Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Tái Truyền Giáo

Ga 5,17-30

Trong cuối bài Phúc-âm hôm nay, có lời Chúa Giêsu phán rằng: “Ta không tìm ý riêng Ta, nhưng Ta tìm ý Ðấng đã sai Ta”.

Khi đọc lời Chúa Giêsu phán trên đây, tôi đã nói với Chúa Giêsu rằng: Lạy Chúa, con cũng tìm thánh ý Chúa. Thực tế là hôm nay, con đến làm lễ tại xứ Bắc Xuyên này, con muốn giảng những gì là ý Chúa mà thôi. Vậy xin Chúa soi sáng cho con biết, ý Chúa muốn con nói những gì. Tôi hỏi Chúa như vậy, và Chúa trả lời trong lòng tôi rằng: Hãy tìm ý Chúa ngay trong nội dung bài Phúc-âm hôm nay.

Tôi đã vâng lời Chúa, đọc lại bài Phúc-âm và tôi thấy bài Phúc-âm hôm nay nói về công việc tái truyền giáo của Chúa Giêsu cho những người có đạo tại Do Thái xưa. Tái truyền giáo là một công việc mà thánh ý Chúa Cha muốn cho Chúa Con làm. Tái truyền giáo cũng là một công việc mà Chúa muốn cho tôi, cho các cha, các tu sĩ, anh chị em, hãy thực hiện đối với bản thân mình, đối với giáo đoàn của mình hôm nay.

Tái truyền giáo ở những điểm nào ?

Tôi đọc bài Phúc Âm hôm nay tôi thấy: Ðiểm sai trái cũ kỹ mà Chúa Giêsu nhận thấy ở nếp sống người có đạo, dân Do Thái thời đó:

Một sai trái thứ nhất là: Quan niệm làm sáng danh Chúa.

Theo họ, thì làm sáng danh Chúa là chú trọng nhiều nhất, đến những cái gì là Thánh, ít quan tâm đến cái gì là con người.

Phúc Âm hôm nay kể: Vì Chúa Giêsu làm phép lạ cứu kẻ đau liệt ngày Sabbat là ngày Thánh, nên dân Do Thái kết tội Ngài vào tội phạm đến ngày Thánh.

Rồi Chúa Giêsu vì xưng mình là con Thiên Chúa được sai đến làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu, thì bị dân Do Thái kết vào tội phạm đến Danh Thánh.

Trước quan niệm cũ kỹ sai trái ấy, Chúa Giêsu không bác bỏ sự người ta phải quan tâm đến những sự Thánh. Tuy nhiên, Ngài muốn lưu ý dân Do Thái, hãy lưu ý nhiều hơn đến sự làm sáng danh Chúa bằng cách quan tâm lo cho con người hơn.

Vinh quang Thiên Chúa là ở con người, vinh quang Thiên Chúa là khi con người nhận ra Thiên Chúa là tình yêu. Vinh quang Thiên Chúa là khi con người đón nhận được Ðức Kitô vào tâm hồn mình. Ngài là con Thiên Chúa đến cứu độ. Vinh quang Thiên Chúa là khi con người chia sẻ được sự sống của Thiên Chúa tình yêu. Vinh quang Thiên Chúa là khi con người biết rao giảng Tin mừng cứu độ cho những người xung quanh mình. Vinh quang Thiên Chúa là khi con người có sự sống Thiên Chúa trong mình, biết thiết lập những dây quan hệ bằng nền văn minh dựa trên tình yêu Thiên Chúa. Vinh quang Thiên Chúa là ở con người.

Quan niệm trên đây đã được Chúa Giêsu đưa ra, để đổi mới quan niệm cũ kỹ của dân Do Thái: Lấy sự Thánh là nơi biểu lộ vinh quang Thiên Chúa. Nhưng vì cái quan niệm cũ ấy đã trở thành nếp suy nghĩ và nếp sống, nên khi Chúa Giêsu giảng khác đi, họ không những không chấp nhận dễ dàng, mà còn chống đối Ngài. Chống đối Ngài vì Ngài đã làm tỏ rõ thêm một cái sai trái khác. Ðể bênh đạo một cách quyết liệt, sốt sắng, hăng say, nhiệt thành, họ đã loại trừ những ai không quan điểm tôn giáo với họ. Họ loại trừ bằng hận thù, oán ghét. Họ loại trừ bằng sự tìm cách giết đi.

Phúc Âm hôm nay nói: Dân Do Thái không những bực bội với Chúa Giêsu vì Ngài chữa kẻ liệt trong ngày Sabbat, mà họ bực bội với Chúa Giêsu vì xưng mình là con Thiên Chúa, nên họ tìm cách giết Ngài. Chúng ta thấy, chỉ để bênh vực luật giữ chay, kiêng việc ngày Sabbat và chỉ để bênh vực Danh Thánh Chúa mà người ta nghĩ đến cách tìm giết một người lành như Chúa Kitô, mà người ta phải lập mưu để bắt một người thánh thiện như Ðức Kitô. Thật là một cách bênh đạo hung hãn độc ác.

