Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Những Suy Nghĩ Của Nhà Truyền Giáo

Ga 1,29-34

Trong số mười tân chức của chúng ta, sẽ có một người được sai đến một địa điểm truyền giáo rất xa, một địa điểm truyền giáo rất nghèo, một địa điểm truyền giáo rất đáng thương, người đó là Cha Vincentê Phạm Thái Hòa.

Khi tôi sai Cha đến địa điểm truyền giáo ấy, tôi biết rằng cha có thiện chí phục vụ, cha có khả năng phục vụ, và cha biết cách phục vụ. Ðể hỗ trợ cha trên đường truyền giáo, giờ đây tôi muốn chia sẻ với cha, cũng như với tất cả cộng đoàn tham dự lễ mở tay của cha, một vài suy nghĩ của tôi, rút ra từ những bài Thánh Kinh trong thánh lễ hôm nay: Ngày 3 tháng giêng.

Suy nghĩ thứ nhất của tôi là: Chúa muốn chúng ta, nhất là những người truyền giáo, khi đến một vùng có đông người lương dân, hãy biết coi bất cứ ai thực hành sự công chính, đều bởi Ðức Kitô mà ra.

Thực vậy, trong thư thứ nhất của Thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe, có một câu Ngài viết rằng: “Các con tin Ðức Kitô là Ðấng công chính, nên các con biết rằng: Bất cứ ai thực hành sự công chính, đều bởi Ðức Kitô mà sinh ra”.

Câu nói trên đây của Thánh Gioan là một chân lý có cơ sở lời Chúa. Chân lý này cho phép tôi có một cái nhìn cởi mở và lạc quan. Bởi vì khi tôi đến những vùng truyền giáo đông người lương dân, tôi gặp thấy không thiếu những người ngoại đạo, có một đời sống công chính tương đối khá cao, nhiều khi còn hơn đời sống người Công Giáo.

Tôi thấy có những người lương có tâm hồn bác ái, làm những việc từ thiện, giống như người ngoại đạo Samaritanô tốt lành, mà Chúa đã khen trong Phúc Âm.

Tôi thấy có những người lương đã đến cầu nguyện với Chúa, bởi một lòng tin rất mạnh, giống như viên sĩ quan ngoại giáo mà Chúa đã khen trong Phúc Âm.

Tôi thấy có những người lương, khi được ơn Chúa đã cảm tạ Chúa, giống như người cùi được Chúa chữa lành, mà Chúa đã khen trong Phúc Âm.

Nếu bất cứ ai thực hành sự công chính, đều bởi Ðức Kitô mà ra, như lời Thánh Kinh dạy hôm nay, thì tôi phải kết luận rằng, những người lương xung quanh chúng ta, khi sống tốt đời sống của mình, họ đều bởi Ðức Kitô mà ra, họ thuộc về Ðức Kitô, mặc dầu họ không hay biết.

Nhận thức trên đây cho chúng ta thấy, nhất là những người truyền giáo nhận thấy: Nước Trời, Nước Thiên Chúa, mà Ðức Kitô thường hay nói trong Phúc Âm, là một nước rất bao la. Nước Trời, Nước Thiên Chúa, vượt quá biên giới Hội Thánh hữu hình. Nước Thiên Chúa là ở trong lòng những người thực thi sự công chính, cho dù họ là người lương, họ vẫn có sự hiện diện của Thiên Chúa, vẫn có hoạt động của Chúa. Và những người như vậy đáng cho các nhà truyền giáo coi là những cộng tác viên tốt của Ðức Kitô, trên con đường truyền giáo của mình.

Suy nghĩ thứ hai của tôi, là Chúa muốn: Khi chúng ta dạy đạo cho những người tin theo Chúa, hãy cố gắng giúp cho họ nhìn rõ dung nhan thực sự dễ thương của Ðức Kitô, là Con Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian.

Thực vậy, trong bài Phúc Âm hôm nay, có lời chép rằng: Khi Ðức Kitô đến với Gioan Baotixita, thì Gioan Baotixita nói với đám đông rằng: “Ðây Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian”. Một câu giới thiệu đơn sơ, vắn gọn, nhưng rất đầy đủ, và có sức mạnh lôi cuốn quần chúng đến với Ðức Kitô.

Qua lời giới thiệu của Gioan, chúng ta thấy: Ðức Kitô là một con người hiền lành, khiêm tốn, đầy bác ái, Ngài đến trong thế gian là để cứu rỗi nhân loại. Chính Ðức Kitô cũng đã xác định: “Tôi đến không để buộc tội ai, mà tôi đến để cứu rỗi những gì đã hư mất”. Không những Chúa Giêsu dùng lời nói để xưng mình là Thiên Chúa cứu độ, mà Ngài còn dùng việc làm, dùng đời sống của mình, và sự hy sinh mạng sống của mình, để cho mọi người thấy: Ngài là Con Thiên Chúa, Tình Yêu cứu độ, và với mục đích cứu con người khỏi tội lỗi, Chúa Kitô đã làm bao nhiêu việc lành, để giúp con người thoát khỏi mọi sự dữ, do tội gây nên, hay những sự dữ dẫn tới tội lỗi. Vì thế, Chúa làm cho người ta có bánh ăn, Chúa cứu người ta khỏi bệnh tật, Chúa giải phóng người ta khỏi mặc cảm tinh thần.

