Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Ðạo Ðức Gia Ðình

Mt 5,13-16

Sáng nay, trước khi đến Hòa Hưng, tôi đã hỏi thăm cha sở về tình hình họ đạo anh chị em, nhất là về tình hình đạo đức của các gia đình. Cha sở có cho tôi biết là hầu hết, các gia đình anh chị em đều sống trong bầu khí tinh thần gia giáo, sống tốt đối với nhau, sống tốt đối với xóm làng, sống tốt đối với Hội Thánh, sống tốt đối với Ðất Nước. Và tinh thần gia giáo này đang được củng cố và phát triển, nhờ các lớp giáo lý và các bí tích.

Tôi nghĩ là cha sở đã nhận xét đúng. Nhiều cha gần đây cũng cho tôi những nhận xét tương tự. Khi nghe những nhận xét trên đây, tôi rất vui mừng. Và với cái nhìn của bài Phúc Âm hôm nay, tôi coi các gia đình của anh chị em là những cây đèn sáng, là những lượng muối tốt.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa đã mong muốn mọi người tin Ngài: Hãy trở nên cây đèn sáng, hãy trở nên muối tốt. Tôi thật sự vui mừng. Tôi lạc quan. Và tôi hy vọng nhiều trong tương lai của họ đạo.

Nhưng, sáng nay đang khi tôi vui mừng lạc quan và hy vọng, thì trời kéo mây. Thấy có nguy cơ mưa dọc đường nên chúng tôi tìm cách đối phó trước: Thay vì đi đò nhỏ không mui, chúng tôi đã đi đò lớn có mui. Và thực may cho chúng tôi là sau đó trời đổ mưa, gió lớn. Và suốt chặng đường từ Vị Thanh đến Hòa Hưng, xem ra cơn mưa lúc nào cũng theo dõi con đò của chúng tôi. Mặt dầu trong đò có mui, có che, mà nhiều khi mưa vẫn hắt, gió vẫn lùa. Nếu không có một sự chuẩn bị trước, chắc là tất cả chúng tôi đã bị mưa, và một số người sẽ bị bệnh.

Sự kiện tôi vừa nói đây, gợi cho tôi nghĩ rằng: Một tương lai nào đó gần đây, có thể sẽ có những nguy cơ đe dọa và tấn công nền đạo đức gia đình, lúc ấy anh chị em sẽ ra sao? Nếu mỗi gia đình anh chị em được ví như một con đò bơi trên dòng lịch sử, mà trên con dòng lịch sử ấy có những đoạn sông có nhiều giông gió, bấy giờ bao nhiêu con đò sẽ tan vỡ, bao nhiêu con đò sẽ phải chìm sâu, và còn được bao nhiêu con đò tới bến bình an, tới bến hạnh phúc, tới bến Thiên đàng?.

Tôi nói như vậy là vì thực sự nguy cơ tấn công nền đạo đức các gia đình đã xảy ra ở nhiều nước, ở nhiều nơi, và tại Việt Nam ta cũng đã bắt đầu thấy rồi.

Tối hôm qua, tôi đọc một tạp chí của Tòa Thánh mới xuất bản tháng 7 vừa qua. Trong đó có một mẫu tin khá quan trọng về tình hình gia đình của giáo phận Rôma, dưới quyền lãnh đạo của Ðức Giáo Hoàng. Mẫu tin đó tóm tắt thế này:

Năm 1991, số hôn nhân chịu phép đạo trong nhà thờ là gần 14.000, còn số hôn nhân chỉ làm phép đời không phép đạo là gần 4.000. Cũng trong một năm số đơn xin ly dị gởi đến tòa đạo là hơn 6.000, và tòa đời mỗi tuần cho phép ly dị 200 đôi, nghĩa là cứ một ngày, tại giáo phận Rôma, tòa đời cho phép ly dị chừng 30 đôi, và như vậy trong một năm có khoảng 10.000 đôi hôn phối được ly dị. Như vậy 14.000 đôi làm phép trong nhà thờ cộng với 4.000 đôi kết hôn ở ngoài đời, không có phép đạo, nhưng số ly dị là 10.000 đôi.

Tôi không phê phán ai cả. Tôi chỉ muốn loan báo tại đây một tin mà chính Tòa Thánh đã loan đi một cách chính thức, để báo động rằng: Nguy cơ tấn công nền đạo đức gia đình là có thiệt. Sức mạnh tàn phá của nó là rất mạnh. Phạm vi tấn công của nó là rất rộng. Và hậu quả tàn phá của nó là rất tai hại.

