Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Liên Hệ Với Người Ðã Qua Ðời

Trong tháng 11 này, tại các cộng đoàn công giáo, bầu khí liên hệ với người đã qua đời trở nên thân mật khác thường.

Người đã chết, tuy xa, nhưng được coi như rất gần. Tuy không hiện hình, nhưng họ được coi như hiện diện sâu xa trong tâm thức người thân. Tuy lặng im, nhưng họ được coi như vẫn nói và nghe trong tình hiệp thông của người còn sống.

Tôi thấy hiện nay tình hiệp thông ấy được thể hiện bằng nhiều cách, đặc biệt bằng hai cách sau đây.

 Cầu nguyện cho người đã qua đời

Người quá cố đã được lên thiên đàng hay chưa, điều đó không thuộc quyền của chúng ta. Chúng ta, nếu thương họ, thì hãy cầu nguyện cho họ. Cầu nguyện thì phải rất kiên trì. Cầu nguyện thì phải luôn luôn khởi sự lại. Cầu nguyện thì phải hết lòng tha thiết. Như Chúa Giêsu đã dạy: “Phải cầu nguyện liên lỉ, không được nản chí” (Lc 8,1).

Chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời để họ mau qua thời gian thanh luyện, và để việc đền tội của họ mau được kết thúc.

Thực vậy, Chúa là Ðấng vô cùng trong sáng. Không ai sẽ được gần lại Ngài, kết hợp với Ngài, nếu còn dơ bẩn. Về điểm này, tôi nghĩ tới điều Chúa Giêsu dạy qua dụ ngôn tiệc cưới (Mt 22,1-14). Vua mời mọi thứ người vào dự tiệc cưới. Nhưng khi rảo qua các bàn, Ngài thấy một số người không mặc áo cưới. Ngài liền đuổi họ ra. Hơn nữa, Ngài còn truyền đưa họ vào “chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 22,13).

Suy gẫm dụ ngôn trên, tôi hiểu về sự người ta cần phải được thanh luyện, để có thể được coi là phần nào xứng đáng tham dự hạnh phúc thiên đàng. Việc thanh luyện sẽ được thực hiện ở đời này. Nếu chưa đủ, người chết sẽ được thanh luyện ở đời sau.

Ngoài việc phải được thanh luyện, người chết thường còn phải chịu việc đền tội. Bởi vì Thiên Chúa là Ðấng công bình. Người thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm (Mt 16,27). Tội có thể được tha, nhưng thiệt hại do tội và hình phạt do tội thì họ phải gánh chịu. Ðiều đó dễ hiểu. Thí dụ ngay ở đời này, việc làm hại kẻ khác bất cứ về phương diện nào đều là tội. Nếu người phạm tội ăn năn sám hối, sẽ có thể được tha tội. Nhưng họ vẫn có bổn phận phải sửa lại thiệt hại do tội và chịu hình phạt do tội. Hoặc cách này hoặc cách khác.

Với những nhận thức như thế, người còn sống chúng ta thường nhìn những thân nhân đã qua đời như những người bất toàn. Họ cần được thanh luyện. Họ cần phải chịu việc đền tội. Ðể cho việc thanh luyện và việc đền tội của họ được nhẹ đi và vắn lại, người còn sống thường xin Chúa thương đến họ. Bằng cách chúng ta xin chịu thay một phần. Như thánh lễ ta xin cho họ, hy sinh ta chịu cho họ, việc từ thiện ta làm chỉ cho họ, lời cầu nguyện ta dâng lên Chúa cho họ.

Một cách tốt giúp họ, mà Chúa rất muốn, đó là chính chúng ta cố gắng sống tốt hơn. Chúng ta tự thanh luyện mình và để Chúa thanh luyện ta. Chúng ta tự đền tội mình và đón nhận việc đền tội Chúa gởi cho ta. Chúng ta tự đền bù mọi thiệt hại ta đã gây ra cho người khác, và sẵn sàng cộng tác với Chúa trong những đền bù đó.

Khi chúng ta làm như vậy, thì vừa là cách chúng ta giúp những người đã qua đời, và cũng vừa là cách chúng ta lo cho chính phần rỗi của chúng ta.

 Cầu nguyện với những người đã qua đời

Nhiều người không những cầu nguyện cho những người đã qua đời, mà còn cầu nguyện với những người ấy.

Chúng ta tin rằng: Những người đã qua đời trong ơn nghĩa Chúa được gần Chúa hơn chúng ta. Họ cũng hiểu những gì hợp ý Chúa hơn chúng ta.

Chúng ta cũng nghĩ rằng: Khi chúng ta cầu nguyện với họ, thì Chúa sẽ cho họ nghe được tâm tình của ta một cách sâu sắc. Nhất là những người chúng ta cầu nguyện lại là những người thân thiết của ta.

Tôi có một kinh nghiệm nhỏ xin được chia sẻ. Tôi hay cầu nguyện với cha mẹ và những người thuộc gia đình tôi đã qua đời. Tôi cũng thường cầu nguyện với những hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ, tín hữu vốn là những bạn bè thân thiết nay đã ra đi. Tôi cũng có thói quen cầu nguyện cho các linh hồn mồ côi, và cầu nguyện với các linh hồn ấy.

Khi cầu nguyện với họ, luôn luôn tôi được họ nhắn nhủ một ý tương tự. Ðó là: Hãy vâng phục thánh ý Chúa. Và thánh ý Chúa hiện nay là hãy cầu nguyện nhiều và hãy hy sinh nhiều. Ðể chính mình được ơn biết rút ra những ích lợi thiêng liêng từ những sai lầm, yếu đuối và từ những thử thách. Ðể chính mình và nhiều người được ơn trở lại. Ðể chính mình và nhiều người được ơn sống đời đền tạ. Vì hiện nay, Chúa bị xúc phạm quá nhiều. Người ta đang đi vào nguy cơ huỷ diệt nhau và tự huỷ chính mình.

Qua kinh nghiệm cầu nguyện với các người đã qua đời, tôi thấy sự hiệp thông trong Hội Thánh mở ra một chiều kích mới.

Có những chân lý được người chết nhắc nhở.

Có những tình hình được người chết báo động.

Có những ơn lành được người chết bầu cử cho.

Tôi coi một số người đã qua đời là những người thân gần gũi. Họ và tôi cùng chung một lý tưởng. Họ và tôi cùng chia sẻ một chuyến đi. Họ đi trước. Tôi đi sau. Kẻ trước người sau đều nhắm vào một đích điểm là nhà Cha. Chúng tôi luôn nâng đỡ nhau, luôn cầu nguyện cho nhau.

Những liên hệ giữa người sống và người đã qua đời không những có thực, mà còn rất mặn mà thắm thiết. Tất cả đều trong một động lực duy nhất, đó là tình yêu Thiên Chúa.

Long Xuyên, ngày 14 tháng 11 năm 2002