Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Người Tông Ðồ Xưa Và Nay

Trong thánh lễ sáng nay, chúng ta tưởng nhớ lại việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Truyền Chức Thánh.

Khi so sánh các vị được chính Chúa Giêsu phong chức hôm đó với các vị được phong chức từ đó đến nay, nhiều người đã thắc mắc tự hỏi: Giữa các vị ấy có những gì giống nhau và có những gì khác nhau.

Theo tôi, giữa các tông đồ xưa và nay, cũng như giữa các tông đồ tại các nước khác và tại Việt Nam, thiết tưởng cần có những cái giống nhau, và cũng cần có những cái khác nhau.

Trước hết, cần có những cái giống nhau. Thí dụ mấy điểm sau đây:

Một là mọi tông đồ, dù thuộc địa phương nào và dù thuộc thời điểm nào, đều có nhiệm vụ tập trung tu đức và mục vụ vào Ðức Kitô. Một Ðức Kitô là Con Thiên Chúa giàu lòng thương xót, vì yêu thương nhân loại, đã xuống thế làm người, đã chịu chết đền tội cho nhân loại, và đã sống lại. Tập trung vào Ðức Kitô là hiểu biết Ngài, tin mến Ngài, bắt chước Ngài, sống mật thiết với Ngài, rao giảng về Ngài, làm chứng về Ngài. Bởi vì đối với mọi tông đồ, Ðức Kitô chính là Tin Mừng cứu độ duy nhất.

Hai là tất cả mọi tông đồ, dù ở tuổi nào, dù ở chức vị nào đều nhận thức đời tông đồ của mình là một chuyến đi trở về với Chúa. Chuyến đi có lúc phấn khởi, nhưng không thiếu lúc mệt mỏi chán chường, có lúc thành công nhưng không thiếu lúc thất bại, có lúc sáng ngời nhân đức, nhưng không thiếu lúc mịt mù yếu đuối lỗi lầm. Mọi tông đồ đều như vị tông đồ tiên khởi. Từ khi mang tên Simon cho tới lúc mang tên Phêrô, rồi từ khi được thụ phong tại Giêrusalem cho đến lúc chết tại Rôma, cuộc đời là chuyến đi rất dài, đầy những bất ngờ, đầy những khó khăn, nhưng luôn luôn là những bước trở về với Chúa, đầy tin tưởng phó thác nơi Ðấng đã thương gọi mình.

Ba là tất cả mọi tông đồ, dù với trình độ nào, dù trong hoàn cảnh nào, đều được Hội Thánh coi là những viên đá sống động xây dựng đền thờ thiêng liêng là Hội Thánh Chúa. Với chức thánh, các Ngài có khả năng phục vụ dân Chúa và nhân loại bằng những việc làm mà không mấy ai thay thế được. Các Ngài trao ban lời Chúa, sự sống của Chúa và chính Chúa là quà tặng vô giá. Các Ngài là dấu chỉ hữu hình về sự hiện diện vô hình của Ðức Kitô, Chúa chiên lành.

Bên cạnh những điều giống nhau và cần giống nhau, các tông đồ có những cái khác nhau và cần khác nhau.

Thí dụ tu đức và mục vụ thời điểm 1992 tại Việt Nam phải khác tu đức và mục vụ thời điểm l982. Ở chỗ phải có tính cách mở ra. Mở ra về phía Ðức Kitô, bằng sự học hỏi nhiều hơn về Ngài, rao giảng nhiều hơn về Ngài. Mở ra về phía xây dựng nhân sự, bằng sự phát triển lượng và phẩm, nâng cao trình độ nhân bản, trí thức, đạo đức, có nhiều khả năng phục vụ Hội Thánh và Ðất Nước trong bất cứ hoàn cảnh nào. Rồi mở ra về phía người nghèo, bằng những hoạt động nhỏ, đa dạng và hữu hiệu.

Rồi thí dụ mục vụ tại một vùng hầu như toàn tòng Công Giáo cần khác mục vụ tại một vùng dân Công Giáo sống giữa các người thuộc tín ngưỡng khác. Mục vụ vùng toàn tòng Công Giáo cần chú trọng đến vấn đề tái truyền giáo, nghĩa là đổi mới lại những nếp suy nghĩ sai, những tập tục xấu, và tăng cường hơn nội dung đức tin, nhất là một đức tin được diễn tả bằng các việc bác ái. Còn mục vụ vùng giữa lương dân cần quan tâm nhiều hơn đến việc mở ra về phía các giá trị tốt đẹp của các tôn giáo bạn, của văn hóa truyền thống dân tộc. Và làm chứng đạo bằng đời sống lương thiện tình người bác ái, tôn trọng chân lý và công bình.

Thưa anh chị em,

Với những suy nghĩ trên đây, tôi rất vui mừng khi nhìn các linh mục của tôi. Tôi coi các ngài là những nhân tố quan trọng đã, đang và sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Hội Thánh, đã, đang và sẽ góp phần không nhỏ vào việc xây dựng hạnh phúc cho đồng bào và đổi mới Ðất Nước Việt Nam.

Cha Gustave Martelet, thần học gia của Công Ðồng Vatican II, đã phát biểu trên tạp chí “Lourdes”, số 3, tháng 7, l99l rằng : “Khủng hoảng về tình trạng linh mục là rất trầm trọng. Tôi biết một giáo phận nọ, từ 18 năm nay đã có 241 chết đi, nhưng chỉ có 15 linh mục được phong chức”. Khi đọc phát biểu trên đây, tôi đã nghĩ tới địa phận Long Xuyên. Từ 17 năm nay với những hoàn cảnh không dễ đã có 77 vị được phong chức linh mục. Chỉ con số 77 đó mà thôi cũng đủ để tôi xác tín rằng Chúa đã làm những việc lạ lùng cho giáo phận ta. Tôi cũng tin tưởng rằng các linh mục của chúng ta đều được giáo dân luôn luôn thương mến nâng đỡ, và cộng tác.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ lòng thương xót Chúa đến muôn đời.

Lễ Truyền Dầu, Thạnh An ngày l4/4/l992