Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Những Ðiều Ðáng Mừng

Kính thưa cha sở Giuse,

Kính thưa anh em linh mục, cùng toàn thể anh chị em thân mến.

Như mọi người đã biết, cuộc lễ hôm nay đánh dấu những chặng đường. Chặng đường 100 năm lịch sử của họ đạo Rạch Giá, chặng đường 50 năm và 25 năm hôn phối của một số quý ông bà cao niên, và chặng đường 25 năm linh mục của cha sở Giuse Nguyễn Văn Việt. Những chặng đường trên đây được coi là những chặng đường của đức tin và đức mến. Cùng với những người có liên hệ xa gần với Rạch Giá, tôi đã tạ ơn Chúa nhân lành, vì những chặng đường đầy hoa trái thiêng liêng này.

Trong tâm tình cảm tạ, tôi đã hỏi Chúa xem, Người có muốn dạy tôi điều gì trong lễ tạ ơn này hay không? Tôi đã cầu nguyện, tôi đã suy nghĩ, và sau cùng Chúa đưa trí khôn tôi, nhìn vào một nhân vật Phúc Âm rất nổi tiếng về đức tin và đức mến. Ðó là thánh Phêrô Tông Ðồ. Rồi Chúa cho tôi thấy rằng: Ðiều đáng mừng nhất nơi một chủ chăn, điều đáng mừng nhất nơi một người lãnh đạo, điều đáng mừng nhất nơi một cộng đoàn dân Chúa, không phải chỉ là có đức tin mạnh, có đức mến nồng nàn, mà nhất là vì họ biết sống theo thánh ý Chúa như thánh Phêrô Tông Ðồ.

Tôi đón nhận lời Chúa dạy tôi trên đây, và tôi nhìn cuộc lễ hôm nay theo chiều hướng đó. Và bây giờ, cũng trong tâm tình chiều hướng đó, tôi muốn chia sẻ với anh chị em, những gì mà tôi thấy là đáng mừng nhất trong cuộc lễ tạ ơn hôm nay.

Anh chị em thân mến.

Ðiều thứ nhất, tôi cho là đáng mừng nhất trong cuộc lễ tạ ơn hôm nay là vì cha sở, quý ông bà, anh chị em họ đạo Rạch Giá; trên chặng đường tin mến của mình đã như thánh Phêrô Tông Ðồ xưa, biết khiêm tốn, uốn nắn tư tưởng của mình, theo tư tưởng của Thiên Chúa.

Thật vậy khi đọc Kinh Thánh và dựa vào kinh nghiệm bản thân, tôi thường rất ngại đối với loại người được gọi là sốt sắng, nhưng thường lại làm theo ý riêng mình, chứ không làm theo ý Thiên Chúa.

Thánh Phêrô Tông Ðồ xưa, xem ra có lúc cũng thuộc loại người như vậy: Ngài là một con người rất sốt sắng, đức tin vững như đá, đức mến nóng như lửa và để làm chứng lòng tin mến của mình đối với Thầy, có lúc Ngài đã can Thầy đừng đi chịu nạn chịu chết. Có lúc Ngài đã muốn xin lửa bởi trời xuống đốt những thành không muốn đón nhận Thầy mình. Có lúc Ngài đã rút gươm ra định chém chết người đầy tớ thầy cả trong vườn Giếtsêmani. Có lúc Ngài đã muốn làm ba lều trên núi Tabornê để ở luôn tại đó. Nhưng Chúa Giêsu đã cho Ngài biết những tư tưởng như vậy, bề ngoài trông rất đạo đức, nhưng không hợp thánh ý Chúa. Có lúc Chúa Giêsu đã nói thẳng với Phêrô: “Tư tưởng con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa”.

Cái hay của thánh Phêrô là biết tiếp nhận lời giảng của Thầy, từ bỏ ý riêng mà tuân phục thánh ý Thiên Chúa. Phêrô là như vậy.

