Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Lời Cầu Nguyện Ðẹp Lòng Chúa

Lc 39-46

Trong bài Phúc Âm hôm nay có hai lời cầu nguyện mà tôi rất ưa thích. Lời cầu thứ nhất là lời cầu của kẻ trộm lành nói với Ðức Kitô. Lời cầu ấy vỏn vẹn chỉ có hai câu: “Lạy Ngài, khi nào Ngài về nước Ngài, xin Ngài nhớ đến tôi”. Còn lời cầu thứ hai là lời cầu của Ðức Kitô nói với Ðức Chúa Cha. Lời cầu ấy chỉ vỏn vẹn chỉ có một câu: “Con phó linh hồn con trong tay Cha”.

Sở dĩ, tôi ưa thích hai lời cầu nguyện trên đây, là vì tôi biết những lời cầu nguyện vắn tắt này đã rất đẹp lòng Thiên Chúa, và đã được Thiên Chúa nhậm lời. Ðó là một sự thực chắc chắn, rõ ràng. Từ sự thực chắc chắn rõ ràng ấy, tôi suy nghĩ xem, điều gì đã làm cho lời cầu nguyện trở nên đẹp lòng Chúa và được Chúa nhậm lời. Và tôi thấy như sau:

Ðiều thứ nhất làm cho một lời cầu nguyện được đẹp lòng Chúa, đáng Chúa nhậm lời, đó là: Kẻ cầu nguyện tỏ ra khiêm tốn, nhận biết mình yếu hèn, bất xứng.

Ðúng như vậy. Khi kẻ trộm lành cầu với Ðức Kitô: “Lạy Ngài, khi Ngài về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”, thì kẻ trộm lành nhận thức rõ rệt, mình là kẻ có tội, mình là kẻ bất xứng. Bất xứng đối với người khác. Bất xứng đối với Thiên Chúa.

Do đó, anh đã cho thấy có một khoảng cách rất xa giữa mình với Thiên Chúa. Anh chẳng còn gì, chẳng còn danh dự, chẳng còn của cải, chẳng còn ai thương. Gia tài chỉ còn là cây thập giá. Anh bị đóng vào cây thập giá, như bị đóng vào số phận của đời mình, bị đóng rất chặt, bị đóng rất sâu, không sao gỡ được. Nhưng anh chấp nhận hình phạt ấy, coi như là hình phạt xứng đáng. Tâm tình anh khi nói với Ðức Kitô: “Khi Ngài về nước trời, xin Ngài nhớ đến tôi”, là tâm tình khiêm tốn, chấp nhận khoảng cách do hình phạt gây nên.

Rồi trong lời cầu của Ðức Kitô nói với Chúa Cha cũng vậy: “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha”, Chúa Giêsu cũng cho thấy, ngoài cảm nghiệm rõ ràng thân phận kẻ gánh tội thiên hạ. Ngài cảm thấy trên đầu Ngài là một khối dơ bẩn của cả nhân loại mà Ngài phải gánh. Ngài cũng nhận biết thân phận kẻ gánh tội nhân loại, là phải khoác vào mình những rách nát, những hình phạt, những sỉ nhục, những cô đơn. Ngài cam chịu tất cả, như một người tội lỗi nhất trần gian. Ngài chẳng còn gì: Môn đệ bỏ Ngài. Thiên Chúa cũng bỏ Ngài. Chẳng còn gì hết. Gia tài chỉ là cây Thánh Giá, bị đóng chặt vào đó, như trói vào một số kiếp đọa đày, không thể nào gỡ được.

Tâm tình Ðức Kitô trên Thánh Giá là một tâm tình khiêm tốn tột bậc, và khi Ngài cầu nguyện, thì tâm tình ấy được thổ lộ ra, rất là sâu sắc, chân thành.

Nhưng cả Ðức Kitô, cả kẻ trộm lành, khi nhìn thân phận mình là như vậy đó, đã không thất vọng, mà đã nhìn lên Thiên Chúa như một vị cứu tinh, như một niềm hy vọng.

Niềm hy vọng đó thế nào? Ðức Kitô và kẻ trộm lành đã nhìn Thiên Chúa làm sao?

Thưa, điều thứ hai làm cho một lời cầu nguyện được đẹp lòng Thiên Chúa, đáng được Thiên Chúa chấp nhận, đó là tin vững vàng vào Thiên Chúa là Cha toàn năng, giàu lòng thương xót.

Thực vậy, khi người trộm lành cầu với Ðức Kitô: “Khi nào Ngài về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”, anh đã coi Ðức Kitô là điểm tựa duy nhất. Anh thấy Ðức Kitô có một trái tim vô cùng nhân ái, có một bàn tay vô cùng quyền năng. Nếu Ngài thương, Ngài có dư sức để cứu anh ta, cách này, cách khác.

Ðức tin của kẻ trộm lành là một đức tin vô điều kiện, một niềm tin tuyệt đối.

Rồi, trong lời cầu của Ðức Kitô hướng về Chúa Cha cũng vậy: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha”, Ðức Kitô đã nhìn nhận Ðức Chúa Cha là đầu, là mạch mọi sự sống, mọi niềm an ủi, mọi tình yêu thương. Cứ phó thác mình trong tay Ðức Chúa Cha, thì dù lúc này mình đau khổ, mình cô đơn, mình mất hết, nhưng Chúa Cha giàu lòng thương xót, quyền năng, sẽ là điểm tựa cứu độ cho mình.

