Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Chờ Ðợi Chúa Ðến

Chiều hôm qua tôi ghé lại nhà thờ Thạnh An nầy. Tôi thấy các em và những người phụ trách đang tích cực chuẩn bị cho cuộc lễ Thêm Sức hôm nay. Và từ lúc nãy cho đến bây giờ, tôi thấy công việc chuẩn bị đi vào chiều sâu của tâm hồn.

Chuẩn bị cho lễ Thêm Sức: Ðó là việc mà anh chị em đã làm từ nhiều ngày nay, với nhiều nhiệt tình, và bằng nhiều cách. Tất cả những chuẩn bị như vậy đều rất tốt.

Riêng tôi, mỗi khi sắp sửa làm lễ Thêm Sức, tôi cũng chuẩn bị chính bản thân tôi. Tôi muốn nói về sự chuẩn bị tâm hồn mình. Tôi đã chuẩn bị tâm hồn tôi thế nào? Ðó là điều tôi muốn chia sẻ với anh chị em hôm nay cách chân tình vắn tắt. Thưa anh chị em.

Tôi phải nói ngay rằng: Sự chuẩn bị của tôi, tập trung vào tâm tình khát khao chờ đợi Chúa đến. Bởi vì tôi quan niệm rằng: Mong chờ Chúa, chờ đợi Chúa, đó là điều căn bản nhất của lời Chúa truyền dạy cho các Tông Ðồ để chuẩn bị phép Thêm Sức.

Bài đọc 2 “Tông Ðồ Công Vụ” mà chúng ta vừa nghe lúc nãy có kể lại rằng: Trong một bữa ăn, Chúa Giêsu truyền cho các Tông Ðồ: “Chớ rời khỏi Giêrusalem nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha hứa ban”.

Rồi bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe cũng ghi lại lời Chúa truyền cho các môn đệ: “Các con hãy chờ đợi Ðấng phù trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến với các con, nhân danh Thầy”.

Chờ đợi Chúa Thánh Thần đến, đó là lệnh truyền của Chúa Kitô. Chờ đợi Chúa Thánh Thần đến, đó là thánh ý rõ ràng nhất Chúa Giêsu để lại, giúp cho chúng ta chuẩn bị lễ Thêm Sức.

Ðợi chờ Chúa Thánh Thần, không có nghĩa là dửng dưng. Trái lại, đợi chờ là mong mỏi, đợi chờ là khao khát. Các môn đồ Chúa Kitô, khi tụ họp nhau lại trong tuần, đợi chờ Chúa Thánh thần, thì không có ý cùng nhau bàn luận xem cách nào để xây dựng Hội Thánh, cách nào để đi truyền giáo, mà chỉ vâng lời: Tụ họp lại, để chờ đợi Chúa Thánh Thần đến. Các Ngài đã diễn tả sự chờ đợi ấy bằng lời cầu nguyện.

Kinh Thánh không cho chúng ta biết các Tông Ðồ đã đọc những kinh gì. Nhưng theo nội dung các điều trước sau ghi trong Kinh Thánh, tôi hiểu rằng: Các Tông Ðồ đã diễn tả lòng mong đợi Chúa Thánh Thần đến, bằng cách hướng tâm hồn mình lên Chúa, và nói với Chúa niềm tin của mình.

Hoặc là nói với Chúa niềm tin của mình vào lời Chúa hứa: Lạy Chúa, Chúa đã hứa chắc chắn rằng: Ðấng phù trợ sẽ đến. Con tin là như vậy. Xin Chúa giữ lời Chúa hứa. Con tin chắc rằng, sự gì Chúa hứa, Chúa sẽ thực hiện. Lạy Chúa, xin Chúa mau đến.

Hoặc là nói lên niềm tin của mình vào lòng thương xót Chúa: Lạy Chúa, con tin Chúa thương con trước khi con biết Chúa. Con tin Chúa thương con đang khi con còn chìm trong tội lỗi. Xin Chúa đến với con.

Hoặc là các Tông Ðồ nói với Chúa niềm tin của mình và những ơn Chúa Thánh Thần sẽ ban cho: Lạy Chúa, Chúa là Ðấng dạy dỗ mọi sự, Chúa là Ðấng ban sức mạnh, Chúa là Ðấng an ủi, Chúa là Ðấng soi sáng, chúng con rất cần đến Chúa. Lạy Chúa, xin Chúa mau đến.

