Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Thương Yêu Nhau

Ga 15,9-17

Có lần tôi đã thắc mắc tự nói trong lòng mình rằng: Trong thời Chúa Giêsu còn sống trên trái đất này, tại quê hương Ngài, đồng bào của Ngài, gia đình thân thuộc của Ngài, phần đông đều nghèo túng, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tiền của, thiếu thuốc thang. Chúa Giêsu thấy rõ cảnh tượng ấy, thế mà tại sao không một lần nào Chúa đã nói với các môn đệ là hãy cố gắng làm giàu. Nhưng thay vào đó, Chúa đã đưa ra một lệnh truyền: “Chúng con hãy thương yêu nhau”. Và lệnh truyền này được Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhất là trong bữa Tiệc Ly, như hôm nay, chúng ta vừa nghe Phúc Âm kể lại.

Tôi thắc mắc. Tôi suy nghĩ. Tôi cầu nguyện. Tôi tìm hiểu tại sao Chúa Giêsu lại làm như vậy, lại truyền như vậy? Và Chúa thường giải tỏa thắc mắc của tôi bằng cách giúp cho tôi nhớ lại một số chuyện kể trong Phúc Âm.

Tôi nhớ lại phép lạ Chúa Giêsu đã chữa người mù. Người mù ấy mù lúc sinh ra. Anh ta rất nghèo. Anh ta chuyên ngồi ăn mày ở cổng nhà thờ. Chúa đã làm phép lạ cho anh ta được sáng mắt. Khi được chữa lành, anh ta rất vui mừng. Nhưng khi thấy anh ta được chữa lành, nhiều người đã không mừng cho anh, nhất là giới Pharisêu, giới luật sĩ, giới tư tế. Họ đã kiếm chuyện với anh, đã bắt bẻ và kết án anh, đến nỗi đã trục xuất anh ra khỏi hội đường. Ðồng thời cũng vì cái phép lạ ấy, mà họ càng thêm hận thù với Ðức Kitô. Họ quyết tâm loại trừ Ngài ra khỏi cuộc sống.

Câu chuyện trên đây cho thấy rằng, cái túng nghèo, cái bệnh tật là một cái xấu cần quan tâm giải quyết. Nhưng cái hận thù, cái ganh tị, nó còn là một cái xấu tệ hại hơn nhiều, càng cần phải quan tâm xóa bỏ. Phép lạ Chúa Giêsu đem lại niềm vui cho một người, nhưng lại là dịp làm bừng lên từng trăm ngọn lửa hận thù trong những người chung quanh.

Rồi tôi lại nhớ tới câu chuyện mười người phong cùi. Họ là người mắc bệnh cùi, túng nghèo. Họ từ xa tới Chúa Kitô, nài van Chúa chữa lành họ. Chúa bảo họ đi trình diện với tư tế. Ðang khi họ đi đường, họ được khỏi. Nhưng chỉ có một người trở lại để cám ơn Chúa Giêsu.

Câu chuyện này cho tôi thấy rằng: Bệnh tật là một điều ác, điều xấu, cần quan tâm giải quyết. Nhưng cái sự vô ơn còn là một tật xấu, một cái ác, cần phải quan tâm hơn để diệt trừ, vì nó tệ hại hơn, nguy hiểm hơn nhiều. Phép lạ Chúa đã làm là dịp để cho con người thi thố lòng biết ơn, nhưng chẳng may, lại là dịp để chín người kia tỏ lộ cái lòng vô ơn của mình.

Rồi tôi lại nhớ phép lạ Chúa Giêsu làm để nuôi sống hơn năm nghìn người. Năm nghìn người được ăn no nê. Họ vui mừng tung hô Chúa và muốn tôn Ngài làm Vua. Nhưng ít ngày sau, họ bị kích động, họ trở nên hận thù với Chúa Kitô: Trước dinh Philatô, họ hò la xin giết Chúa Kitô. Ðấng đã làm phép lạ nuôi dưỡng họ ít ngày trước đây.

Những câu chuyện trên đây cho tôi thấy rằng: Cái đói là một cái ác, cái xấu, cần phải quan tâm để giải quyết. Nhưng cái sự vu oan, cáo vạ cho người khác, cái sự ganh tị người khác, đó là một cái tệ hại còn nguy hiểm hơn nhiều.

Chúa Giêsu làm phép lạ cho người ta no nê, nhưng không phải vì no nê, mà người ta lại rơi vào sự hận thù ghen ghét.

Tất cả những câu chuyện trên đây đã giúp cho tôi hiểu rằng: Bệnh tật, đói khát, túng nghèo là những cái cần phải quan tâm giải quyết. Nhưng cái cần giải quyết hơn hết, đó là phải yêu thương nhau, đừng chia rẽ nhau, đừng ganh tị nhau, đừng hận thù nhau. Vì thế, Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại trong Phúc Âm: “Chúng con hãy thương yêu nhau”. Còn trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nói rất rõ: “Thầy truyền cho chúng con một điều răn mới, là chúng con thương yêu nhau”.

