Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Phản Ứng Theo Kiểu Phúc Âm

Ga 15,18-21

Trong bài Phúc Âm hôm nay, có một câu đã gợi lên trong tôi một phản ứng e ngại. Câu đó là lời Chúa phán: “Nếu thế gian ghét các con, thì các con nên biết rằng: Họ đã ghét Thầy trước”.

Khi nghe lời Chúa phán trên đây, tự nhiên tôi nghĩ trong lòng rằng: Cho dù thiên hạ có ghét Chúa đi nữa, thì Chúa cũng không nên nói điều đó ra. Nói điều đó ra, nhiều người biết được sợ uy tín của Chúa sẽ giảm sút đi. Chi bằng Chúa cứ nói rằng: Tôi đi đâu, cũng được người ta nghênh đón linh đình. Tôi nói lời gì, tôi làm việc gì, đều được mọi người khen ngợi. Nói kiểu tích cực như vậy, thời nay, nhiều người coi là hữu hiệu để truyền giáo, để làm sáng danh Thiên Chúa.

Những suy nghĩ trên đây của tôi, là một phản ứng theo kiểu thế gian, chứ không theo kiểu Phúc Âm. Bởi vì sau đó, Chúa soi sáng cho tôi nhớ lại: Chúa là sự thực. Chúa dạy sự thực. Chúa làm chứng cho sự thực. Nên, Chúa không ngần ngại nói lên những sự thực phủ phàng nhất cho Chúa. Cho dù sự thực ấy là Chúa bị thế gian ghét bỏ, Chúa bị người ta chê cười.

Phúc Âm còn cho thấy, số người ghét Ðức Kitô là rất đông, thuộc mọi thành phần. Chẳng hạn, Phúc Âm cho thấy, những vị lãnh đạo tôn giáo thời ấy, cũng như các vị chức sắc thời ấy đã ghét Ðức Kitô. Lý do là vì Ðức Kitô đã xua đuổi những người buôn bán của họ ra khỏi đền thờ và đã công kích tinh thần câu nệ của họ trong việc giữ luật đạo.

Rồi, Phúc Âm cũng đã cho thấy những người Pharisêu rất ghét Ðức Kitô, lý do là vì Ðức Kitô đã phê phán những tập truyền cổ hủ của họ, nhất là cách sống đạo quá chi li của họ.

Rồi Phúc Âm cũng cho thấy, vua Hêrôđê rất ghét Ðức Kitô, lý do là vì ông tưởng Ðức Kitô đến để lật đổ chế độ Rôma mà ông đang hưởng lợi.

Rồi, Phúc Âm cũng cho thấy, chính đám đông cũng có lần ghét Ðức Kitô, vì họ vẫn tôn Ðức Kitô lên làm vua trong một mưu đồ chánh trị, nhưng Ðức Kitô đã không làm như vậy, đã trốn lên núi.

Như thế, khi Phúc Âm trình bày những sự thực trên đây thì Phúc Âm cho tôi thấy: Ðức Kitô, dù khi được mộ mến, dù khi bị khinh chê, Ðức Kitô luôn luôn theo đuổi một mục đích duy nhất này: Ðó là, với tinh thần trách nhiệm với thánh ý Chúa Cha, Ngài luôn luôn làm chứng cho tình yêu thương cứu độ, bằng cách chấp nhận những hy sinh làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Có nghĩa là, để làm chứng cho tình yêu cứu độ Thiên Chúa, Ðức Kitô đã đề cao tinh thần trách nhiệm và đề cao tinh thần bác ái, chấp nhận hy sinh.

Cuộc đời Ðức Kitô là như vậy, và cuộc đời ấy, đã trở thành mẫu gương chung cho mọi người tin theo Ðức Kitô. Mọi người tin theo Ðức Kitô đều nhìn vào mẫu gương ấy mà học hỏi, mà bắt chước. Nhưng mỗi người sẽ bắt chước mẫu gương ấy theo cách thức thích hợp mà Chúa Thánh Linh sẽ soi dẫn.

Các thánh tử đạo Việt Nam đã theo mẫu gương Chúa Kitô bằng cách chấp nhận tù đày, chấp nhận tử hình, nhưng là để làm chứng cho tình yêu thương xót Chúa. Các ngài đã đề cao tinh thần trách nhiệm và đề cao tinh thần bác ái hy sinh.

Còn những người khác như chúng ta, cũng đang theo mẫu gương của Ðức Kitô. Nhưng thay vì tử đạo, chúng ta cố gắng chu toàn bổn phận hằng ngày của mình, cũng là để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, đề cao tinh thần bác ái hy sinh, đề cao tinh thần trách nhiệm.

Tối hôm qua, đài BBC có loan một tin kỳ lạ: Một thiếu nhi 11 tuổi ở nước Anh, đã nhờ một luật sư làm đơn lên tòa án, để được quyền từ người mẹ đẻ của mình, và để nhận người mẹ nuôi làm mẹ chính thức. Một đứa con đòi quyền từ người mẹ đẻ của mình, đó là một việc quái lạ. Nhưng quái lạ hơn nữa, đó là tòa án cũng đã cho thiếu nhi ấy, được quyền từ người mẹ đẻ của mình để nhận một người khác làm mẹ chính thức.

Khi nghe tin ấy, tôi rất buồn. Tôi nghĩ đến các thiếu nhi Việt Nam, trong đó có các em hôm nay chịu lễ Bao Ðồng. Tôi nghĩ rằng: Con cái đòi quyền từ cha, từ mẹ. Con cái được quyền từ mẹ, từ cha. Ðó là chuyện bên Tây, bên Mỹ. Còn chúng ta, những người Công Giáo Việt Nam, mang trong mình giòng máu các thánh tử đạo, chúng ta chỉ có một mẫu gương duy nhất đó là: Cuộc sống Ðức Kitô.

Ðối với chúng ta, sống đức tin có nghĩa là làm chứng cho tình yêu thương xót Chúa, bằng cách đề cao tinh thần bác ái, chấp nhận hy sinh, bằng cách đề cao tinh thần trách nhiệm đối với Thiên Chúa, đối với Hội Thánh, đối với cha mẹ, đối với đồng bào Quê Hương. Chúng ta không đòi quyền lợi cho chúng ta, nhưng chúng ta làm chứng, chúng ta là những con người có trách nhiệm.

Sống như vậy, chúng ta mới xứng là con cái các thánh tử đạo Việt Nam, và nếu vì thế, chúng ta bị ghét bỏ, thì chúng ta nên nhớ lại lời Ðức Kitô đã nói hôm nay: “Nếu thế gian ghét các con, thì chúng con nên nhớ rằng: Họ đã ghét Thầy trước”.

Trong khi tuyên xưng Ðức Kitô, các con hãy cầu xin, để biết sống đức tin là làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, đề cao tinh thần bác ái, đề cao tinh thần trách nhiệm. Amen.

Lễ Bao Ðồng, Long Xuyên ngày 15/11/1992