân linh mục. Và ngày hôm qua, 14-7, Toà Thánh chính thức công bố 03 tân giám mục Việt Nam được Ðức Thánh Cha bổ nhiệm. Ðây là những tin vui.

Trước những phản ứng nô nức mừng rỡ tưng bừng của đám đông, tôi thầm nghĩ lại những chặng đường, mà người được Chúa chọn và sai đi thường trải qua. Những chặng đường tôi sắp nhắc lại dưới đây là những cảm nghiệm, một phần rút từ Phúc Âm nơi các tông đồ, một phần lấy từ kinh nghiệm bản thân.

 Bàng hoàng trước một mầu nhiệm

Khi thánh Phêrô được Chúa Giêsu gọi, bảo chèo thuyền ra khơi thả lưới chỗ nước sâu, Ngài đã vâng lời. Kết quả đã rất lạ lùng. Cá tuốn đầy vào lưới. Sự kiện này làm kinh ngạc Phêrô và mọi người. Ðược thấy một bất ngờ như vậy, Phêrô cảm nghiệm ra một điều rất mới: Mình đang được tham gia vào một mầu nhiệm quá sức tưởng tượng. Lập tức, Phêrô quỳ xuống dưới chân Chúa Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin hãy xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Ngài bàng hoàng, sợ hãi, nhìn mọi sự với một cái nhìn mới, “Ngài bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu” (Lc 5,11).

Cùng với thánh Phêrô, nhiều người đã cảm được sự Chúa gọi và sai mình đi là một biến cố lạ thường. Trong biến cố đó, Chúa đã dành cho mình một sứ mạng tham dự vào mầu nhiệm cứu độ của Chúa. Tại sao Chúa lại dành cho mình? Mình không hiểu. Chỉ biết một điều là mình rất bất xứng, đầy tội lỗi, đầy khiếm khuyết. Chính nhận thức ấy làm cho người môn đệ trao trọn thân phận mình vào tay Chúa. Họ bỏ lại mọi sự. Chỉ còn Chúa là tất cả cho họ. Chúa là Ðấng họ cầu nguyện, cậy tin và phó thác. Ðồng thời, cộng đoàn của Chúa là gia đình họ tựa nương và tìm sự cộng tác.

Càng đi theo Chúa Giêsu, người môn đệ càng khám phá thấy Chúa Giêsu đầy quyền năng, nhưng lại tự nguyện chấp nhận vô vàn khổ cực.

 Kinh ngạc trước những khổ cực

Có thể là ban đầu người theo Chúa còn nuôi ảo tưởng về một cuộc đời cao sang. Nhưng rồi dần dần, họ sẽ thấy Chúa Giêsu, Ðấng gọi họ, đã đến để cứu độ. Người cứu độ bằng một tình thương được diễn tả bằng những hy sinh.

Hy sinh là cuộc sống nhập thể, mặc lấy thân phận lớp dân nghèo khổ. Chính Ngài nói về Ngài: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58).

Hy sinh là phải đau khổ, nhục nhã. Chúa Giêsu khẳng định: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Lc 9,22).

Hy sinh là thích được hộ tống không phải do những người giàu sang, quyền chức, nhưng là những người vác thánh giá. Chúa Giêsu khẳng định: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta” (Lc 9,23).

Hy sinh là hân hạnh được có bên mình không phải những nhà phê bình uyên thâm, nhưng là những người đơn sơ bé mọn, khiêm nhường. Phúc Âm ghi lại rằng: “Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Ðức Kitô hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Chúa là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21).

Hy sinh là chịu hao tốn thời giờ, sức khoẻ, uy tín, sức sống mình cho đoàn chiên. Chúa Giêsu nói đi nói lại sự hy sinh này, nhất là trong bữa tiệc ly: “Ta là mục tử nhân lành... Ta hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 14).

