Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Thao Thức

Lời đầu tiên tôi muốn nói ở đây là lời cám ơn tất cả anh chị em. Cám ơn vì anh chị em đã có mặt ở đây, cám ơn vì những tình cảm tốt lành anh chị em đã dành cho tôi và cho địa phận. Cám ơn vì những đóng góp thân tình và tích cực anh em đã dành cho Hội Thánh nói chung và giáo xứ của mình nói riêng.

Tôi coi cuộc gặp gỡ hôm nay là cuộc gặp gỡ gia đình, một cuộc gặp gỡ hiếm có. Vì thế, tôi muốn lợi dụng cuộc gặp gỡ gia đình này để tâm sự với anh chị em.

Tôi xin chia sẻ một số thao thức của tôi, những thao thức ngày đêm như những hòn than cháy bỏng âm ỉ trong lòng tôi.

 1/ Thao thức thứ nhất của tôi là công việc xây dựng nhân sự về mặt văn hóa cuộc sống

Khi nhìn về tương lai, tôi thấy trong những năm sắp tới, cái sẽ nắm quyền chỉ huy con người Việt Nam không còn là ý thức hệ nữa, mà sẽ là văn hóa đời sống. Anh em chỉ cần nhìn qua bầu khí tâm lý lúc này của những người chung quanh và của chính chúng ta, thì sẽ hiểu được điều tôi nói. Cái gì đang điều khiển con em chúng ta? Cái gì đang hướng dẫn những người chunh quanh chúng ta trong những lựa chọn, trong những sắp xếp, trong các chương trình, trong các kế hoạch? Thưa là những gì thấy ở tivi, ở vidéo, những gì nhìn thấy ở những tiệm bày bán, những gì nhìn thấy ở các mẫu mã, những gì nhìn thấy ở trên con người, những gì nhìn thấy ở các đồ vật bày trong mỗi gia đình. Rồi ngoài những cái nhìn thấy như vậy, còn là những gì đọc được trên các sách, các báo, trong các dư luận thu tập được qua những cuộc đối thoại trao đổi. Thêm vào đó còn là những gì nghe được qua đài này, đài nọ.

Tất cả những cái đó đang mở ra một chân trời mới về lãnh vực khoa học, về lãnh vực kỹ thuật, về lãnh vực mỹ thuật, về lãnh vực tư tưởng. Nó cung cấp cho con người bây giờ những giá trị rất mới. Chẳng hạn như giá trị bây giờ người ta cho là rất quan trọng mà trước đây ta không để ý đó là sự chính xác. Ðồng hồ tốt là đồng hồ phải chính xác, đúng giờ. Hoạt động tốt là hoạt động phải chính xác, đúng việc, đúng nội dung, đúng thời, đúng nơi. Người tốt là người phải chính xác, nói đúng, làm đúng. Tất cả những giá trị như thế đang dần dần tạo ra một thứ toà nhà vô hình để che chở cuộc sống. Dần dần nó tạo ra một vườn hoa vô hình để làm đẹp cuộc sống. Dần dần nó tạo ra một dòng sông vô hình để phát triển cuộc sống. Cuộc sống nào cũng phải dính vào đó, kể cả cuộc sống đức tin. Ví dụ như cuộc lễ hôm nay, nội dung thuần túy đức tin, nhưng phải dựa vào văn hóa cuộc sống. Nếu hệ thống âm thanh không tốt, thì cuộc lễ hôm nay sẽ không thành công. Nếu không có những vẻ đẹp của cung thánh, vẻ đẹp của những mầu hoa, mầu áo, thì chưa chắc cuộc lễ tôn giáo sẽ thành công. Nếu những bài thánh ca của ca đoàn, của công đoàn không có kỹ thuật, tinh thần dân tộc, thì chưa chắc cuộc lễ sẽ thành công. Rồi nếu thiếu một chút kinh tế, thì chưa chắc cuộc lễ sẽ thành công. Rồi nếu bài giảng của tôi không có tính cách hệ thống rõ ràng, chính xác, cuộc lễ chưa chắc sẽ thành công.

Tôi gọi tất cả những giá trị ấy là văn hóa cuộc sống. Văn hóa cuộc sống chính là trình độ, cái đúng, cái thực, cái hay, cái đẹp, cái thiện trong tư tưởng, trong lời nói, trong việc làm, trong các tương quan.

Văn hóa cuộc sống ví như chiếc xe. Ta phải chuyên chở đức tin nhờ chiếc xe đó. Nếu thiếu văn hóa cuộc sống, đức tin sẽ khó diễn tả được, sẽ khó vận chuyển được, sẽ khó hấp dẫn được.