Lời truyền này rất cần cho mọi nơi, mọi thời. Và tôi nghĩ rằng càng cần trong thời buổi hôm nay, tại Ðất Nước Việt Nam chúng ta.

Tôi thấy nhiều gia đình, nhiều khu xóm, nhiều địa phương, khi còn nghèo túng thì còn thương yêu nhau, đùm bọc nhau, nâng đỡ nhau. Nhưng khi bắt đầu có của, giầu sang, thì cũng bắt đầu xa tránh nhau, nghi kỵ nhau, ganh tị nhau.

Trong những chuyến đi vừa qua tại nước ngoài, tôi cảm thấy giới luật yêu thương rất cần, phải được chú ý. Bởi vì, người ta có giầu lên, có sang hơn, có văn minh hơn, nhưng mà đang có một sự suy thoái trầm trọng về tình yêu thương, ngay trong gia đình chứ chưa nói đến xã hội.

Thí dụ: Tại Rôma năm rồi, số vợ chồng ly dị nhau là rất cao, tính trung bình, mỗi tuần tại Rôma có chừng 200 đôi ly dị. Nghĩa là, mỗi một ngày có chừng 30 đôi vợ chồng ly dị.

Tôi mới đọc một tờ báo nói rằng: Tại Pháp bây giờ, hơn hai triệu trẻ em sống, hoặc là thiếu cha, hoặc là thiếu mẹ, hoặc là thiếu cả cha lẫn mẹ. Bởi vì chúng thuộc về những gia đình cha mẹ thôi nhau.

Rồi sang bên Tây, tôi cũng đã thấy cảnh cha mẹ già yếu bệnh tật, bị con cháu bỏ rơi, đưa vào các hưu dưỡng đường, mà cả tuần lễ, cả tháng trời, cha mẹ không được con cái hỏi thăm, giúp đỡ.

Tôi vừa nói rằng đấy là những nước giầu, đấy là những nước văn minh, mà tình yêu thương còn bị tan vỡ ngay trong gia đình.

Sở dĩ hôm nay tôi chia sẻ với anh chị em những suy tư trên đây, là vì tôi muốn ca ngợi và cổ võ những công việc mà các cha và anh chị em ở trong vùng này nói chung, và tại xứ Kiên Lương này nói riêng. Các cha cũng như anh chị em đang cố gắng làm các việc từ thiện, đó là việc làm rất tốt.

Nhưng tôi cũng biết các cha và anh chị em càng cố gắng hơn, trong việc huấn luyện trái tim mình, và trái tim những người thuộc về mình, để biết sống đích thực giới luật yêu thương mà Chúa đã dạy, và nhất là như Chúa đã làm gương: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã thương yêu các con”.

Chúa đã thương yêu chúng ta thế nào? Thưa là tự hạ, phục vụ quên mình tại hang đá Bê Lem. Thưa là tự hạ, phục vụ quên mình, trong phép Thánh Thể. Thưa là tự hạ, phục vụ quên mình, trên cây Thánh Giá.

Chúng ta hãy yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta.

Trên tấm bảng, đặt trên cung thánh, chúng ta đọc thấy 7 ơn Chúa Thánh Thần. Khi tôi đọc 7 ơn Chúa Thánh Thần, tôi nghĩ ngay tới chúng ta cần ơn Chúa Thánh Thần, để biết sống đúng giới luật yêu thương. Ðể biết yêu thương nhau, cần phải có ơn hiểu biết, cần phải có ơn khôn ngoan, cần phải có ơn can đảm, cần phải biết kính sợ Chúa. Trong giây phút này, tôi cùng với anh chị em xin Chúa Thánh Thần, giúp cho tâm hồn chúng ta biết đón nhận chính sự sống của Thiên Chúa, một sự sống là tình yêu, tình yêu hồn nhiên chân thành quảng đại, để không những hôm nay, mà mãi mãi sau này, chúng ta cũng như con cái chúng ta, biết thương yêu nhau, nhất là trong gia đình xóm ngõ và trong họ đạo.

Riêng tôi, tôi vẫn nghĩ rằng một Giáo Hội giầu không luôn luôn là một Giáo Hội mạnh, nhưng chỉ có Hội Thánh nào biết thương yêu nhau mới là một Hội Thánh mạnh, có sức làm chứng cho Chúa, có sức làm việc truyền giáo.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đốt lửa tình yêu Chúa trong lòng chúng con. Amen.

Lễ Thêm Sức, Kiên Lương ngày 29/10/1992