Còn cha sở chúng ta, quý ông bà, anh chị em họ đạo, tôi biết là cũng luôn luôn đặt ưu tiên cho thánh ý Chúa. Và vì tuân phục thánh ý Chúa, chúng ta chấp nhận những mất mát thiệt thòi theo ý riêng ta. Mỗi ngày, chúng ta cố gắng thực thi ý Chúa, theo tinh thần xin vâng của Ðức Mẹ ngày truyền tin: Mỗi ngày, chúng ta cầu xin được tuân theo ý Chúa như tinh thần xin vâng của Ðức Kitô khi Ngài được sai vào thế gian: “Lạy Cha, này Con xin đến để thực thi ý Cha”.

Biết tuân phục thánh ý Chúa, đó là một điều đáng mừng nhất trong các lễ tạ ơn.

Ðiều thứ hai, tôi thấy là đáng mừng trong lễ tạ ơn hôm nay, đó là vì tôi thấy cha sở, quý ông bà, anh chị em trong họ đạo, đã biết sống tinh thần thánh ý Chúa với một sự phó thác tuyệt đối, mặc dầu, có lúc không hiểu thánh ý Chúa tại sao lại như vậy.

Ðọc Phúc Âm chúng ta thấy, thánh Phêrô Tông Ðồ khi Ngài kinh ngạc về cử chỉ của Chúa Kitô, muốn quỳ xuống rửa chân cho môn đệ. Chúa Giêsu trả lời Phêrô rằng: “Ðiều con bây giờ không hiểu, thì sau này con sẽ hiểu”. Có nghĩa là Chúa Giêsu không cắt nghĩa.

Tôi có cảm tưởng rằng, mỗi người trong chúng ta, cũng đã nhiều lần được nghe lời Chúa phán trong tâm hồn: Sự con bây giờ chưa hiểu, thì sau này con sẽ hiểu. Biết bao sự xảy đến cho ta năm rồi, mười năm về trước, hơn hai mươi năm về trước, ta không hiểu tại sao Chúa lại sắp xếp như vậy. Ta không hiểu tại sao Chúa lại định cho ta như thế. Nhưng, dần dần ta đã hiểu, nhất là nhiều lần ta không hiểu, tại sao Chúa lại gọi ta? Tại sao Chúa lại thương ta? Tại sao Chúa lại sai ta đi? Ta, là những con người yếu đuối, những con người tội lỗi, những con người bé mọn, những con người bất xứng, bất toàn.

Nhưng dần dần ta đã hiểu: Lý do chỉ vì Chúa thương ta vô vàn, chỉ vì Chúa thương ta khi ta chưa biết Người, chỉ vì Chúa thương ta khi ta còn nằm trong tội lỗi, chỉ vì Chúa thương ta vì Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Và vì vậy, mặc dầu không hiểu thánh ý Chúa, ta vẫn tuân phục với lòng phó thác. Phó thác tuyệt đối như thánh Giuse, phó thác đơn sơ như thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu. Tuân phục thánh ý Chúa với tinh thần phó thác như vậy, đó là một điều rất đáng mừng trong các lễ tạ ơn.

Ðiều thứ ba, tôi thấy là rất đáng mừng. Trong cuộc lễ tạ ơn hôm nay, là vì tôi thấy cha sở, quí ông bà, anh chị em trong họ đạo biết đón nhận thánh ý Chúa qua trung gian người khác.

Khi đọc Phúc Âm, chúng ta thấy thánh Phêrô trong bữa tiệc ly khi thắc mắc về lời Thầy mình, đã nhờ thánh Gioan hỏi giùm xem Thầy muốn nói về ai, và sau cùng thánh Phêrô đã đón nhận tư tưởng của Thầy qua trung gian thánh Gioan.

Chúng ta cũng vậy, nhìn lại quãng đường tin mến, chúng ta thấy biết bao lần, chúng ta đã đón nhận thánh ý Chúa qua kẻ khác. Kẻ khác có thể là bề trên. Kẻ khác có thể là người ngang hàng. Kẻ khác có thể là người bề dưới. Kẻ khác có thể là những người cộng tác gần mình. Kẻ khác có thể là những người xa lạ với mình. Kẻ khác có thể là Hội Thánh. Kẻ khác có thể là chính cộng đoàn của mình: Như họ đạo, tu viện, gia đình vv...