Không phải chỉ dân thường chấp nhận, mà cả các thượng tế, linh mục, luật sĩ đều thống nhất trong cách bênh đạo như vậy. Chứng tỏ rằng, nếp sống đạo thời đó suy thoái quá nhiều rồi.

Trước cảnh suy thoái ấy, Chúa Giêsu đưa ra một cách bênh đạo. Ðó là khi thấy người ta ghen ghét Ngài, mưu hại Ngài, vì Ngài làm sự lành cho con người. Chúa Giêsu chỉ trình bày sự thật về mình một cách điềm tĩnh, thanh thản với thái độ hiền lành, khiêm tốn, bao dung, không một chút tức giận, không một chút hận thù.

Thưa anh chị em

Với hai quan niệm trên đây, và nhiều quan niệm khác mới mẻ đúng đắn Chúa Giêsu suốt đời đã làm công việc tái truyền giáo cho những người có đạo trên đất Do Thái. Kết quả là có một số người đã tin Chúa Kitô, đã tuân phục những quan niệm đúng đắn mới mẻ đó. Nhưng còn một số người cố chấp, không chịu nghe, và kết quả sau cùng như chúng ta biết: Chúa Giêsu đã bị giết. Chúa Giêsu chết vì tái truyền giáo, chứ không phải chết vì truyền giáo. Chính những người có đạo cổ hủ, đã giết Ðức Kitô, khi Ngài đến đổi mới nếp sống đạo suy thoái.

Khi tôi thấy Ðức Kitô bị giết vì tái truyền giáo, tôi mới nhận ra điều này: Tái truyền giáo là công việc khó, có khi còn khó hơn là truyền giáo. Mà tôi thấy trong kinh nghiệm có như vậy, đúng như vậy.

Tuy nhiên, mặc dầu khó, và nhất là mặc dầu có nhiều hiểm nguy, bị chống đối, bị ghét bỏ, bị khai trừ. Người được Chúa sai đi vẫn phải kiên trì thực hiện công việc tái truyền giáo, đổi mới lại những quan niệm về tôn giáo, về cách làm sáng danh Chúa, cách bênh đạo, cách giữ đạo sao cho đúng căn bản lời Chúa dạy, chứ không phải theo tập truyền suy thoái của mình.

Tôi thấy công việc tái truyền giáo trong địa phận Long Xuyên chúng ta nói chung và tại xứ đạo chúng ta đây nói riêng, đã có nhiều kết quả tốt.

Tôi biết là ngay tại xứ đạo chúng ta đây, đã có những đổi mới hợp tình hợp lý về Mùa Chay, về cưới hỏi. Ðã có những sự sữa chữa trong những tập truyền, cờ bạc, rượu chè v..v...Và dần dần chúng ta bắt đầu sống nội tâm hơn, đi sâu vào đức tin nhiều hơn, bớt đi những sự bề ngoài không cần thiết, để có một sự tự do tâm hồn trong kỷ luật. Ðón nhận Ðức Kitô vào tâm hồn mình. Sống là sống với Ðức Kitô, có Ðức Kitô. Kitô hữu là có Ðức Kitô trong tâm hồn mình, chứ không phải chỉ tin vào Ðức Kitô. Ðó là sống đạo, đó là vinh quang của Thiên Chúa.

Khi tôi gặp một người ở chợ, ở phố, ở xe, mà người đó có một tâm hồn phản ánh Ðức Kitô, tôi thấy ngay, đó là vinh quang Thiên Chúa, mặc dầu họ không ở trong nhà thờ.

Tôi mong rằng việc tái truyền giáo mà chúng ta đang thực hiện, sẽ được tiếp tục tốt. Công việc như tôi nói là khó khăn, đôi khi nguy hiểm vì có những sự hiểu lầm, những sự chống đối từ phía nội bộ chúng ta, những người cố chấp, những người đã quen nếp sống xưa, những người ít chịu hiểu về thánh ý Chúa, nhưng hãy kiên trì và việc tái truyền giáo phải cố gắng ngay từ bản thân mình.

Hồi nãy, trước Phúc Âm, anh em đã nói với Chúa: “Lạy Chúa xin sai Thánh Thần đến và xin canh tân bộ mặt trái đất”.

Khi nghe câu ấy, tôi nói với Chúa rằng: “Xin sai Thánh Thần đến và xin canh tân đầu tiên tâm hồn con, tâm hồn giáo sĩ, giáo dân của con, để đổi mới lại, để tái truyền giáo lại, để mỗi một người, mỗi một cộng đoàn sống đức tin theo như là Chúa Giêsu đã muốn, chứ không phải là như tập truyền vốn có."

Lạy Chúa Thánh Thần, xin đổi mới chúng con. Amen.

Lễ Thêm Sức, Bắc Xuyên ngày 01/4/1992