Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Phục Vụ

Ga 2,1-11

Cách đây ít năm, một tạp chí Công Giáo ở Pháp, có tung ra một cuộc thăm dò dư luận, về mô hình đạo đức. Câu hỏi được đặt ra là: Theo ý bạn, thế nào là con người đạo đức. Kết quả cho thấy: Phần đông nghĩ rằng: Con người đạo đức là con người biết sống có ích lợi cho kẻ khác. Con người đạo đức là con người biết cứu giúp kẻ khác một cách có hiệu quả.

Theo cách suy nghĩ trên đây, thì cái thước mà người thời nay dùng để đo lòng đạo đức, chính là tinh thần phục vụ và khả năng phục vụ.

Thiết tưởng cách suy nghĩ trên đây không mới mẻ gì. Ngay thời Chúa Giêsu, người ta cũng đã nghĩ như vậy, và xem ra Chúa cũng đã công nhận cách suy nghĩ đó là đúng đắn. Bằng chứng là bài Phúc Âm hôm nay. Tiệc cưới Cana hôm đó, là một dịp Chúa dùng để giới thiệu Ðức Giêsu.

Vậy, Ðức Giêsu đã được giới thiệu thế nào?

Thưa, qua phép lạ biến nước thành rượu, Chúa Giêsu được giới thiệu như một người có tinh thần phục vụ, có khả năng phục vụ. Một người biết sống ích lợi cho kẻ khác, một người biết cứu giúp kẻ khác một cách có hiệu quả. Cũng nhờ đức tính ấy mà Ðức Kitô được dân chúng mến mộ, coi là một người có đạo đức thực sự, khác với kiểu đạo đức của Pharisêu xưa chỉ nặng về hình thức.

Cũng theo hình ảnh trên đây, Chúa Giêsu đã tự giới thiệu mình trong bài giảng đầu tiên tại hội đường. Người nói: Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người bệnh tật, giải phóng cho các tù nhân, an ủi những kẻ ưu phiền.

Tôi thấy Ðức Mẹ cũng suy nghĩ theo hướng ấy: Trong kinh tạ ơn của Ðức Mẹ, ta thấy Ðức Mẹ hoan hỉ vì được Thiên Chúa cứu độ nhìn đến mình.

Sở dĩ bây giờ, tôi chia sẻ với anh chị em mấy nhận xét trên đây, là vì tôi muốn anh chị em để ý nhiều hơn đến một cách sống đạo vừa hợp Phúc Âm, vừa hợp với tâm lý xã hội thời nay, đó là tinh thần phục vụ, khả năng phục vụ.

Nói đến phục vụ, tôi xin kể ra một vài hình thức mà tôi thấy được ở các họ đạo, trong địa phận chúng ta. Có nơi phục vụ là đổ công, đổ sức vào việc xây dựng các cơ sở như: nhà thờ, tháp chuông, nhà xứ, đài Ðức Mẹ, đài các thánh. Có nơi phục vụ là tập trung thời giờ vào việc học giáo lý, đọc kinh, xem lễ. Có nơi phục vụ là góp phần nâng cao trình độ văn hóa và mở mang kinh tế địa phương. Có nơi phục vụ là ưu tiên đào tạo giới trẻ tại trường, tại nhà thờ, tại gia đình, để mỗi họ đạo, mỗi gia đình, có được những người nhiều khả năng phục vụ, giàu tinh thần phục vụ.

Tôi thấy các hình thức trên đây đều có lý do của nó. Nhưng, xét theo tình hình hiện nay của Ðất Nước, thì cách phục vụ sau cùng là cần thiết hơn. Ðó là đào tạo con người, đầu tư vào con người, để cho có nhiều người có tinh thần phục vụ, có khả năng phục vụ.

Cách đây mấy ngày, tôi theo dõi chương trình những bông hoa nhỏ trên truyền hình. Chương trình hôm đó là dạy cắm hoa. Tôi thấy rất nhiều hoa đẹp. Nhưng một điều làm tôi ngỡ ngàng đến ngã lòng, là tôi thấy tất cả những người trong lớp học cắm hoa, từ người dạy cho đến những người học, đều có một thái độ cằn cỗi, nghiêm nghị, lạnh lùng. Tôi nhìn khắp lớp mà không tìm được một nụ hoa trên ánh mắt, trên môi miệng, trên nét mặt của những người đang bắt hoa làm đẹp cho mình.

Cảnh tượng đó gợi cho tôi thấy rằng: Tinh thần phục vụ của Ðức Kitô là rất đẹp, đẹp hơn tất cả những bông hoa đẹp nhất. Nhưng nếu chỉ đẹp trong sách, trên bàn thờ, trong thánh đường, mà không đi vào nội tâm ta, không thấm được vào tâm hồn ta, thì dù ta làm công việc phục vụ lớn lao đến mấy, chúng ta vẫn thiếu đi một vẻ đẹp sinh ơn cứu độ, có sức truyền giáo.

Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta cần phải biết đón nhận tinh thần phục vụ của Ðức Kitô. Có tinh thần ấy, dù chúng ta sống trong hoàn cảnh nào, dù chúng ta có tư bề bế tắc, chúng ta vẫn biết phục vụ Chúa, phục vụ các linh hồn, phục vụ Hội Thánh, phục vụ Ðất Nước.

Giờ đây, chúng ta chuẩn bị đón nhận tinh thần của Ðức Kitô. Chúng ta đón nhận Thánh Linh vào lòng, bằng sự chúng ta khiêm tốn cậy trông và khao khát đón chờ Thiên Chúa. Xin Ðức Mẹ là quan thầy họ đạo chúng ta, dọn lòng chúng ta để chúng ta xứng đáng đón nhận Ðức Kitô, Thánh Linh của Ngài. Amen.

Lễ Thêm Sức, Long Xuyên ngày 23/8/1992