Khi biết đón nhận như vậy, chúng ta mới thấy tình liên đới, tình hòa hợp, sự cởi mở. Ðó là những điều kiện để những tâm hồn sống tin yêu mến Chúa dễ biết đón nhận và thực thi ý Chúa.

Riêng tôi, phải thú nhận rằng: Tôi đã đón nhận rất nhiều sứ điệp quan trọng của Chúa gửi cho tôi, qua những người bé mọn tầm thường. Có nghĩa là: Một tinh thần cởi mở, một tinh thần cộng đoàn, biết xây dựng liên đới với những thành phần dân Chúa và xã hội sẽ giúp cho chúng ta hiểu ý Chúa hơn và dễ thực thi ý Chúa hơn.

Tối hôm qua, khi cha sở giới thiệu với tôi Hội Ðồng Giáo Xứ và quí ông bà mừng Kim Khánh, Ngân Khánh hôn phối, Ngài có nói với tôi rằng: “Không có cha sở, nếu không có giáo dân”. Ðúng là như vậy. Sự khiêm tốn cởi mở, hòa đồng, hợp tác giữa trên với dưới, giữa các thành phần dân Chúa với nhau, chính là nguồn mạch để biết thực thi ý Chúa. Nhận thức được điều đó, chính là một điều rất đáng mừng trong thánh lễ tạ ơn.

Anh chị em thân mến.

Cách đây một tháng, tôi có đi từ nước Pháp đến nước Ðức bằng xe lửa. Ðang khi tôi ngồi trên chiếc xe tốc hành đó, thì tôi thấy một người phụ nữ Pháp đến gần tôi và nói với tôi rằng: Bà đi đường mất hết hành lý, nên xin tôi giúp bà một số tiền lẻ để đi đường. Và tôi lại thấy người đó đến nhiều chỗ khác để van xin như vậy.

Khi thấy một người nghèo túng ở trên chuyến đi tốc hành của tôi, tôi nghĩ rằng: Cuộc đời của mình cũng là như vậy. Cuộc đời mình là chuyến đi tốc hành, từ quá khứ đến hiện tại, rồi từ hiện tại đến tương lai. Và trong chuyến đi tốc hành đó, thân phận kẻ nghèo túng vẫn là kẻ đồng hành không thiếu được. Tiếng xin van của người ăn mày vẫn là tiếng gọi đối với những người Chúa thương. Và biết đâu, những người ăn xin đó lại không phải là tiếng Chúa kêu gọi mình sao?

Hôm nay, trong lễ tạ ơn, tư tưởng đó làm sống lại trong tôi. Tôi nhìn chặng đường của cha sở, chặng đường của quý ông bà, chặng đường của họ đạo, tôi coi như chuyến tàu tốc hành, đang bỏ hiện tại đi về tương lai. Và trong chuyến đi tốc hành đó, tiếng những người đau khổ vẫn văng vẳng bên tai chúng ta đang tạ ơn Chúa.

Tôi có cảm tưởng rằng chúng ta hiểu điều đó. Chính vì vậy, cuộc lễ tạ ơn hôm nay được tổ chức đơn giản: Chú trọng nhiều hơn đến tinh thần, chú trọng nhiều hơn đến lời cầu nguyện, chú trọng nhiều hơn đến đức bác ái. Ðó là một điều rất đáng khen.

Tôi cầu xin Chúa cho cha sở, cho quý ông bà, cho tất cả anh chị em biết nhìn về tương lai, với tâm tình cảm tạ. Tôi cầu xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta biết tiếp tục sống theo thánh ý Chúa, nhất là về vấn đề truyền giáo và về vấn đề kẻ khó nghèo.

Lạy Chúa, xin cảm tạ Chúa muôn đời.

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con. Amen.

Lễ Ngân Khánh cha Giuse Nguyễn Văn Việt, Rạch Giá 8/7/1992