Văn hóa cuộc sống dần dần trở thành một tiêu chuẩn để đánh giá một con người, đánh giá một họ đạo, đánh giá một Hội Thánh, đánh giá một dân tộc. Nếu người ta đến xứ đạo chúng ta, thấy nhà thờ rất lớn, nhưng khi gặp cha xứ, tu sĩ, hội đồng giáo xứ, giáo dân, người ta thấy cuộc sống văn hóa của ta quá thấp, quá thiếu, tôi e rằng người ta sẽ thất vọng. Hơn nữa, người ta sẽ chê cười.

Nền văn hóa cuộc sống như tôi vừa nói, đang làm nên giá trị của con người, nhất là khi chúng ta nhìn về tương lai, một tương lai sẽ được hướng dẫn bởi văn hóa, chứ không bởi chính trị.

Trên đây là cái nhìn của tôi về năm 2000. Xây dựng nhân sự linh mục, tu sĩ, hội đồng giáo xứ và quảng đại quần chúng Công Giáo là phải để ý xây dựng nền văn hóa cuộc sống. Mỗi người phải nâng cao trình độ tư tưởng lên, trình độ kỹ thuật lên, trình độ khoa học lên, trình độ nhân bản lên.

Nói như vậy để anh em hiểu thiện chí không thôi, chưa đủ. Tôi biết là anh em đầy thiện chí. Nhưng nếu chúng ta không để ý đến vấn đề xây dựng thêm văn hóa cuộc sống, tôi sợ rằng tương lai đang mở ra, nhưng chúng ta sẽ lại lỡ chuyến tàu lịch sử, sẽ lại lỡ chuyến xe lịch sử, vì chúng ta không biết đi vào đúng tuyến đường lịch sử đó là văn hóa.

 2/ Thao thức thứ hai của tôi là công việc xây dựng nhân sự về mặt nội dung đức tin

Tôi cũng đang nhìn về năm 2000. Tương lai trước mắt là một thời điểm mở ra. Mà khi mở ra thì các trào lưu văn minh sẽ tràn vào. Cái tốt cũng tràn vào, cái xấu cũng tràn vào, cái tốt cũng hấp dẫn, cái xấu nhiều khi cũng hấp dẫn hơn.

Trong thời điểm mở ra như vậy, đầy hấp dẫn như vậy, nếu đức tin không vững, không sâu, không thực chất, mà chỉ là cái hình thức bên ngoài, thì phong trào văn minh tự do đang tới, sẽ lôi cuốn những cái vỏ đức tin ấy như những chiếc bèo trên sông. Vì thế mà tôi muốn rằng bây giờ còn thời giờ thì phải xây dựng nội dung đức tin cho sâu, cho trúng, cho vững.

Nội dung đức tin mà tôi thấy cần thông báo cho anh em, đó là sự gặp gỡ Ðức Kitô sống động. Khi tôi thấy các trẻ đọc giáo lý rất thuộc, tôi vẫn nghĩ rằng thuộc giáo lý chưa phải là đức tin. Ðức tin là đón gặp được Ðức Kitô sống động. Ngài đến với ta, Ngài ở trong ta, Ngài chia sẻ sự sống của Ngài với ta. Sống đức tin là một cuộc trao đổi tình yêu với Chúa, như trao đổi tình yêu sống động giữa hai người thương nhau.

Rồi sống đức tin là nhận ra dung mạo thực của Chúa. Quen gặp Chúa rồi, ta sẽ nhận ra khuôn mặt của Chúa. Cái đẹp nhất của Ngài là tình yêu. Không phải gặp được ở sách giáo lý, mà do tiếp xúc với Ngài nhiều lần. Sống với Ngài, nên thấy khuôn mặt của Ngài có nét đặc biệt đó là tình yêu thương xót.

Rồi sống mật thiết với Ðức Kitô, sẽ dần dần nhận ra chữ ký của Chúa Kitô. Tôi dùng từ đó để anh em hiểu. Khi tôi gặp một người, tôi để ý xem người ấy có chữ ký của Chúa Kitô trên đời sống của họ không. Có những nét của Chúa Kitô rất dễ nhận ra. Thí dụ nét khiêm nhường. Ðức Kitô quì xuống rửa chân cho các môn đệ. Ðó là sự khiêm nhường trên mọi sự khiêm nhường. Ai có nét đó thì như mang nét chữ ký của Ðức Kitô trong đời sống mình. Rồi một nét nữa của Ðức Kitô là quên mình. Trên thánh giá, Chúa Giêsu chết mà không lo cho mình, chỉ lo cho người khác. Ngài quên mình vì phục vụ. Rồi một nét khác của Ðức Kitô là sự hiền lành yêu thương. Khi nhìn một cuộc sống, khi nhìn một gia đình, khi nhìn một nhà xứ, một nhà tù, nếu tôi cảm thấy có một cái gì là quên mình hy sinh, có một cái gì là khiêm nhường hiền lành, tôi sẽ cho rằng Ðức Kitô đã ký trên cuộc sống đó. Cái đó chỉ nhận ra được qua cuộc sống đức tin. Chứ nếu đức tin chỉ là học cho thuộc bài giáo lý thì không thấy được.

