Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Ðừng Quên Vẻ Ðẹp “Khiêm Nhường”

Người môn đệ chân chính của Ðức Kitô có nhiều vẻ đẹp. Một trong những vẻ đẹp hấp dẫn nhất là đức khiêm nhường.

Có tài đức mà vẫn khiêm nhường. Có địa vị mà vẫn khiêm nhường. Có trí thức mà vẫn khiêm nhường. Ðược khen hay bị chê, họ vẫn bình tĩnh khiêm nhường.

Khiêm nhường trong thái độ. Khiêm nhường trong lời nói. Khiêm nhường trong việc làm. Khiêm nhường trong lựa chọn. Nhất là khiêm nhường trong nội tâm bình an tĩnh lặng.

Khi huấn luyện người môn đệ Chúa về đức khiêm nhường, nhiều sách tu đức khuyên họ hãy năng kiểm tra mình, xem có vết nào là dấu chỉ về một thứ kiêu ngạo nào không. Kiểm tra mình là một bước quan trọng để tập luyện khiêm nhường.

 Kiêu ngạo về những sự tốt đẹp bề ngoài

Những sự tốt đẹp bề ngoài như là y phục, địa vị, chức quyền, tài sắc, gốc gác, tên tuổi. Nhiều khi những cái đó nên cớ cho người ta kiêu ngạo. Khi thứ kiêu ngạo này trở nên thói quen bình thường, thì người ta kiêu căng mà không còn biết ngượng.

Thứ kiêu ngạo này thường bộc lộ qua thói thích phô trương.

Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta về khả năng kiêu ngạo này qua những lời nói về kinh sư: “Anh em hãy coi chừng những kinh sư ưa dạo quanh. Họ xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi chỗ nhất trong đám tiệc” (Mc 12,38-39).

Nếu không tự cảnh giác, biết đâu chúng ta đôi khi cũng để mình theo thói kinh sư, mặc dù với những hình thức tinh vi kín đáo, ngay trong những việc phải là rất thánh.

 Kiêu ngạo về ý muốn

Ðây là thứ kiêu ngạo thường được tượng trưng bằng lời Luciper xưa “Tôi không vâng phục Thiên Chúa”.

Vâng phục thánh ý Chúa, đó là nền tảng của đạo làm con Chúa. Riêng người môn đệ Chúa rất cần để ý đến việc vâng phục thánh ý Chúa. Thường thì chúng ta có tinh thần cảnh giác khá cao khi làm việc và nói năng, nhất là khi lựa chọn. Nhưng chúng ta thường dễ tưởng lầm rằng: Hễ làm việc Chúa là tất nhiên hợp ý Chúa. Xin nhớ lời Chúa cảnh báo nghiêm khắc: “Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỉ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?’. Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố: Ta không hề biết các ngươi. Hãy xéo đi khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7,22-23).

Ðúng là họ đã làm những việc Chúa, nhưng lại làm theo ý riêng mình. Có thể là không đúng ý Chúa về thời gian phải làm, về nơi phải làm, về cách phải làm, nhất là không đúng động lực trong sáng mà Chúa muốn. Theo ý riêng khi làm việc Chúa là một thứ kiêu ngạo, mà người ta dễ mắc phảị Nhất là trong những hoạt động đáng gọi là náo động, ít tĩnh tâm cầu nguyện.

 Kiêu ngạo về lý trí

Ðây là thứ kiêu ngạo rất thường xảy ra nơi cá nhân và tập thể.

Biết ít mà tự phụ biết nhiều.

Biết sai mà tự phụ biết đúng.

Biết thiếu mà tự phụ biết đủ.

Biết nông mà tự phụ biết sâu.

Biết viển vông mà tự phụ biết từ nguồn mạch chính xác.

Thế rồi, với những cái biết như thế, nhiều người lại chia sẻ với người khác và hướng dẫn người khác. Hoặc lại sáng kiến thêm ra những thứ quyền lực và cách giả hình để xây dựng uy tín. Nhất là dùng hiểu biết thiển cận của mình để kết án người khác.

Về thứ kiêu ngạo này, chúng ta nhớ lại lời Chúa Giêsu khiển trách các kinh sư và biệt phái: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và biệt phái giả hình. Các ngươi rảo khắp biển cả đất liền, để rủ cho được một người theo đạọ Nhưng khi họ theo đạo rồi, các ngươi lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các ngươi” (Mt 23,15).

Họ tưởng họ có danh dự về lý trí. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Khi được ánh sáng Chúa dọi vào trí khôn, họ mới thấy vô số sai lầm và nông cạn. Khi trí khôn được Chúa thanh luyện, họ mới nhìn thấy nhiều sự thực, mà Chúa chỉ mạc khải cho những người khiêm tốn (Lc 10,21).

 Kiêu ngạo về đạo đức

Thứ kiêu ngạo này cũng dễ xảy ra. Tự phụ về những việc đạo đức mình làm. Tự phụ về những ân huệ riêng Chúa ban. Tự phụ về những công trình mình xây dựng cho ích chung. Tự phụ vì mình thuộc về cộng đoàn nổi tiếng.

Thứ kiêu ngạo này dễ làm mù loà lòng trí con ngườị Nó khép cửa tâm hồn lại, không cho tình yêu thương xót Chúa đi vàọ Dần dần nó đúc ra những ngẫu thần đặt trong lòng mình và cộng đoàn mình. Ngẫu thần cái tôi. Hậu quả ra sao, chúng ta nhớ lại dụ ngôn hai người cầu nguyện:

Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu. Còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng riêng một mình cầu nguyện rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao người khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần. Con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con’. Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi’. Thầy nói cho các ông biết: Người này khi trở xuống mà về nhà, thì được nên công chính. Còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 17,10-14).

Kinh nghiệm đạo đức cho thấy: Những khi chúng ta tưởng mình đạo đức lại chính là lúc chúng ta đang trong nguy cơ phạm tộị Trái lại, khi chúng ta khiêm nhường, nhận biết mình tội lỗi lại là lúc chúng ta nếm được sự ngọt ngào của Thiên Chúa xót thương. Tình Chúa xót thương này sẽ dạy chúng ta biết yêu mến sự thực và tha thiết với bác áị Chân lý và bác ái trong khiêm nhường.

ù

Một thoáng kiểm tra trên đây có thể giúp chúng ta nhìn thấy đôi chút vết nhơ trên vẻ đẹp khiêm nhường. Muốn biết rõ hơn, chúng ta cần cầu nguyện thực nhiều. Bởi vì kiêu ngạo là một thứ kẻ thù tinh tế khôn ngoan, ưa lẩn trốn trong những vùng sâu của tâm hồn. Khi bị đánh và bị xua đuổi, đôi khi nó chỗi dậy và trở lại với dáng vẻ lịch sự và tử tế hơn trước. Lúc đó, chúng ta rất khó nhận ra. Ðể thấy nó, chúng ta phải vâng lời Chúa dạy: Năng cầu nguyện và hãm mình. Nhất là cần được sinh lại bởi Chúa Thánh Linh, và phấn đấu trở lại tinh thần thơ ấu thiêng liêng: “Thầy bảo thật anh em: Nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì anh em sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,1).

Long Xuyên, ngày 27 tháng 8 năm 2001