Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Những Bước Nhỏ, Nhưng Hậu Quả Lớn

Trong quá khứ, có không ít cộng đoàn tôn giáo, tổ chức kinh tế và chính trị, đã đi tới diệt vong, phá sản. Thảm hoạ đó không do một bước đột ngột, nhưng do nhiều bước từ từ. Thường là những bước nhỏ tha hoá. Bắt đầu còn xa vực thẳm, tưởng không sao. Dần dần tới gần vực thẳm, tưởng vẫn chưa đến nỗi nào. Sau cùng có một bước định mệnh. Bước lao xuống vực sâu. Tự mình rơi, tự mình huỷ mình. Ðám tang kẻ tự huỷ tất nhiên là thê thảm. Ðể lại một nấm mồ lịch sử dạy đời: Ðừng coi thường những bước nhỏ thoái hoá.

Riêng trong lãnh vực tôn giáo, bài học đau đớn đó nên được chúng ta quan tâm suy nghĩ.

Ở đây, tôi xin phép nêu lên vài hình thức bước đi thoái hoá để ta cố tránh:

 1. Bước ra ngoài nền tảng Ðức Kitô

Thánh Phaolô dạy: “Ai nấy phải coi chừng về cách mình xây cất. Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Ðức Giêsu Kitô” (1 Cor 3,10-11). Ngài có ý nói về việc xây dựng chính mình và cộng đoàn mình nên đền thờ của Thiên Chúa.

Quả quyết của Ngài chỉ là một cách nhắc lại một chân lý, mà chính Ðức Kitô đã mạc khải: “Thầy là đường, là sự thực và là sự sống” (Ga 14,6). “Thầy là cây nho, chúng con là ngành. Ngành nào kết hợp với cây, sẽ trổ sinh hoa trái. Vì không có Thầy, chúng con chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Trên thực tế, nhiều cá nhân, nhiều cộng đoàn đã rất ý thức về điều đó. Cuộc sống họ được xây trên nền tảng Ðức Kitô. Họ suy nghĩ, hoạt động trên nền tảng này. Ðức Kitô là trung tâm đời họ. Lời Ðức Kitô, gương Ðức Kitô và chính Ðức Kitô sống trong họ. Tôn giáo của họ là một gặp gỡ sống động và thân mật với Ðức Kitô. Ðấng thiêng liêng gần gũi, mà họ tin là thương họ, gọi họ, chọn họ, chúc lành cho họ, cứu độ họ, dẫn họ về với Cha trên trời, nhờ Chúa Thánh Thần ban ơn đổi mới.

Nhưng chẳng may, có những cá nhân và cộng đoàn, đang khi đề cao vinh quang và lời dạy của bao nhân vật trung gian trên trời dưới đất, nhưng lại coi nhẹ việc học hỏi và thực thi Lời Chúa Giêsu, là Ðấng mà Phụng vụ thánh lễ vẫn đọc: “Chính nhờ Ðức Kitô, cùng với Ðức Kitô và trong Ðức Kitô hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, mọi vinh quang và danh dự đều thuộc về Cha là Thiên Chúa toàn năng đến muôn thuở muôn đời”.

Coi nhẹ là ít gặp gỡ Ngài, ít cầu nguyện với Ngài, ít suy niệm Lời Ngài. Chính vì những bước đi coi nhẹ đó cứ mãi tiếp tục, nên lời Chúa Giêsu cảnh báo xưa kia nay đang ứng nghiệm tại nhiều nơi trong Hội Thánh: “Những ai nghe các lời Thầy nói, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ tan tành” (Mt 7,26-27).

 2. Bước ra ngoài giới răn mới của Chúa Giêsu

Giới răn căn bản Chúa Giêsu dạy ta là giới răn bác ái. Ngài gọi nó là giới răn mới. “Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con thương yêu nhau” (Ga 14,34). Mới ở chỗ “hãy thương yêu nhau như chính Thầy đã yêu thương các con” (Ga 14,34).

Chúa Giêsu coi giới răn yêu thương là đặc điểm của những ai thuộc về Ngài “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con thương yêu nhau” (Ga 14,35).

Khi ca tụng đức ái, thánh Phaolô nói: “Ðức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu. Không ghen tương, không huênh hoang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù. Không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Ðức ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cor 13,4-7).

Khi nắm vững nội dung giới răn mới của Chúa Giêsu rồi, chúng ta hãy nhìn vào thế giới.

Hiện tình nhân loại nhiều nơi có vẻ như đang bước ra ngoài giới răn bác ái. Thực vậy, đang hình thành một bầu khí nghi ngờ nhau, ghen tương nhàm chán nhau, giả dối với nhau, lợi dụng nhau, bới móc nhau, hiềm khích nhau, bất cần nhau.

Bầu khí ô nhiễm đó cũng đang tìm vào nhiều cộng đoàn tôn giáo, kể cả gia đình công giáo.

Trước một tình hình như vậy, các môn đệ Chúa, nếu không ngăn được đà thoái hoá về bác ái đang lan rộng, thì chính mình hãy vững bước đi đúng giới răn bác ái của Chúa. Ánh sáng sẽ đẩy lùi bóng tối. Nếu mỗi người chúng ta là một Bài ca hoà bình của thánh Phanxicô, thì từng bước, tình hình đen tối sẽ có những đốm sáng hiện lên. Dần dà Chúa sẽ làm sáng lên một nền văn minh của tình yêu chân chính. Nhưng, nếu chúng ta cũng bước ra ngoài giới răn yêu thương của Chúa, tuy dù chỉ với những bước nhỏ, mỗi ngày chỉ vài bước thôi, thì hậu quả sẽ rất lớn. Thảm hoạ sẽ xảy ra. Chúng ta có một phần trách nhiệm.