Rồi một khi đã quen sống với Ðức Kitô, đức tin là gặp gỡ Ngài, sống với Ngài, thì chúng ta cũng dễ nhận ra hương thơm của Ðức Kitô. Ðó là Tám Mối Phúc Thật. Tám Mối Phúc Thật là một thứ hương thơm thiêng liêng tuyệt vời, chỉ những người sống đức tin sâu sắc, thực sự mới có, và mới cảm thấy được.

Rồi sống đức tin còn là chia sẻ những tâm tình, thao thức của Ðức Kitô. Thật sự khi nhìn các sinh hoạt bề ngoài của một số giáo xứ, tôi thấy hoạt động bên ngoài có vẻ rầm rộ. Nhưng tôi vẫn cảm thấy nội dung đức tin chưa sâu. Nhất là khi tôi nhìn những thao thức của họ. Ít người có những thao thức của Chúa Kitô. Thao thức của Chúa Kitô là đi cứu độ mọi anh em, người lương, người giáo. Ngài yêu thương tất cả, cứu độ tất cả. Khi nhìn sinh hoạt dân Chúa tại các giáo xứ, tôi thấy ít có những thao thức đó lắm. Tôi cảm thấy như thể nhiều nơi mắc một chứng bệnh mất máu thiêng liêng. Ðức tin nghèo nàn, xanh nhợt, chỉ là cái vỏ thôi. Bởi vì đã không có những thao thức với Ðức Kitô. Ngày đêm chỉ thao thức về tiền của, rồi cạnh tranh nhau chuyện này chuyện nọ, chứ không phải là thao thức mhư Ðức Kitô suốt ngày suốt đêm, lo phục vụ loài người, đi tìm loài người.

Ðiều mà tôi rất thao thức đó là xây dựng nhân sự sao cho có một nội dung đức tin cho thực đẹp. Cần phải sống đức tin, nhận ra chữ ký của Ðức Kitô, nhìn rõ khuôn mặt thực sự của Ðức Kitô, chia sẻ những thao thức của Ðức Kitô trong từng thời điểm, nhận ra được những giá trị thực sự mà Ðức Kitô muốn đem lại cho Việt Nam hôm nay.

 3/ Thao thức thứ ba của tôi là công việc xây dựng nhân sự về mặt đổi mới con người theo tinh thần Công đồng Vatican II

Như tôi vừa nói, tương lai sẽ là một tương lai cởi mở. Nhà nước sẽ cởi trói cho chúng ta, cởi trói về pháp luật. Còn Hội Thánh đã cởi trói cho chúng ta từ lâu rồi, qua Công đồng Vatican II. Thế nhưng, khi nhìn vào các nếp sống đạo, tôi thấy chúng ta tự trói mình nhiều quá. Chúng ta không những là không chịu cởi trói ra, mà lại còn tự trói mình lại.

Trước hết, Công đồng Vatican II mở trói cho chúng ta bằng cách khuyên chúng ta hãy tập trung vào Ðức Kitô và Phúc Âm của người. Ðiều này có nghĩa là đừng trói mình vào các tập tục nghịch với Phúc Âm Ðức Kitô. Chúng ta cứ thử nhìn xem các tập tục trong các kênh, các xứ. Nhiều tập tục là những cái dây, những cái xiềng xích trói buộc con người. Mà đó là tự ta trói mình, và trói nhau. Ðức Kitô bảo mở ra. Công Ðồng nói mở ra. Hãy nhìn Ðức Kitô và Phúc Âm của Người. Căn bản cốt cách của đạo là công bình bác ái. Tập trung vào đó thì tự nhiên đạo của ta sẽ mở ra.

Rồi tôi cũng nhìn thấy nhiều nơi vẫn còn trói mình trong các bờ cõi chật hẹp của họ đạo mình. Ðang khi đó Công đồng Vatican II đã mở trói cho chúng ta, bảo chúng ta rằng hãy nhìn về phía các nơi truyền giáo, hãy biết nhìn đến những người ngoài Công Giáo, ngoài Hội Thánh chúng ta.

