Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Tham Dự Tuần Thánh

Năm nay, số người đến nhà thờ tham dự Tuần thánh vẫn sẽ rất đông. Tuần thánh năm nay cũng sẽ diễn tiến với những lễ nghi như mọi năm.

Nhưng không phải vì thế mà mọi người tham dự Tuần thánh đều có những tâm tư giống nhau và giống như năm trước.

Tâm tư mỗi người đang chuyển biến. Do tác động của cuộc sống bản thân, của tình hình gia đình, xã hội, của những biến cố trên thế giới và trong thiên nhiên.

Chuyển biến của tâm tư con người đang gây nên phân hoá. Phân hoá theo những hướng khác nhau. Sẽ có những hướng không thuận lợi cho đời sống đạo đức. Cũng có những hướng sẽ rất thuận lợi cho việc an táng đức tin một cách êm đềm lặng lẽ.

Trong viễn tượng đó, để sự tham dự Tuần thánh trở thành cơ hội tốt cho việc ổn định tâm tư, tôi xin chia sẻ suy nghĩ và kinh nghiệm của tôi về sự gặp gỡ Chúa Giêsu trong Tuần thánh.

Việc quan trọng đầu tiên cần để ý trong việc tham dự Tuần thánh, không phải là giữ luật Phục sinh, tham gia nghi thức, nhưng là để gặp gỡ Chúa Giêsu. Ngài vẫn sống động âm thầm bên cạnh ta và trong lòng ta. Hãy gặp Ngài với tâm tình khiêm tốn cậy tin.

Khi gặp gỡ Chúa Giêsu đang tiếp tục cứu độ nhân loại và đang kêu gọi chúng ta góp phần mình vào việc cứu độ của Ngài, tôi thấy Ngài có kế hoạch riêng của Ngài. Kế hoạch riêng này rất khiêm nhường, trong đó quyền năng của Ngài không được sử dụng theo những cách, mà tâm tư nhiều người mong muốn.

Thí dụ, có lúc tôi tưởng, nếu Chúa dùng quyền năng làm phép lạ cho con cái Chúa được nhiều của cải, đời sống thịnh vượng và Hội Thánh Chúa được giàu sang, thì phép lạ như thế sẽ làm cho nhiều người nên thánh, nhiều dân không biết Chúa sẽ trở về tin thờ Chúa. Nhưng Chúa Giêsu đã không làm thế. Trong sa mạc, Satan đã cám dỗ Chúa dùng quyền năng mình mà làm phép lạ cho các hòn đá trở thành các tấm bánh. Nhưng Ngài đã khước từ. Sự khước từ của Ngài muốn nói: ý nghĩ như thế là ngu xuẩn.

Có lúc tôi mường tượng: Nếu Chúa tỏ bày quyền năng của mình, bằng cách làm cho con cái Chúa vượt qua nguy cơ sự chết một cách nhẹ nhàng, thì danh Chúa sẽ được nhiều người kính phục, Nước Chúa sẽ được mở rộng, nhiều người sẽ ăn năn trở lại. Nhưng Chúa đã không làm thế. Trong sa mạc, Satan đã cám dỗ Chúa dùng quyền năng của mình mà làm phép lạ bằng việc từ nóc đền thờ nhảy xuống, để các thiên thần đỡ khỏi nguy cơ bị thương hay bị chết. Nhưng Chúa đã từ chối. Từ chối của Ngài có nghĩa như loại bỏ một ác ý trá hình.

Có lúc tôi cũng nghĩ: Nếu Chúa tỏ bày quyền năng của mình, bằng cách hạ bệ tất cả những quyền lực nào dám chống Chúa, để rồi đạo Chúa được tự do lan rộng mà không gặp cản trở nào, thì mọi dân mọi nước sẽ qui về một mối dưới vương quyền của Chúa. Nhưng Chúa đã không làm thế. Trong sa mạc, Satan cũng đã dụ Chúa, nếu cộng tác với hắn, hắn sẽ cho tất cả thiên hạ làm gia nghiệp. Nhưng Chúa đã xua đuổi Satan đi. Sự xua đuổi đó tố giác Satan là rất thâm độc.

Trong tuần thánh, Chúa Giêsu cũng đã dứt khoát không sử dụng quyền năng của mình vào những việc bề ngoài coi như vinh quang đắc thắng. Trái lại Ngài đành chịu đói khát, chịu để người ta xúc phạm đánh đập, chịu để cho người ta giết như một người không có quyền sống.

Vậy để cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu đã tỏ bày quyền năng sức mạnh của Ngài ở điểm nào? Thưa ở sự Ngài tuyệt đối gắn bó với Chúa Cha, tuyệt đối vâng ý Chúa Cha, tuyệt đối phó thác mình trong tay Chúa Cha. “Cha ơi, nếu có thể, xin cho chén đắng này rời xa con. Nhưng xin đừng theo ý con, một xin theo ý Cha mọi đàng” (Mt 26,39).

Mà ý Chúa Cha là muốn mạc khải về chính bản tính Thiên Chúa là tình yêu. Một tình yêu hạ mình xuống rửa chân cho các môn đệ để minh chứng là yêu đến cùng (Ga 13,1). Một tình yêu vâng lời cho đến nỗi dám chết một cách khổ nhục nhất, để đền tội cho nhân loại lỗi lầm. Về điểm này, chúng ta nên đọc kỹ những lời thánh Phaolô:

Ðức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà đã không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thánh giá” (Ph 2,6-8).

Khi những lời trên đây của thánh Phaolô thấm nhập vào tâm can chúng ta, nhất là khi cuộc thương khó của Chúa Giêsu đánh thức được lòng chúng ta, chúng ta sẽ gặp được nơi Chúa Giêsu một Thiên Chúa thầm lặng, một Thiên Chúa ẩn dật, nhưng đầy tình yêu thương xót.

Ngài kêu gọi chúng ta hãy biết đón nhận Ngài, đi theo Ngài và lắng nghe Ngài:

Dùng yêu thương để thắng hận thù ghen ghét.

Dùng khiêm nhường để thắng kiêu căng tự phụ.

Dùng phấn đấu phục vụ để thắng an nhàn hưởng thụ.

Dùng tôn trọng sự thực để thắng gian dối u mê.

Dùng cầu nguyện và chay tịnh để thắng ma quỉ.

Những việc đạo đức trên đây và nhiều việc đạo đức khác sẽ làm nên một con sông vô hình, để ơn thánh cứu độ chảy vào các linh hồn. Tất cả những việc đạo đức đó chúng ta làm do động lực vâng phục ý Chúa Cha, theo gương Chúa Giêsu, nên sức mạnh của quyền năng Chúa cứu độ sẽ được Chúa ban xuống rất dồi dào.

Tôi nghĩ rằng: Tâm tư của chúng ta nên được ổn định theo hướng đó. Và cứ thế, dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta luôn có thể nói với Chúa: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Ga 23,46).

Cụ thể là: Trong tay Cha, chúng ta cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình với phẩm chất tốt nhất có thể.

Trong tay Cha, chúng ta dùng mọi cơ hội để cầu nguyện cho Nước Cha đi sâu vào các linh hồn.

Trong tay Cha, chúng ta góp hết sức mình để xây dựng và phát triển mọi lãnh vực của cuộc sống con người và xã hội.

Trong tay Cha, chúng ta sẽ trút hơi thở sau cùng, để bước vào Phục sinh vĩnh cửu với Chúa Giêsu.

Long Xuyên, ngày 22 tháng 3 năm 2002