Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1992
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 

Tin Mừng Ðích Thực -2-

Lc 9,28b-36 (CN 2 Mùa chay C)

Ðọc xong bài Phúc Âm hôm nay, tôi cảm thấy trong tôi một nỗi tiếc muộn màng. Tôi tiếc là nếu hồi đó, ba môn đệ Chúa có máy quay phim như thời nay, và ghi lại được toàn bộ chuyện Chúa biến hình, thì cuộn băng đó sẽ là một tài liệu rất quí. Người ta sẽ nghe được giọng nói ngọt ngào của Ðức Chúa Cha phán ra từ đám mây. Người ta sẽ tha hồ chiêm ngưỡng dung nhan đẹp đẽ, oai hùng của hai tổ phụ Maisen và Êlia. Nếu tài liệu lịch sử đó được phổ biến rộng rãi, chắc từng triệu người sẽ thêm lòng mến Chúa, và những người chưa tin Chúa chắc sẽ không ngần ngại tin theo đạo Chúa.

Nỗi tiếc của tôi đúng là tự phát. Chứ đọc kỹ lại bài Phúc Âm, tôi thấy giả sử ba tông đồ có máy quay phim tối tân đi nữa, chắc chắn Chúa Giêsu chẳng cho phép ghi bất cứ sự gì đã xảy ra hôm đó. Bởi vì ngay sau khi cảnh biến hình vừa dứt, Chúa Giêsu đã truyền cho ba môn đệ phải giữ miệng, không được nói với ai về những gì các ông đã thấy.

Tôi hiểu lệnh truyền đó ngụ ý dạy các môn đệ không nên coi chuyện Chúa biến hình sáng láng vừa được chứng kiến là một Tin mừng quan trọng, mà Ngài muốn loan báo cho nhân loại. Tin mừng quan trọng nhất cần loan báo chính là chuyện sẽ xảy ra ở Giêrusalem, chuyện mà Ngài vừa mới trao đổi với hai tổ phụ, đó là chuyện Ngài tình nguyện nạp mình chịu chết nhục nhã để cứu chuộc nhân loại. Cái tin sẽ làm cho nhân loại mừng, nhất là kẻ tội lỗi càng mừng, đó là Ngài gánh tội cho họ, đền tội cho họ, xóa tội cho họ. Cái tin thực là mừng cho bất cứ ai, đó là họ được Ngài yêu thương, đến nỗi Ngài cam lòng chịu chết khổ nhục để chứng tỏ tình thương ấy.

Ðúng là như vậy, thao thức của Chúa Giêsu không phải là phổ biến những vẻ huy hoàng sáng láng của Ngài, mà là minh chứng tình yêu của Ngài. Ngay hôm ấy, trên núi cầu nguyện, khi gặp hai tổ phụ Maisen và Êlia, Ngài vẫn chỉ đàm đạo về cuộc khổ nạn mà Ngài sẽ chịu ở Giêrusalem. Ngài chỉ quan tâm đến chuyện đó. Ngài chỉ nhìn về cảnh khổ nạn sắp tới, như một chứng minh thư của tình yêu, mà Ngài muốn gởi lại cho nhân loại.

Ngài thừa biết cái gì có giá trị đền tội trước mặt Ðức Chúa Cha, và có giá trị thuyết phục con người về sự chân thành và cao cả của tình yêu. Cái đó không phải là khoe ra những vinh quang, những đắc thắng, mà là sự hạ mình khiêm tốn, hy sinh từ bỏ mình.

Cũng may là ba môn đệ đã biết vâng lời Chúa Giêsu mà giữ kín khá lâu chuyện Ngài biến hình sáng láng. Chứ nếu chuyện này được tiết lộ sớm, thì Chúa Giêsu chắc sẽ phải chết sớm hơn, và đạo Ngài sẽ sớm bị nguy cơ biến chất. Bởi vì dễ sớm mọc lên phong trào phô trương hình ảnh vinh quang Ngài, làm mờ đi hình ảnh Ngài đền tội và kêu gọi mọi người ăn năn đền tội. Ðồng thời cũng sẽ sớm nở ra âm mưu sát hại Ngài, vì ganh ghét vinh quang của Ngài. Chương trình cứu độ của Ngài vì thế sẽ không được rõ nét.

Nghĩ tới việc Chúa Giêsu thích che giấu vẻ đẹp sáng láng của mình, để sống trọn vẹn thân phận kẻ gánh tội, và đền tội cho thiên hạ, tôi hết sức thương Chúa và cảm tạ Ngài. Chúa Giêsu xưa kia, hôm nay và mãi mãi vẫn là một. Con đường Ngài đã đi xưa vẫn là con đường Ngài muốn chọn cho những ai theo Ngài. Mỗi khi tôi nghĩ tới con đường khác, tôi lại nhớ lời Ðức Chúa Cha hôm nay dạy tôi về Ðức Kitô: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Ngài”. Lời dạy của Ðức Chúa Cha rất là vắn gọn, rõ ràng, dứt khoát. Tôi không được chọn con đường nào khác ngoài lời dạy của Ðức Kitô. Tôi phải vâng lời Ðức Kitô. Lời Ðức Kitô là đường đi, là sự thật và là sự sống của tôi. Lời Ðức Kitô dạy hôm nay cũng rất vắn gọn, rõ ràng, dứt khoát: Hãy im lặng, đừng nói với ai chuyện huy hoàng đã thấy.

Nếu không có lời Chúa Giêsu dạy trên đây, tôi sẽ dễ chạy theo ảo tưởng. Trong tôi và ngoài tôi không thiếu khuynh hướng thích phô trương. Nói là để làm sáng danh Hội Thánh. Có nhiều cách phô trương, nhưng cách phô trương hấp dẫn nhất thường vẫn là cách hai bên cùng có lợi. Thực ra, nhiều khi lợi cho Hội Thánh thì ít, mà lợi cho cá nhân mình thì nhiều. Một khi cách phô trương như thế trở thành bình thường phổ biến, thì không tránh được tinh thần tục hóa. Dần dà, quyền lợi các đầy tớ Chúa lấn át quyền lợi Thiên Chúa và Hội Thánh. Làm chứng trở thành phản chứng.

Tôi cầu xin Ðức Kitô giúp tôi biết chia sẻ những thao thức của Ngài về chương trình cứu độ, mặc dầu trong chương trình đó có cuộc khổ nạn của Ngài và cũng có khổ nạn của tôi.

CN 2 Mùa chay C, ngày 15/3/1992