Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Làm Chứng Cho Chúa

Ga 17,17-23

Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại lời Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các môn đệ.

Ðọc lời nào tôi cũng cảm thấy rất ngọt ngào, nhưng có một câu đã làm cho tôi suy nghĩ, đó là lời Chúa Giêsu nói với Chúa Cha: “Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian”.

Câu ấy làm cho tôi hiểu rằng: Chúa Kitô đã sai tôi vào thế gian. Chúa Kitô cũng đã sai anh chị em vào thế gian. Chúng ta, tất cả được Chúa Kitô sai đi vào thế gian, để làm chứng cho Chúa. Ðược sai đi để làm chứng cho Chúa, đó là điều chắc rồi, đó là điều rõ rồi. Nhưng có một điều xem ra chưa rõ, có một điều xem ra chưa chắc đối với chúng ta đó là cách làm chứng cho Chúa.

Chúng ta phải làm chứng cho Chúa thế nào đây tại nước Việt Nam hôm nay, tại địa phương chúng ta đang sống? Bởi vì, khi nói đến những cách làm chứng cho Chúa, chúng ta thấy có nhiều cách khác nhau. Thí dụ: Sự chúng ta sốt sắng đi chịu các phép Bí Tích, năng đọc kinh xem lễ. Sự chúng ta góp phần vào việc xây dựng nhà thờ, cơ sở nhà Chúa. Sự chúng ta hợp nhất với nhau, dưới sự lãnh đạo của cha xứ của mình, sự chúng ta biết giúp những người nghèo khó bệnh tật... Những cách đó đúng là làm chứng cho Chúa.

Riêng tôi, tôi còn thấy một cách nữa, có nhiều khả năng làm chứng cho Chúa, mà hiện nay xem ra ít được nhắc tới. Cách đó là thinh lặng để cầu nguyện, thinh lặng để suy gẫm, thinh lặng để học hành, và nhất là thinh lặng để chu toàn công việc bổn phận của mình. Sở dĩ hôm nay tôi nhắc lại cách làm chứng đó, bởi vì cách đó đã lôi cuốn tôi nhiều nhất. Trong chuyến đi các nước ngoài tháng qua, cái đã làm cho tôi xúc động nhiều nhất, cái đã lôi cuốn tâm hồn tôi mạnh nhất, cái còn ghi lại trong tôi sâu đậm nhất, không phải là những cuộc rước linh đình, cũng không phải là những cuộc lễ tưng bừng, mà chính là những hình ảnh của những con người thinh lặng: Thinh lặng cầu nguyện, thinh lặng suy nghĩ, thinh lặng học hành, thinh lặng chu toàn bổn phận của mình.

Tôi còn nhớ rất rõ những đám đông người, đứng thinh lặng trước hang đá Ðức Mẹ Lộ Ðức. Tôi không thấy họ đọc kinh gì, nhưng mắt họ nhìn lên tượng Ðức Mẹ với cái nhìn đăm chiêu suy nghĩ, với một thái độ cầu nguyện.

Tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh những người thanh niên, những cô thiếu nữ, tay cầm tràng hạt đứng dựa vào những gốc cây, bên hang đá Lộ Ðức và cầu nguyện âm thầm.

Tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh những vợ chồng trẻ, quỳ thinh lặng cầu nguyện trước mộ bà thánh Têrêxa Hài Ðồng Giêsu.

Tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh những giáo dân âm thầm chia sẻ lời Chúa, hợp từng nhóm nhỏ để cầu nguyện chung với nhau trong những căn nhà chật chội vắng vẻ.

Hình ảnh tôi nhớ nhất, là hình ảnh Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong những lần tôi được đồng tế với Ngài tại nhà cầu nguyện riêng. Tuy bao giờ cũng có nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân tham dự, nhưng tôi thấy không bao giờ Ðức Thánh Cha đã giảng, mà Ngài cũng chẳng nói lời gì trước lễ, trong thánh lễ và sau lễ. Trái lại, trước lễ, tôi thấy Ðức Thánh Cha quỳ thinh lặng rất lâu để suy gẫm. Sau khi đọc Phúc Âm, tôi lại thấy Ðức Thánh Cha ngồi và suy gẫm rất lâu. Sau khi rước Mình Máu Thánh rồi, Ðức Thánh Cha lại quỳ xuống, cảm ơn Chúa rất lâu trong thinh lặng. Và sau lễ, khi đã cởi y phục thánh lễ, Ðức Thánh Cha lại quỳ cám ơn Chúa rất lâu trong thinh lặng.

Sự thinh lặng cầu nguyện và suy gẫm của Ðức Thánh Cha, chính là một bài giảng rất hùng hồn. Nó khuyên bảo tôi hãy bắt chước Ngài, để cầu nguyện, để suy nghĩ. Và, đó là một hình ảnh rất đẹp, tôi không bao giờ quên được.

Cũng nhờ những kinh nghiệm bản thân ấy, tôi càng hiểu lý do tại sao trong lịch sử Hội Thánh có những vị đã bỏ thế gian, đi tìm những nơi thanh vắng để cầu nguyện, để học hành. Tuy vậy, biết bao nhiêu ngàn người đã tìm đến các Ngài.