 3. Bước ra ngoài con đường khiêm tốn của Chúa Giêsu

Ðức Giêsu của chúng ta, đã tự giới thiệu mình là Ðấng hiền lành và khiêm nhường (Mt 12,29). Khiêm nhường của Ðức Kitô là luôn luôn hạ mình xuống. Hạ mình xuống một cách hết sức sâu xa lạ lùng. Thánh Phaolô viết: “Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại muốn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thánh giá” (Pl 2,4-8).

Chính sự khiêm nhường và yêu thương của thánh giá đã là sức mạnh chiến thắng ma quỉ và sự kiêu ngạo, ghen ghét, mở cửa vào sự sống mới là Nước tình yêu vĩnh cửu. Vì thế, cho dù nhiều người phô trương đi theo những con đường vinh quang khác, thánh Phaolô vẫn khẳng định sự phải đi theo con đường Chúa Giêsu đã chọn. Ngài nói: “Lời rao giảng về thánh giá là một điên rồ đối với những kẻ đang trên đã hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó là sức mạnh của Thiên Chúa” (1 Cor 1,18).

Hiện nay, đó đây đang xuất hiện những hình thức cạnh tranh và đấu tranh không lành mạnh về địa vị, và vinh quang ngoài vinh quang thánh giá. Ở đời, đó là thói quen coi như bình thường của đời. Nhưng trong đạo, nhất là trong phạm vi các người tu, nếu đó lại trở thành một thói quen cũng bình thường, thì thực là một tai hoạ. Thêm vào đó, còn tự tạo ra những vinh quang ảo, tự mãn với với những hào quang giả. Nếu nhiều người chúng ta cứ thói quen đó, mà nối bước nhau, thì không tránh được thảm hoạ cho cộng đoàn và cho chính cá nhân mình.

Chúa Giêsu đã rất biết, cả những phô trương, có vẻ như rất hiền, nhưng lại có thể là thuốc độc tàn phá toà nhà đạo đức. Vì thế Chúa dạy: hãy làm việc đạo đức một cách khiêm nhường. “Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả, chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật: Chúng đã được phần thưởng rồi. Còn con, khi cầu nguyện, con hãy vào phòng, đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha của con, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của con, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho con” (Mt 6,5-6).

Chúa Giêsu cũng nói như vậy về ăn chay (Mt 6,16-18) và làm việc từ thiện (Mt 6,1-4).

 4. Bước vào niềm hy vọng mới

Tôi có cảm tưởng là hiện nay, vì thương Hội Thánh, Chúa đang dùng nhiều cách, kể cả những cách gây nhục nhã đớn đau, để thanh luyện Hội Thánh. Lúc này hơn bao giờ hết, Hội Thánh ý thức: Chính những người của Hội Thánh đang rất cần được cứu độ, chính người người của Hội Thánh cần được thánh hoá hằng ngày, trước khi nói đến chuyện mình vinh dự đi cứu độ và thánh hoá thế gian.

Mầu nhiệm Hội Thánh sẽ luôn luôn là mầu nhiệm đã xảy ra cho thánh Phêrô đấng Chúa chọn đứng đầu Hội Thánh. Có lúc Ngài đã chủ quan tự hào mình đạo đức vững vàng, đã tuyên xưng đức tin một cách mạnh bạo, đã dám coi mình trung tín đến cùng. Nhưng Ngài đã té ngã một cách thê thảm. Chối Thầy đến ba lần, trước những áp lực chẳng nặng nề là bao. Nhưng Chúa Giêsu đã đoái nhìn Ngài. Ngài đã khóc lóc ăn năn. Ngài là thánh, ở chỗ đã sa ngã nhưng đã được ơn trở lại. Chúng ta cũng là những người tội lỗi được ơn trở về. Hội Thánh gồm những người như vậy. Nhìn nhận sự thực đó chính là sự thánh thiện, có sức truyền bá Tin Mừng, chứ không phải nhờ những phô trương quyền lực và tự hào về những lý thuyết và chủ trương thánh thiện của mình.

Tôi vẫn nghĩ rằng: Phép lạ lớn nhất hiện nay là những tâm hồn được đổi mới một cách âm thầm. Họ được tái sinh trong Chúa Thánh Thần. Sự sinh lại này được thực hiện một cách hết sức thầm lặng khiêm tốn.

Cây to đổ xuống thì gây nên tiếng động lớn. Cây mọc lên thì âm thầm, lặng lẽ. Thành ra nhiều khi tiếng động lớn lại là dấu hiệu một sự sụp đổ lớn.

Mùa Xuân thiêng liêng đang mở rộng nhờ những bước đi nhỏ âm thầm khiêm tốn, theo sự hướng dẫn linh động của Chúa Thánh Thần “Gió muốn thổi đâu thì thổi. Người ta nghe tiếng gió nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thánh Thần sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3,8).

Tất nhiên, Chúa Thánh Thần trong việc tái sinh chúng ta sẽ không miễn cho chúng ta nhiệm vụ phải phấn đấu với chính mình, phải thường xuyên cầu nguyện và tỉnh thức, nhất là khi Chúa để cho ma quỉ tiến công để thử thách ta trên đường ta quyết tâm đi theo Chúa trọn đời.

Nên nhớ điều này: Nếu chính mình ta không hết sức phải tìm ơn tái sinh, thì những bước nhỏ thoái hoá sẽ lại dần dần đưa ta tới vực thảm hoạ, như trường hợp Salomon xưa.

Long Xuyên, ngày 29 tháng 7 năm 2002