Tôi nói như vậy, để chúng ta thấy trước mắt nguy cơ đối với nền đạo đức gia đình, nó còn lớn hơn nguy cơ đang đe dọa nền kinh tế chúng ta. Nền kinh tế chúng ta có thể sửa lại, không năm nay, năm tới. Nhưng một nền đạo đức gia đình đã bị tàn phá thì trong một năm, hai năm, mười năm, chưa chắc đã lấy lại được.

Và cái tin tôi vừa loan đi cũng để lưu ý chúng ta rằng: Trước mắt chúng ta, con người có đạo, cần phải nhận thức điều gì là ưu tiên chúng ta cần phải để ý. Chúng ta có thể góp phần vào việc phục vụ Ðất Nước bằng phát triển kinh tế, nhưng khả năng chúng ta rất có hạn. Còn góp phần xây dựng đạo đức cho dân tộc mình là điều mà tôi nghĩ Hội Thánh Việt Nam phải nhận lấy trách nhiệm. Và trách nhiệm đó cần chia ra cho các địa phận, cho các xứ, cho các gia đình.

Tôi vẫn nghĩ rằng, nếu chúng ta nhận thức được sự quan trọng của gia đình, thì chúng ta mới thấy được sự Chúa gọi chúng ta để thánh hóa gia đình và chuẩn bị trước những cách đối phó sự tấn công những nguy cơ đang rình rập chúng ta.

Tôi nghĩ: Chúng ta cần phải khiêm tốn, để nhận thấy rằng, chúng ta chưa làm hết sức mình để phát triển nền đạo đức gia đình. Thánh Phêrô xưa tưởng rằng mình có đức tin mạnh, nên đã quả quyết với Chúa rằng: Những anh em khác, những chỗ khác, có bỏ Chúa thì mặc kệ họ, còn con không bao giờ như vậy. Thế rồi, chỉ mấy giờ sau, Phêrô đã sa ngã.

Chúng ta cũng không nên cho mình có một đức tin mạnh bằng thánh Phêrô. Nên điều chúng ta nên làm, không phải là tuyên hứa cho mạnh, là học cho kỹ, nhưng cần phải biết mình yếu đuối, để nội tâm hóa lời Chúa trong lòng mình, để Chúa sống trong lòng ta, để Chúa Thánh Thần trở nên sức mạnh và là ánh sáng soi đường, chỉ lối phòng khi nguy cơ tấn công đến, chúng ta biết phân biệt cái gì là bóng tối, cái gì là ánh sáng. Và chúng ta có sức mạnh để che chở nền đạo đức cho mình và cho gia đình mình, cho họ đạo của mình.

Thánh Mônica mà Hội Thánh kính nhớ hôm nay đã sống như vậy. Nên Ngài đã bảo vệ và phát triển nền đạo đức gia đình. Nhìn lên cung thánh, tôi đã thấy tượng Thánh Gia. Hồi nãy tôi đã cầu xin Thánh Gia giúp cho họ đạo anh chị em biết củng cố và phát triển nền đạo đức gia đình. Bởi vì, tôi nghĩ rằng: Thế nào rồi cũng có thử thách, những thử thách rất lớn, mà nếu chúng ta không vững trong đức tin, mà nếu chúng ta không chọn Chúa làm gia nghiệp, mà nếu chúng ta không thấy Chúa là một Tin Mừng đối với chúng ta, thì khi gặp những chước cám dỗ ngọt ngào, chúng ta sẽ dễ bỏ Chúa, bỏ cha mẹ, bỏ trách nhiệm vợ chồng, con cái, để rồi gia đình tan vỡ, chìm xuống.

Xin Chúa Thánh Linh giúp cho chúng ta được gặp Chúa hôm nay. Và xin Chúa ở lại trong lòng chúng ta, để luôn luôn Chúa là người hướng dẫn nền đạo đức cho chúng ta. Chỉ có Chúa là Ðấng xây dựng nền đạo đức, chỉ có Chúa là Ðấng thấy trước được một tương lai có nhiều nguy hiểm đang chờ đợi chúng ta.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến với chúng con. Amen.

Lễ Thêm Sức, Hòa Hưng ngày 27/8/1992