Cũng tháng trước đây, tôi lên núi Casinô bên nước Ý, để viếng mộ thánh Bênêdictô, Ðấng sáng lập dòng, những thế kỷ đầu Hội Thánh. Ngài đã bỏ thế gian, tránh xa người ta, tìm lên núi vắng, để cầu nguyện, để tu hành, để học hành, để nghiên cứu về Chúa và về Hội Thánh. Ấy thế, mà biết bao nhiêu ngàn người vẫn tìm đến Ngài, chỉ muốn được nhìn thấy Ngài cầu nguyện, học hành. Và cho đến hôm nay, người ta vẫn tuôn đến nơi đó, để nhìn khuôn mặt của một người sống thinh lặng, một người đã cầu nguyện suốt đời, một người do tâm hồn suy gẫm, cầu nguyện, đã là một nguồn mạch soi sáng hướng dẫn nền văn hóa Âu Châu. Ðúng, là hình ảnh người thinh lặng cầu nguyện, suy gẫm, có một vẻ đẹp tuyệt vời, có một sức mạnh hùng hồn, lôi cuốn người ta. Nhất là trong khi tâm hồn người ta khát khao một cái gì sâu thẳm, một cái gì trong sáng, một cái gì linh thiêng mà người ta không gặp được trong cõi trần này.

Cũng qua những kinh nghiệm bản thân đó, và cũng qua những gương lành tôi nhìn thấy đó, mà tôi càng ngày càng hiểu hơn: Vì sao trong Phúc Âm, chúng ta thấy Chúa Giêsu, Ðức Mẹ, thánh Giuse cũng đã chọn nhiều thời gian thinh lặng như những cách để làm chứng cho Thiên Chúa.

Ðọc Phúc Âm chúng ta thấy, thánh Giuse hầu như thinh lặng. Ðức Mẹ thì nói rất ít. Còn Chúa Giêsu thì nói không bao nhiêu mà chỉ làm nhiều. Nhất là một số việc mà sau này các sách bàn tới về Chúa Kitô, thì chính Ðức Kitô thì không nói gì. Thí dụ: Sự Ngài giáng sinh tại Bêlem. Thí dụ: Sự Ngài sống 30 năm ẩn dật ở Nagiarét. Thí dụ: Sự Ngài chịu nạn, chịu chết trên núi Golgotha. Thí dụ: Sự Ngài sống lại trong thinh lặng...

Như vậy, chúng ta thấy rằng: Có một cách để làm chứng cho Chúa, đẹp lòng Chúa, mà có sức biến đổi nhân loại, đó là sự con người ta biết trở về thinh lặng để cầu nguyện, để suy gẫm, để học hành, để chu toàn bổn phận của mình một cách chu đáo.

Tôi nghĩ rằng, anh chị em cũng đã có kinh nghiệm ấy phần nào: Khi trong thinh lặng, chúng ta cảm thấy tâm hồn mở ra về phía Chúa, dễ gặp được Chúa. Và khi tâm hồn thinh lặng, chúng ta cũng dễ gặp được chính mình. Và khi tâm hồn thinh lặng, chúng ta vẫn gặp được tha nhân một cách trung thực, trong khiêm tốn và trong bác ái quảng đại bao dung.

Anh chị em thân mến.

Khi tôi nhìn thấy họ đạo Hải Châu của anh chị em đây, là một họ đạo tương đối khiêm tốn về nhiều mặt, về tinh thần cũng như về vật chất, thì tôi nghĩ ngay rằng: Anh chị em vẫn có nhiều khả năng làm chứng cho Chúa, vẫn có nhiều khả năng làm đẹp lòng Chúa, vẫn có nhiều khả năng có một sức mạnh truyền giáo, nhất là gây ảnh hưởng tốt cho con em của mình. Ðó là, chúng ta biết lợi dụng hoàn cảnh để đi sâu vào đời sống nội tâm: Thinh lặng cầu nguyện, thinh lặng suy gẫm, thinh lặng chu toàn bổn phận của mình một cách chu đáo. Tôi nghĩ rằng, trong một thời buổi có quá nhiều lời, thì sự thinh lặng trong Chúa vẫn là một giá trị rất đáng quý và sẽ là một cách làm chứng rất hùng hồn cho Chúa. Bởi vì, Thiên Chúa là Ðấng thinh lặng, nhưng đầy sức sống, nhất là Chúa Thánh Linh, Ngài đến với những linh hồn chuẩn bị trong thinh lặng. Chỉ trong thinh lặng, chúng ta mới đón nhận được ơn Chúa Thánh Thần.

Chính vì vậy, điều tôi cầu nguyện cho anh chị em hôm nay, nhất là cho các con em chịu phép Thêm Sức bây giờ, là hãy bắt chước gương Chúa Kitô, Ðức Mẹ, thánh Giuse, các thánh, Ðức Giáo Hoàng, để giữ linh hồn mình thinh lặng, bình an, biết lợi dụng cảnh sống hôm nay, mặt dù có thiếu thốn, để làm cho tâm hồn nội tâm của mình thêm phong phú. Phong phú nhất, quý giá nhất, là nhờ thinh lặng, ta có Chúa trong lòng ta.

Lạy Chúa, xin ở lại với tâm hồn chúng con, xin giữ tâm hồn chúng con được thinh lặng trong thánh ý Chúa. Amen

Lễ Thêm Sức, Kênh 7B ngày 10/7/1992