Nếu Chúa Giêsu là Tình Yêu cứu độ, hiền lành, khiêm tốn, đầy bác ái, thì chúng ta những người truyền giáo, không còn cách nào khác để chọn lựa khi giới thiệu Ðức Kitô với dân chúng, ngoài cách nói cho đúng: “Ðức Kitô là tình yêu cứu độ, đạo của Ðức Kitô là đạo của tình yêu cứu độ. Hội Thánh của Ðức Kitô là Hội Thánh của những người sống tình yêu cứu độ”. Chỉ có cách đó mới giới thiệu được Ðức Kitô, mới giới thiệu được khuôn mặt của Hội Thánh, và mới có sức mạnh thuyết phục những người dân tin vào Ðức Kitô, vào Hội Thánh của Người. Tối hôm qua, đài truyền hình Việt Nam có chiếu lên hình ảnh Mẹ Têrêsa với những lời trân trọng mến thương.

Chúng ta biết Mẹ Têrêsa nổi danh về lòng bác ái, từ thiện, khi tôi nhìn thấy Mẹ Têrêsa được đài truyền hình Việt Nam chiếu lên ngày đầu năm 1992, tôi có cảm tưởng đó là tín hiệu Chúa gởi cho tôi, cho các nhà truyền giáo Việt Nam, và nhắn nhủ chúng ta rằng: Cái ngôn từ thích hợp nhất để nói về đạo Công Giáo trong nước Việt Nam hôm nay trong thời điểm này, trong năm 1992 này, chính là đời sống bác ái, yêu thương, đời sống hiền lành khiêm tốn của những người có đạo, của những người truyền đạo.

Suy nghĩ thứ ba của tôi là Chúa muốn cho tất cả những ai muốn nên thánh, và đặc biệt là những người hoạt động truyền giáo, cần phải biết hy vọng, phó thác nơi Ðức Kitô.

Thực vậy, trong bài Thánh Kinh chúng ta vừa nghe, thánh Gioan tông đồ nói rằng: “Bất cứ ai hy vọng vào Ðức Kitô sẽ tự thánh hóa mình, vì Ðức Kitô là Ðấng thánh”.

Lòng cậy trông, phó thác, luôn luôn cần cho một tín hữu. Nó càng cần hơn cho một linh mục, tu sĩ. Và nó càng rất cần cho những người truyền giáo.

Bởi vì trong những nơi truyền giáo chẳng hạn, như trong địa điểm cha mới sắp đến, người truyền giáo nhiều khi cảm thấy mình rất cô đơn, không còn tìm được một điểm tựa nào, không tìm được một anh em linh mục nào, để tâm sự, để trao đổi, để bàn hỏi, ngay cả đến xưng tội, cũng không tìm được. Rồi sẽ không tìm được người thân nào để có thể tin được, để mà tâm sự những chuyện riêng ta. Có khi cũng không tìm được một cách nào, để giải quyết những trường hợp bế tắc về vật chất và về tinh thần, về tôn giáo và về xã hội. Chỉ có một con đường duy nhất trước mặt, đó là cậy trông phó thác vào Ðức Kitô, như lời thánh Gioan đã dạy: Phó thác bản thân mình, phó thác trách nhiệm của mình, và hiến dâng cả sự hèn yếu, tội lỗi của mình. Cậy trông tuyệt đối vào Ðức Kitô như Ðức Mẹ xưa trong khi Ngài nói lời “Fiat” để tuân phục thánh ý Chúa Cha. Cậy trông trọn vẹn, cậy trông không điều kiện, cậy trông mãi mãi. Ðó là con đường thánh hóa mà nhà truyền giáo cần phải nắm vững.

Lúc nãy, khi cộng đoàn hát bài “Cậy trông vào Chúa”, tôi thầm cầu nguyện cho cha mới được luôn luôn cậy trông vào Chúa. Vì sẽ có nhiều thử thách đợi chờ, mà chỉ có phương tiện cậy trông vào Chúa, mới có thể giải quyết được mà thôi.

Ba suy nghĩ trên đây là những gì chân thành nhất, là những gì thiết thực nhất tôi gởi tới cha mới, tôi gởi tới các anh em linh mục của tôi, và với các anh chị em, những người con cái của tôi. Với những gì chân thành ấy, với những gì thiết thực ấy, tôi tin rằng Ðức Kitô đang đến giữa chúng ta, để Ngài đồng hành với chúng ta, nhất là để đồng hành với cha mới trên con đường truyền giáo.

Tôi nghĩ rằng được Chúa Kitô đồng hành với mình, đó là một vinh dự lớn, đó là một an ủi vô bờ, đó là một bảo đảm tuyệt đối để lên đường, để ra đi vì danh Chúa, vì phần rỗi các linh hồn.

Lạy Chúa, này con đây, con ra đi, để thực thi ý Chúa.

Lễ mở tay tân linh mục Vincentê Phạm Thế Hoà,
Thạnh An ngày 3/1/1992