Trên đây là hai điều kiện làm cho một lời nguyện được đẹp lòng Thiên Chúa. Ðiều kiện thứ nhất là khiêm tốn, biết nhận mình bất xứng, khốn cùng. Ðiều kiện thứ hai là tin vào Thiên Chúa toàn năng giàu lòng thương xót. Lời cầu nguyện với hai điều kiện kể trên mà nếu thực hiện một cách có xác tín, chân thành, thì đó là lời cầu nguyện gây nên cảm động, thấu vào trái tim Thiên Chúa.

Thí dụ như lời cầu nguyện của Ðức Kitô trong vườn Cây Dầu: “Lạy Cha, nếu đẹp lòng Cha, xin cất gánh nặng, cất chén đắng này xa con”. Ðây là một lời cầu nguyện có sự khiêm tốn, có lòng tin vững vàng. Và vì xác tín, và vì chân thật nên đúng là một lời cầu nguyện đầy cảm động.

Rồi lời cầu nguyện của Ðức Kitô trên Thánh Giá, trước khi chết: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con?” cũng là một lời cầu nguyện, một lời kêu than, phát xuất từ đáy lòng, từ thực tế đau đớn nhất của mình, đầy khiêm tốn và tin tưởng.

Trong Phúc Âm, chúng ta thấy có rất nhiều lời cầu nguyện có tính cách kêu than, hướng về Chúa như vậy. Thí dụ, lời cầu nguyện của người thu thuế đứng cuối nhà thờ: “Lạy Chúa, xin thương xót con”. Cũng vậy, rất khiêm tốn, tin tưởng vào Chúa. Hay lời cầu nguyện của 10 người phong cùi: “Lạy Thầy, xin thương xót thân con”. Hay lời cầu nguyện của người mù, khi thấy Chúa sắp đi qua: “Lạy Thầy, xin thương xót chúng con”. Tất cả những lời kêu cầu van xin này, sở dĩ trở nên cảm động, là vì nó phát xuất từ đáy lòng của mình, từ một hiện tượng thực tế, đớn đau khổ cực, và hướng về Thiên Chúa là tình yêu toàn năng. Như vậy, chúng ta thấy cái sức gây nên cảm động, thấu vào Thiên Chúa, không do trí tuệ, mà là do trái tim người cầu nguyện. Ðó là điều chúng ta cần phải nhớ. Một lời cầu nguyện hay, một lời cầu nguyện cảm động, một lời cầu nguyện đáng được Chúa chấp nhận, không do nội dung trí tuệ, mà là do các tâm tình từ trong lòng phát xuất ra. Nó do trái tim của mình.

Ở đây, tôi cũng chia sẻ một nhận xét của tôi về Phúc Âm.

Như anh chị em đã biết, Chúa Giêsu rất để ý đến việc cầu nguyện. Ngài làm gương về sự cầu nguyện. Nhưng không bao giờ Chúa đề cao sự đọc kinh nhiều, không bao giờ Chúa đề cao phải học nhiều kinh, mà điều Chúa nhấn mạnh là lời cầu nguyện, dù dài dù ngắn thì cũng phải có tâm tình, phải có cái hồn bên trong. Vì thế, đọc Phúc Âm chúng ta thấy: Pharisêu đọc rất nhiều kinh, đọc nhiều thứ kinh, nhưng Chúa lại không chấp nhận lời kinh của họ, vì không có hồn, vì không khiêm tốn, vì không thực sự tin vào Thiên Chúa.

Trái lại, đọc Phúc Âm chúng ta thấy, những người tội lỗi, những người thu thuế, người đàn bà ngoại tình, người trộm bị đóng đinh... toàn là những người tội lỗi. Họ chỉ cầu nguyện vắn tắt, nhưng lời cầu nguyện của họ có tâm tình, có hồn, có sự khiêm tốn, có lòng tin vững vàng vào Chúa, nên tuy vắn tắt cũng đã được Chúa chấp nhận.

Sở dĩ hôm nay, tôi nói về vấn đề cầu nguyện, là tôi muốn nhắc cho các bậc phụ huynh, hãy để ý giáo dục con em mình, để chúng biết cầu nguyện. Bởi vì tôi thấy nhiều nơi, nhiều người, đọc nhiều kinh, xem nhiều lễ, nhưng tôi có cảm tưởng là họ không bao giờ gặp được Ðức Kitô trong tâm hồn mình. Họ vẫn trống rỗng. Ðọc kinh mà không cầu nguyện. Xem lễ mà không gặp được Ðức Kitô.

Ðang khi đó, tôi thấy ở bên Tây, nhiều thanh niên bỏ Hội Thánh, bỏ nhà thờ, nhưng tôi thấy họ không bỏ cầu nguyện. Họ cầu nguyện theo lối của họ, bằng những lời kinh tự phát trong đáy lòng mình. Biết đâu đây cũng là một sự cảnh cáo cho những người quá chú trọng đến sự cầu nguyện bề ngoài mà không chú trọng đến tâm tình bên trong khi cầu nguyện để gặp được Thiên Chúa của mình.

Xin Chúa Thánh Linh là Ðấng mà thánh Phaolô đã nói: “Ðấng làm cho chúng ta biết cầu nguyện”, hôm nay hãy đến với chúng ta, đến với con em chúng ta, để mỗi khi chúng ta cầu nguyện, Chúa Thánh Linh cầu nguyện trong chúng ta với một tâm hồn khiêm tốn, ăn năn sám hối và với một đức tin trong sáng tuyệt đối và vô điều kiện hướng về Thiên Chúa là tình yêu đầy quyền năng, cứu độ chúng ta. Amen.

Lễ Thêm Sức, Vạn Ðồn (Kinh B1) ngày 28/2/1992