Rồi tôi cũng nhìn thấy nhiều nơi còn trói mình vào một hình ảnh phiếm diện của Hội Thánh. Cứ cho Hội Thánh chỉ là các Ðức Cha, các linh mục, đang khi Công Ðồng Vatican II nói rằng Hội Thánh là tất cả dân Thiên Chúa. Ai cũng có bổn phận trong Hội Thánh. Ai cũng có quyền trong Hội Thánh. Những cái đó thực sự Công Ðồng đã mở ra rồi. Nhưng chúng ta cứ tự trói lại.

Rồi nhìn các giáo xứ, tôi lại thấy nhiều người tự trói mình vào một thói quen hẹp hòi cho rằng: Sống đạo là chỉ cần những việc của tôn giáo, rồi coi thường những giá trị trần thế. Ðang khi đó, Công Ðồng Vatican II nói rằng: Không những phải lo việc đạo, mà cũng phải dấn thân phát triển những giá trị trần thế, chính trị, khoa học, mỹ thuật, cuộc sống...

Phải mở ra. Hãy cởi trói. Ðừng trói mình. Ðừng trói nhau. Ðó là tinh thần Công Ðồng Vatican II mà tôi thấy nhiều nơi chưa hiểu, chưa thấm nhuần.

Thưa anh em,

Tôi vừa nói với anh em về ba thao thức của tôi:

Thao thức thứ nhất là công việc xây dựng nhân sự về mặt văn hóa cuộc sống.

Thao thức thứ hai là công việc xây dựng nhân sự về mặt nội dung đức tin.

Thao thức thứ ba là công việc xây dựng nhân sự về tinh thần Công Ðồng Vatican II đổi mới.

Xin anh em nhớ ít ra ba thao thức đó, để anh em thông cảm với tôi nhiều hơn, để anh em cùng tôi thống nhất với tôi trong đường lối xây dựng nhân sự, và để anh em biết rằng nếu không đạt được lý tưởng mình mong muốn thì ít ra cũng cố gắng góp phần vào bằng cách cầu nguỵện cho chương trình mà tôi vừa chia sẻ.

Năm 2000 là năm thị trường cạnh tranh mạnh. Cạnh tranh hàng hóa, cạnh tranh người giỏi, cạnh tranh người tài, cạnh tranh người có đức.

Cạnh tranh quan trọng nhất chính là cạnh tranh con người. Nếu chúng ta, gia đình ta có con em tốt, có một nền văn hóa cuộc sống cao, có một nội dung đức tin vững, sâu, có một tinh thần đổi mới của Vatican II, chúng ta đi đâu cũng sẽ được kính trọng. Chúng ta có thể đối thoại với Phật Giáo, với anh em Cộng Sản, với Tin Lành, với bất cứ ai. Còn trái lại, nếu chúng ta kém về văn hoá cuộc sống, nếu chúng ta nông cạn về đời sống đức tin, nếu chúng ta cứ tự trói mình vào nếp sống cũ ngược lại Công Ðồng Vatican II, thì tôi sợ rằng: Càng đi vào tương lai năm 2000, chúng ta càng sẽ yếu, chúng ta sẽ tự mình làm nô lệ cho người khác, họ đạo chúng ta sẽ không thể so sánh được với ai, người ta sẽ không kính trọng chúng ta, người ta sẽ không cần chúng ta, người ta sẽ không cộng tác với chúng ta, người ta sẽ coi thường chúng ta. Và như vậy, không những chúng ta thiệt, mà đạo chúng ta cũng thiệt, Hội Thánh chúng ta thiệt, Ðất Nước chúng ta thiệt.

Tóm tắt một lời, vấn đề xây dựng nhân sự là rất quan trọng. Văn hoá cuộc sống, nội dung đức tin và tinh thần Công Ðồng Vatican II. Cứ ba hướng đó mà đi, nếu chúng ta biết lo cho con em mình, lo cho họ đạo mình.

Hãy cố gắng. Tôi nghĩ rằng công việc không phải dễ đâu. Nhưng nếu chúng ta có hướng đi, có kế hoạch, có thiện chí. Và nếu chúng ta biết cùng làm với nhau, thì địa phận chúng ta sẽ lên, giáo hạt chúng ta sẽ lên, giáo xứ chúng ta sẽ lên, gia đình chúng ta sẽ lên và bản thân chúng ta sẽ có giá trị, vì tương lai của Ðất Nước đang mở ra.

Xin cám ơn anh em.

Bài nói chuyện cho các ban Hành giáo Giáo Hạt Thốt Nốt,
Thạnh An, ngày 14/4/1992