Còn bao nhiêu thứ hy sinh khác, không tên, không hào quang. Thế nào rồi những ai thực sự được Chúa gọi và sai đi cũng phải trải qua những thử thách. Thế nào rồi họ cũng phải nếm những khổ đau. Có thể coi đây là lương thực hằng ngày và là một vinh dự cao quý đầy giá trị cứu rỗi. Người ta không thấy, không hiểu. Chỉ Cha trên trời mới nhìn thấy và hiểu.

 Tập quen với những kín đáo

Trong Phúc Âm thánh Matthêu, có một đoạn rất nhấn mạnh đến các việc về đời sống nội tâm. Chúa Giêsu khuyên các môn đệ đừng phô trương khi làm việc lành: Hãy làm cách kín đáo. Cha trên trời biết và sẽ thưởng công cho.

Ðó chính là bằng chứng của sự tự do. Làm theo lương tâm ngay chính. Làm vì muốn đẹp lòng Chúa. Không vì áp lực dư luận khen chê. Không vì mục đích được lợi lộc thế gian. Không vì sĩ diện.

Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc bố thí của con được kín đáo. Vì Cha của con, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho con” (Mt 6,3-4).

Khi cầu nguyện... hãy cầu nguyện cùng Cha của con, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của con, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho con” (Mt 6,6).

Khi ăn chay... đừng để ai thấy là con ăn chay ngoại trừ Cha của con, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của con, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho con” (Mt 6,18).

Sống theo những lời trên của Chúa Giêsu, người môn đệ Chúa sẽ làm vô số việc lành một cách kín đáo, như cầu nguyện, hy sinh, tha thứ, đào tạo, phục vụ, tỉnh thức, tiên liệu. Những việc kín đáo ấy có thể chẳng ai sẽ biết. Họ cũng sẽ có nhiều lựa chọn để đón Nước Trời, mà có thể chẳng ai hiểu. Nhưng: “Cha trên trời, là Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho họ”.

Càng sống theo lời trên đây của Chúa Giêsu, người môn đệ Chúa càng sẽ biết kính trọng những đường lối và những chọn lựa của các môn đệ khác. Vì chỉ một mình Chúa mới biết và hiểu được họ thôi. Mình chớ cướp quyền Chúa, mà kết án anh em, kẻo hậu quả tại hại nhất lại sẽ đổ xuống cho chính mình.

ù

Tôi vừa đi thăm một bệnh nhân. Ông tự đâm vào bụng mình bằng hai nhát dao. Vết thương khá sâu. Hỏi tại sao ông tự tử, thì ông trả lời: Vì muốn thoát khỏi cảnh túng nghèo quá khổ cực.

Nhìn bệnh nhân này, tôi liên tưởng tới bao người nghèo khác: Nghèo của cải, nghèo văn hoá, nghèo ý chí, nghèo tự do, nghèo tình thương, nghèo hy vọng, nghèo niềm tin. Nhiều người trong họ cũng đang tự huỷ. Ðây là một thời sự nhức nhối.

Chính thời sự này khiến tôi nhớ lại lời ngôn sứ xưa: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Chúa đã xức dầu cho tôi. Người sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4,28).

Với lời Kinh Thánh trên đây, chúng ta cầu xin Chúa không ngừng đốt lên ngọn lửa bác ái xót thương trong trái tim chúng ta, nhất là trong những người được sai đi.

Cầu xin để chính những người được sai đi trở thành những ngọn lửa bác ái rực sáng của Thiên Chúa tình yêu giàu lòng thương xót.

Cầu xin, để những người được sai, sẽ làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu của mình, giữa xã hội Việt Nam hôm nay, ít ra cũng bằng những việc bác ái tương tự như người ngoại đạo Samari, mà Chúa Giêsu đã nêu gương trong Phúc Âm hôm nay Lc 10,25-37, (CN XV QN, C).

Ðược như vậy, thì đây là một cơ may cho Giáo Hội và xã hội.

Long Xuyên, ngày 15 tháng 7 năm 2001