Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Tình Thương Cứu Ðộ

Ga 8,1-11 (CN 5 Mùa chay C)

Càng đọc những bài Phúc Âm dẫn tới tuần lễ khổ nạn của Chúa, tôi càng thấy ngột ngạt. Ðiều làm tôi ngỡ ngàng và đau buồn là Chúa Giêsu trở thành đối tượng thù nghịch của cấp lãnh đạo tôn giáo thời đó. Họ là những người thông luật, những người biệt phái. Họ tự coi là giới đạo đức, có quyền cầm cân nẩy mực trong sinh hoạt tôn giáo. Họ dành quyền tiêu biểu cho cơ chế. Họ bảo vệ cơ chế bằng mọi cách, dù phải thù ghét, cáo gian, bỏ vạ, chém giết. Thời ấy, cơ chế là luật lệ, lễ nghi, thói tục, trong đó nhiều điều đã tha hóa, lỗi thời, thường là những nếp sống bề ngoài có lợi cho họ.

Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy thêm một lần nữa não trạng của họ. Họ gài bẫy Chúa Giêsu. Cái bẫy của họ rất sắc bén. Họ điệu đến trước mặt Chúa Giêsu một phụ nữ. Họ nói với Ngài: “Thưa Thầy, người phụ nữ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Theo luật Maisen, tội nhân phải bị ném đá cho tới chết. Phần Thầy, Thầy nghĩ sao?”. Nếu Chúa Giêsu không đồng ý ném đá chị ta, Ngài sẽ tự tố cáo Ngài chống lại cơ chế. Nếu Ngài đồng ý ném đá chị ta, chính Ngài sẽ phản lại Ngài trước dư luận quần chúng đang khen Ngài là con người nhân ái. Bởi vì Ngài đã tuyên bố là Ngài đến để cứu độ, chứ không đến để kết án. Họ mong lưỡi gươm sẽ chém Ngài chính là câu trả lời của Ngài.

Thấy rõ mưu đồ, Chúa Giêsu không đối thoại trực tiếp vào vấn đề họ đặt ra. Ngài chỉ đưa ra ý kiến này: Ai trong các vị thấy mình trong sạch, hãy cầm đá ném chị này trước đi.

Lời Chúa trở nên như hòn đá ném vào lương tâm mỗi người. Các người tố cáo cảm thấy bị đụng. Ðột nhiên, họ thấy nhức nhối trong lòng. Vết thương lòng thầm nhắc cho họ nhớ họ cũng là những kẻ có tội, cần bị kết án. Sự nhận ra được thực trạng tội lỗi của mình đã là một bước đầu tốt. Nếu biết tiếp tục khiêm tốn, họ sẽ được ơn cứu độ sau cùng.

Khi mọi người tố cáo đã rút lui, Chúa Giêsu mới bắt đầu đối thoại với bị cáo. Ngài nói: “Không còn ai tố cáo chị sao? Tôi cũng không kết án chị. Chị về bình an, đừng phạm tội nữa”.

Chúa Cứu Thế quả là độ lượng. Ngài coi việc chị đó nhận tội và chịu nhục nhã đã là một cách xưng tội, ăn năn và đền tội, để xứng đáng được ơn tha thứ. Ngài không còn nhắc lời nào đến chuyện cũ của chị. Ngài gợi ý cho chị nhìn về phía trước.

Thái độ của Chúa Giêsu trước sau bao giờ vẫn là thái độ cứu độ. Ðứng trước những người đạo đức tự phụ, cứng lòng, Chúa Giêsu thường tránh đối đáp trực tiếp. Nhưng Ngài vẫn tìm lời thích hợp để đánh động tâm hồn họ. Các lời Ngài hướng về họ đều nhằm mục đích này là giúp cho họ thức tỉnh, nhận ra thực chất của mình. Chỉ cần họ biết mình là kẻ tội lỗi, cần được đổi mới, và chỉ cần họ nhận thấy cơ chế mà họ bảo vệ cũng đã tha hóa và lỗi thời, cần được đổi mới. Nhưng những người bảo vệ cơ chế đã tha hóa và lỗi thời ấy lại là những kẻ lợi dụng chính cơ chế ấy để bảo vệ mình. Họ nhờ cơ chế đó mà kiếm lợi. Và cơ chế đó, nhờ họ mà trở thành sức mạnh pháp luật. Hai bên nương tựa vào nhau để tồn tại.

Tới đây, tôi nhìn về tôi là những cơ chế xa gần chung quanh tôi. Tôi tự hỏi: Có cái nào tha hóa và lỗi thời không? Nếu chẳng may có, tôi có bao giờ lợi dụng nó, để hại ai không? Cái cơ chế gần gũi nhất, tôi cần kiểm tra, chính là nếp suy nghĩ và nếp sống của tôi. Có chỗ nào lỗi thời và tha hóa không. Công đồng Vatican II đã đưa bốn phương hướng cho mỗi người trong Hội Thánh.

Một là tập trung lòng đạo vào Ðức Kitô.

Hai là thao thức với nhiệm vụ truyền giáo.

Ba là xây dựng một Hội Thánh là toàn dân Thiên Chúa.

Bốn là cởi mở với cuộc sống xã hội, mà mình được sai đến làm chứng cho Chúa.

Nếu tôi không để ý đổi mới các cơ chế xung quanh tôi và nhất là cơ chế trong tôi theo bốn hướng đó, tôi sẽ dễ trở thành thứ tân biệt phái, tân luật sĩ, để rồi vô tình cũng lại nhân danh cơ chế tha hóa và lỗi thời của mình, mà kết án kẻ khác, kể cả Ðức Kitô trong họ.

Tôi đừng vận động ném đá kẻ khác, mặc dầu họ có tội. Kẻ đáng kết án trước mặt Chúa là chính tôi. Bởi vì tôi đã phạm tội nhiều, trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót. Tôi mong Chúa nói với tôi: “Cha không kết án con”. Lời ấy rất cần cho tôi, nhất là trong giờ lâm tử. Ngay từ bây giờ, tôi sẽ để ý đến việc đổi mới lòng tôi. Mong sao lòng tôi cũng được phần nào giống Trái Tim Chúa Giêsu, hiền lành và khiêm nhường như đã thấy trong bài Phúc Âm hôm nay.

CN 5 Mùa chay- C- Long Xuyên ngày 5/4/1992