Hoặc là các Ngài nói về niềm tin của mình vào ơn Chúa ban cho mình: Lạy Chúa, con tin Chúa là gia nghiệp đời con. Con tin Chúa là hạnh phúc của con. Con tin Chúa là niềm hoan lạc của con. Con cần Chúa sống trong con. Con cần Chúa sống bên con. Nói với Chúa về niềm tin của mình, đó là những lời cầu nguyện tha thiết nhất, chân thành nhất phát xuất từ đáy tâm hồn mình. Cầu nguyện như vậy là việc rất tốt để chuẩn bị đón chờ Chúa Thánh Linh.

Nhưng, các Tông Ðồ chưa cho những việc đó là đủ, các Ngài còn diễn tả sự mong chờ Chúa đến bằng cách chia sẻ tâm tình bác ái với nhau. Sách Tông Ðồ Công Vụ cũng ghi lại rằng: Khi các môn đệ Chúa tụ họp nhau cầu nguyện, thì các Ngài sống bên nhau, chia sẻ cho nhau hy vọng và lo âu của mình, và cùng hợp tâm hợp ý với nhau, hướng lòng lên đợi chờ Chúa.

Chia sẻ tâm tình bác ái như vậy, là một sự hiệp thông huynh đệ.

Hiệp thông huynh đệ là các Ngài chấp nhận nhau, mặc dù trong các Ngài có những người giàu, có những người nghèo, có những người đạo đức và có những người tội lỗi, khô khan.

Hiệp thông huynh đệ còn là biết tha thứ cho nhau, vì sống bên nhau, tránh sao cho khỏi những va chạm.

Rồi hiệp thông huynh đệ, còn là nâng đỡ nhau, lo lắng cho nhau, quan tâm phục vụ lẫn nhau và chu toàn bổn phận riêng của mình đối với cộng đoàn.

Ðợi chờ Chúa Thánh Linh bằng sự khát khao mong mỏi Chúa, cầu nguyện và hiệp thông huynh đệ. Ðó là điều tôi thường làm và cố gắng làm mỗi khi tôi làm phép bí tích Thêm Sức.

Lúc nãy, trời đổ mưa lớn. Khi nhìn thấy trời mưa toan phá hủy cuộc rước và những sinh hoạt bề ngoài dự định cho cuộc lễ hôm nay, tôi có cảm tưởng rằng: Chúa muốn xóa đi, bớt đi những cái chuẩn bị bề ngoài, để linh hồn ta trở về chiều sâu hơn bên Chúa, để biết chờ đợi Chúa Thánh Thần một cách chân thành và sâu sắc hơn, bằng sự tăng cường lời cầu nguyện, bằng cách tâm tình nói năng, niềm tin với Chúa và bằng sự hiệp thông huynh đệ với nhau.

Giờ đây, chúng ta cử hành bí tích Thêm Sức, chúng ta cũng hãy khiêm nhường đón chờ Chúa. Chúa Thánh Thần không phải là Ðấng mà chúng ta sai lúc nào thì Ngài phải đến lúc đó. Chúa Thánh Thần không phải là một đồ vật mà chúng ta có thể mua được bằng các việc chúng ta làm. Ngài đến giờ phút nào, bằng cách nào, chúng ta không biết.

Nhiệm vụ chúng ta chỉ phải là đợi chờ, cầu nguyện và dọn lòng mình cho bác ái nhiều hơn, để khi Ngài đến, chúng ta biết nhận ra Ngài, đón nhận Ngài.

Vì thế, trong giờ phút trọng đại này, chúng ta tin Chúa Thánh Thần đang gõ cửa lòng chúng ta, chúng ta hãy tăng cường lòng tin, cậy, mến và chúng ta hãy cầu nguyện thầm lặng trong tâm hồn.

Xin Chúa đến. Xin Chúa đến với ta. Xin Chúa đến với con em chúng ta. Xin Chúa đến với tất cả cộng đoàn chúng ta. Amen.

Lễ Thêm Sức, Thạnh An ngày 5/8/1992